Mỗi năm, khi đến ngày 20/10 (Ngày Phụ nữ Việt Nam), những câu chúc gửi tới chị em phụ nữ lại được cất lên thật nhiều. Nếu như trước đây nó thường được viết lên tấm thiệp giấy để gửi kèm trong những món quà, lẵng hoa dành tặng các chị em, thì giờ đây, nó vang lên rộn ràng cả trên mạng xã hội.
Bên cạnh những lời chúc, hoa và quà, chúng ta có cả những sự kiện tôn vinh ngày của phụ nữ. Và rồi, khi những lời phát biểu, chúc mừng mang đầy tính hình thức được nói xong, khi những món quà được trao, những bữa tiệc dần tàn, những vui vẻ phong trào qua đi, chúng ta, cả phụ nữ và đàn ông, có đủ thành thật với bản thân để trả lời câu hỏi:
Có phải phụ nữ Việt Nam đã thực sự được đối xử công bằng?
Lý thuyết và thực tế: Khoảng cách xa vời
Tỷ lệ nữ giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo, cũng như sự hiện diện của phụ nữ trong các lĩnh vực, đã được đặt cho những chỉ tiêu cụ thể trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, “đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ”, và “tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030”...
Những con số này thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chí ít là ở việc từ giờ cho đến cái mốc trước mắt là 2030, năm nào báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng đều phải được tổng hợp, soạn thảo và công bố.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có lẽ là một trong những phát ngôn định kiến từ lịch sử bị các nhà đấu tranh bình đẳng giới lên án mạnh mẽ nhất.
Và nói đến đây, có lẽ không ít người trong chúng ta đều có chung một suy tư rằng, những mục tiêu này vẫn chưa thể phản ánh bức tranh toàn cảnh về cơ hội phát triển và sự công bằng dành cho phụ nữ trong thực tế.
Trên lý thuyết, chúng ta có những mục tiêu rõ ràng về bình đẳng giới. Thực tế cũng đã cho thấy nhiều tiến bộ trong vấn đề này. Nhưng, hãy thử nhìn vào một vài tình huống điển hình trong cuộc sống của mỗi gia đình hay trong công việc, chúng ta có thể sẽ thấy một điều dường như chẳng mấy thay đổi, đó là định kiến về vai trò của phụ nữ, mà đáng nói là định kiến ấy nhiều phần do chính những người phụ nữ góp vào.
Bữa cơm gia đình vẫn là các bà, các mẹ đảm đương. Rửa bát, quét nhà hiếm khi nào là việc của nam giới. Những hàng ghế đầu tại các sự kiện chỉ lác đác bóng nữ giới. Công tác tuyển dụng nhân sự tại nhiều nơi, tuy không công khai, nhưng thường ưu tiên chọn nam giới.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có lẽ là một trong những phát ngôn định kiến từ lịch sử bị các nhà đấu tranh bình đẳng giới lên án mạnh mẽ nhất. Nhưng cũng chính với câu này, vẫn có những phụ nữ lên tiếng ủng hộ, với quan điểm khẳng định vai trò vun vén cho gia đình mà phụ nữ vẫn làm tốt bấy lâu nay.
Dù không còn phổ biến như xưa, nhưng trong nhiều lời dặn con gái trước khi về nhà chồng của các bà mẹ, chúng ta vẫn thấp thoáng thấy ý này. “Hậu phương vững chắc” được nhìn nhận như là một danh hiệu đáng tự hào mà phụ nữ cần đạt được, để “tiền tuyến” yên tâm công tác.
Tại nhiều cơ quan, công sở, tỷ lệ nữ giới làm vị trí quản lý, lãnh đạo không cao, thậm chí đặc biệt thấp ở vị trí lãnh đạo cấp cao. Tôi vẫn nhớ lời đồng chí Bí thư Đảng uỷ của một cơ quan phát biểu trong cuộc họp toàn lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, rằng: “Hiện nay số lượng lãnh đạo nữ của chúng ta đông quá!”, với hàm ý mong muốn phải tăng cường lãnh đạo nam giới hơn.
Điều thú vị rằng đây không phải lần đầu vị này phát biểu như vậy, và còn thú vị hơn khi chẳng ai dám phản đối thái độ đó của đồng chí Bí thư một cách công khai. Tại sao phải nhìn vào giới tính khi xét đến vị trí công việc mà không đơn giản chỉ nhìn vào những điều kiện để bổ nhiệm?
Ít nữ giới đi và nhiều nam giới hơn liệu có phải là biện pháp giúp cho công tác quản lý, lãnh đạo tốt hơn? Câu trả lời có thể là gì khác nếu không phải đã gắn cho phụ nữ (và cả nam giới) những định kiến nhất định trong vai trò quản lý, lãnh đạo?
Hành động nhiều hơn
Phụ nữ chắc chắn vẫn thích được chúc mừng vào ngày 20/10. Nói đúng ra, ngày nào được quan tâm thì họ đều thích cả. Nhưng thay vì “từ thiện” một ngày rửa bát cho vợ, như hình ảnh không ít chị em chụp trộm chồng và khoe lên mạng xã hội, thì các anh chồng có thể nghĩ đến việc chia sẻ việc nhà công bằng với vợ mình hơn, ở cả tần suất và khối lượng.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, “số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ vẫn bằng 1,78 lần so với nam giới”. Và Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ giảm con số này xuống còn 1,7 lần.
Chắc chắn Chính phủ có phương pháp tính toán toàn diện để ra được con số trung bình này. Nhưng với quan sát cá nhân, tôi cho rằng ở nhiều nơi tỷ lệ này phải lên đến hai con số mới phản ánh đúng thực tế.
Nhưng cũng cần nói khách quan rằng, việc này xảy ra cũng có phần do chính sự nuông chiều và nhẫn nhịn của không ít phụ nữ dành cho chồng, con, anh em trai của mình. Và cũng khách quan mà nói, để có những ông chồng biết chia sẻ, chị em phụ nữ cũng cần giảm bớt kỳ vọng vào những món quà mỗi dịp lễ tết, bớt thể hiện mong muốn chồng mình phải là “trụ cột” tài chính trong gia đình. Không thể có tiêu chuẩn kép ở câu chuyện bình đẳng giới.
Trả lời cho câu hỏi ở đầu bài viết: Có phải phụ nữ Việt Nam đã thực sự được đối xử công bằng?
Có lẽ câu trả lời đã là quá rõ, nếu như phụ nữ vẫn phải nỗ lực chứng tỏ hơn nam giới để có được một sự ghi nhận tương tự; hay vẫn là người phải gánh vác việc nhà dù cho thu nhập không kém gì ông xã; hoặc vẫn không được tạo các điều kiện công bằng như nam giới để tiếp cận mọi nguồn lực và cơ hội phát triển.
Mà chẳng cần nhìn đâu xa, con số 1,78 kia (số giờ phụ nữ làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công so với nam giới) với nỗ lực giảm “hẳn” xuống 1,7 (chứ không phải 1) vào năm 2025, đã tự nói lên nhiều điều.
Dịp kỷ niệm 95 năm ngày Phụ nữ Việt Nam vào năm 2025 chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho nhiều sự kiện lớn, trang trọng, rộng khắp được tổ chức để tôn vinh phụ nữ.
Cũng hy vọng rằng, trong dịp ấy, nếu vẫn còn trong nhiệm kỳ, vị Bí thư Đảng uỷ kia, trong một cuộc họp mới, sẽ tìm cách tạo điều kiện nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo của các cán bộ chủ chốt trong đơn vị mình, thay vì chỉ đi đếm và so sánh số lượng nữ và nam cán bộ tại đây.