Những lời "xin lỗi" ngược đời

Ma Khánh Yến Thứ sáu, ngày 20/09/2024 13:44 PM (GMT+7)
Tôi đọc được từ một tài khoản gửi số tiền 6.000 đồng dòng chữ: “Cháu xin lỗi vì chỉ còn số tiền cuối trong tài khoản”. Lời xin lỗi có phần “ngược đời” mang lại cho tôi ít nhiều suy ngẫm. Xưa nay, chúng ta chỉ xin lỗi khi sai, khi làm tổn thương cho người khác, chưa từng có khái niệm nhận lỗi khi làm việc tốt.
Bình luận 0

Đến 17h ngày 19/9, tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) thông báo đã tiếp nhận tổng số tiền 1.495 tỷ đồng, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ.

Số tiền trên được đóng góp từ rất nhiều người, với đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống. Họ có thể là những ca sĩ, doanh nhân, TikToker với số tiền quyên góp hàng trăm triệu đồng, cũng có thể là bà cụ bán ve chai ở Bình Dương, cô bán rau ở Hà Nội, với số tiền 50.000đ dành dụm được sau nhiều ngày tích cóp.

Trên mạng xã hội, những nội dung chuyển khoản mang từ khóa “xin lỗi” với số tiền 5.000, 6.000, 20.000 đồng… được lan truyền rộng rãi. Người gửi đa phần còn trẻ, họ xưng “con”, “cháu” áy náy khi không có nhiều tiền để ủng hộ, cảm thấy mình gây “phiền toái”, dù đang chung tay với cộng đồng xoa dịu những nỗi đau do thiên tai, lũ lụt.

Tôi đọc được một tài khoản chuyển 8.582 đồng có dòng nội dung: "Con xin lỗi, con chỉ là sinh viên. Con thật sự muốn đóng góp nhiều hơn. Con thật vô dụng. Cầu cho đồng bào chịu lũ lụt được an toàn". Tài khoản khác gửi số tiền 6.000 đồng và viết: “Cháu xin lỗi vì chỉ còn số tiền cuối trong tài khoản”.

Trong khi đó, một người trẻ gửi số tiền 500.000 đồng nhưng dường như em vẫn cảm thấy áy náy: "Tài khoản cháu chỉ còn bấy nhiêu đây thôi. Cháu xin lỗi vì đã không đóng góp được nhiều cho đất nước"...

Lời "xin lỗi" ngược đời từ những trang sao kê từ thiện - Ảnh 1.

Những lời xin lỗi ngược đời qua những trang sao kê từ thiện được công bố. Ảnh: DV

Những lời xin lỗi có phần “ngược đời” từ họ mang lại cho tôi ít nhiều suy ngẫm. Xưa nay, chúng ta chỉ xin lỗi khi sai, khi làm tổn thương cho người khác, chưa từng có khái niệm nhận lỗi khi làm việc tốt.

Đặt tin nhắn của họ bên cạnh lối sống “phông bạt”, lợi dụng đồng bào đang gặp khó khăn để đánh bóng tên tuổi của một số nghệ sĩ, TikToker, càng thấy thứ lớn nhất chứng minh giá trị của một con người không phải của cải mà là lòng chân thành, hướng thiện. Hay nói cách khác, số tiền các em gửi đi có thể ít hơn, nhưng trong khoảnh khắc ấy, họ đã trao đi tất cả những gì mà họ có…

Khoa học từng chỉ ra rằng không ít người né tránh lời xin lỗi bởi cho rằng câu nói này khiến họ trở nên nhỏ bé và thấp kém. Thực tế cũng cho thấy, đã có thời lời xin lỗi rất hiếm hoi được nói ra từ phía những người có vị trí trong xã hội. Họ mặc nhiên mình làm đúng, hoặc ở một khía cạnh khác, giả vờ như mình đang làm đúng.

Có nhiều ý kiến khiến tôi phải suy nghĩ khi nhận định, trong cuộc sống kim tiền và bị chi phối nhiều bởi mạng xã hội như hiện nay, dường như con người chúng ta nhiều lúc nặng tính hình thức và coi trọng quá mức quyền lực của đồng tiền.

Một bà chủ thẩm mỹ viện làm từ thiện tiền tỷ có thể được quan tâm hơn một cô giáo dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, dù họ cùng làm điều thiện. Tôi không muốn đánh giá điều này là tốt hay xấu, mà đây là thói quen về suy nghĩ đang tồn tại ở nhiều người.

Những ngày qua, khi đọc những bài viết “check var” sao kê, các bài viết xin lỗi vụng về từ nhiều tổ chức, cá nhân sau khi sự “phông bạt” bị “bại lộ”, tôi tự hỏi có phải sức ép về vật chất, sự phát triển và lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang làm “biến chất” chúng ta?

Khi bước chân từ thế giới thực vào thế giới ảo, nhiều người sẵn sàng bỏ sự trung thực lại phía sau, đeo một chiếc mặt nạ và đi giữa cộng đồng, nhân danh những điều lương thiện và đẹp đẽ.

Lời "xin lỗi" ngược đời từ những trang sao kê từ thiện - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Ma Khánh Yến. Ảnh: DV

Khoảng cách từ lời xin lỗi của các em học sinh, sinh viên khi gửi 5.000 đồng, 10.000 đồng tới những người “phù phép” hóa đơn chuyển khoản đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, có lẽ nằm gọn ở hai từ trách nhiệm.

Tôi lại nhớ tới những lời tâm sự của ca sĩ Hà Anh Tuấn sau khi anh đi thăm các em bé bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo và ngay lập tức ấp ủ dự án hỗ trợ cho các bé. Anh bày tỏ quan điểm: "Mình đi thăm lũ con nít và rồi thấy cuộc đời chả có gì quan trọng nữa. Chúng ta khoe nhau nhiều tiền để làm gì? Giờ phải khoe cứu được bao nhiêu người, chữa được bao nhiêu người, hoặc ít nhất với lũ trẻ, phải cho chúng sống được bao nhiêu ngày tháng vui vẻ còn lại. Dân chơi là chơi kiểu đó. Giờ dân chơi vẫn khoe cái xe, cái túi, đồ đạc thế này thế kia thì lỗi thời rồi". 

Nó cũng tương tự như cách chúng ta đánh giá một cá nhân khi người đó tham gia vào bất kỳ hoạt động mang tính cộng đồng nào trong xã hội, cả về chính trị, kinh tế, xã hội...

Ở đó, nếu giá trị một người được đánh giá bằng cách họ mang lại những gì cho người khác, thay vì những thứ vật chất, xa hoa họ khoác trên người, xã hội phải chăng sẽ dễ dàng hơn trong việc gắn kết, chúng ta cũng không cần phải dùng mặt nạ với nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem