Gìn giữ văn hóa truyền thống
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Đây là hình thức du lịch khá mới, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi hòa vào cuộc sống của người dân bản địa để từ đó hiểu hơn về các giá trị văn hóa, truyền thống. Nguồn thu từ du lịch cộng đồng vừa giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững vừa được sử dụng để bảo tồn tài nguyên, giá trị di sản của địa phương.
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch, tỉnh Phú Yên đang tích cực kết nối các làng nghề truyền thống, phát huy giá trị văn hóa địa phương để hình thành nên tour, tuyến du lịch trải nghiệm có chất lượng cao, thu hút và giữ chân du khách. Đây cũng là cách để địa phương gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể.
Thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân là thôn miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên được công nhận thôn văn hóa vào năm 2000 và được biết đến là cái nôi của loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc "Trống đôi, cồng ba, chiêng năm" được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.
Hiện, thôn có hơn 200 hộ với hơn 600 nhân khẩu, trong đó 95% dân số là đồng bào Ba Na. Cùng với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống được người dân lưu giữ từ nhiều đởi, chính quyền địa phương và bà con nông thôn đã xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng đặc sắc.
Tổ du lịch cộng đồng thôn Xí Thoại cung cấp dịch vụ ẩm thực, biểu diễn văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, tham quan, dã ngoại cảnh suối, núi rừng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na cũng như tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Sô Minh Toàn, người dân thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cho biết: Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt. Không chỉ vậy, hoạt động du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Những ngày hè vừa qua, Hòn Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) nhộn nhịp đón du khách từ các nơi về lưu trú, khám phá vẻ đẹp rạn san hô độc đáo và trải nghiệm cuộc sống dân dã, bình yên của một làng chài ven biển.
Từ khi được công nhận là danh thắng cấp quốc gia (tháng 4/2018), Hòn Yến được nhiều du khách biết đến. Dù vậy, do chưa được quản lý chặt chẽ, chưa có nhiều sản phẩm du lịch bài bản, phong phú nên đa phần du khách chỉ đến trong thời gian ngắn, chụp ảnh Hòn Yến rồi ra về. Mặt trái của hoạt động du lịch này là một số du khách xả rác, giẫm đạp, bẻ san hô khiến cho rạn san hô của danh thắng Hòn Yến bị ảnh hưởng.
Năm 2020, Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã hỗ trợ địa phương triển khai Dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến. Dự án tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn nhằm cung cấp kiến thức về quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, lợi ích về bảo tồn và khai thác bền vững hệ sinh thái cho người dân địa phương.
Từ sự bỡ ngỡ ban đầu của khi triển khai mô hình thí điểm, hiện địa phương đã hình thành điểm tiếp đón và hướng dẫn khách tham quan các dịch vụ, du lịch theo mô hình thân thiện với môi trường. Các thành viên Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Hòn Yến thực hiện mục tiêu kép, vừa quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản rạn san hô vừa khai thác thế mạnh du lịch độc đáo của danh thắng Hòn Yến. Du khách khi tham quan Hòn Yến được sắp xếp để di chuyển bằng thúng chai hoặc ca nô du lịch nên không còn tình trạng giẫm đạp các bãi san hô.
Chị Trương Thị Gái, thành viên của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Hòn Yến cho biết: "Chúng tôi có biết làm du lịch là như thế nào đâu, nên khi bắt đầu triển khai dự án, các thành viên của tổ du lịch cộng đồng còn nhiều lúng túng, chưa phát huy hiệu quả công việc. Hội LHPN tỉnh Phú Yên, đơn vị chủ trì thực hiện dự án du lịch cộng đồng sau đó đã khảo sát và tổ chức nhiều chuyến đi thực tế; cùng ăn, cùng ở với một số hộ dân để tìm hiểu thế mạnh và những hạn chế, khó khăn trong tổ chức du lịch cộng đồng. Nhìn thấy sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự nhiệt huyết của các chị hội LHPN, nên người dân trong thôn phấn khởi và nhanh chóng bắt tay vào thực hiện".
Chị Huỳnh Thị Kim On quê ở làng biển Nhơn Hội, trước giờ chỉ ở nhà làm nội trợ, đan lưới và bán cá mỗi sáng khi ghe vào bờ. Từ khi địa phương triển khai dự án du lịch cộng đồng ở Hòn Yến, chị On tham gia vào nhóm dịch vụ nấu ăn phục vụ khách du lịch. Mới đây, gia đình chị vừa đón 12 người đến từ các tỉnh lân cận.
"Nhà tôi có sân rộng và mát mẻ nên tôi tham gia dịch vụ nấu ăn phục vụ khách du lịch tại nhà. Thời gian đầu chưa quen, món ăn có khi chưa phù hợp khẩu vị du khách và bỡ ngỡ trong cách phục vụ. Nhưng sau một thời gian, đến nay mọi thứ đều quen dần. Làm du lịch vui lắm, được gặp nhiều người, được học hỏi nhiều điều hay. Khi làng biển có nhiều khách du lịch, thôn Nhơn Hội mọc lên các homestay; các gia đình tổ chức dịch vụ nấu ăn nên chị em có thêm công việc để làm, có thêm thu nhập. Chị em rất phấn khởi", chị On chia sẻ.
Tổ du lịch cộng đồng Hòn Yến hiện có 44 thành viên, trong đó 70% là phụ nữ. Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới không chỉ mở ra cho người dân cơ hội nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mà còn giúp nhiều phụ nữ có cơ hội phát triển bản thân, tăng thu nhập.
Nói về hiệu quả từ hoạt động du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng là một cách tiếp cận nhằm tạo ra lợi ích cao nhất cho người dân địa phương, những người sử dụng du lịch như một công cụ tạo nguồn lợi kinh tế. Du khách phải trả tiền khi họ đến tham quan, trải nghiệm các giá trị văn hóa, thiên nhiên và khoản tiền này được sử dụng để cải thiện cuộc sống của người dân, giúp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh của địa phương. Thực tiễn đã chứng minh, du lịch không chỉ xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới mà còn giúp người dân làm giàu chính đáng cho bản thân và cho đất nước.