Dân Việt

Nữ Phó hiệu trưởng của Trường Đại học Y Hà Nội sau gần 20 năm: “Tôi thấy rất may mắn…”

Tào Nga 21/10/2024 07:01 GMT+7
Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS.BS Kim Bảo Giang đã có những chia sẻ về việc phụ nữ làm ngành Y và những thử thách của khi giữ cương vị là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

"Tôi thấy rất may mắn được là một phụ nữ của khoa học, của giáo dục và của gia đình"

PGS.TS.BS Kim Bảo Giang, sinh năm 1973, hiện là Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Trường Đại học Y Hà Nội. Điều đặc biệt, tính đến thời điểm bà Giang được bổ nhiệm, tức là sau khoảng gần 20 năm, Trường Đại học Y Hà Nội mới có 1 Phó hiệu trưởng là nữ. PGS Giang là Tiến sĩ Y xã hội học, khoa Y tế công cộng, Viện Karolinska, Thụy Điển; là Thạc sĩ Y tế công cộng, Trường Y tế công cộng, Đại học Umea, Thụy Điển; được đào tạo Chuyên khoa cấp I về Vệ sinh và Dịch tễ, Trường Đại học Y Hà Nội và Bác sĩ tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Bà có nhiều năm chuyên gia tư vấn, giảng dạy và nghiên cứu về truyền thông giáo dục sức khoẻ, phương pháp nghiên cứu khoa học và quản lý, giảng dạy và nghiên cứu về giáo dục y học. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu bao gồm các yếu tố nguy cơ và hành vi có liên quan đến sức khoẻ (rượu, thuốc lá), bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế và chính sách y tế, giáo dục y học. 

Những ngày cuối tháng 10 này, PGS Giang cho biết, đang bận rộn trong hành trình công tác nhằm thúc đẩy hợp tác trong nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu cho sinh viên, giảng viên của nhà trường.

Nữ Phó hiệu trưởng của Trường Đại học Y Hà Nội sau gần 20 năm: “Tôi thấy rất may mắn…”- Ảnh 1.

PGS.TS.BS Kim Bảo Giang, sinh năm 1973, hiện là Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: HMU

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS.BS Kim Bảo Giang cho biết: "Ngày 20/10 vừa qua tôi nhận được nhiều hoa và lời chúc, luôn có sự chia sẻ của đồng nghiệp, bạn bè, sinh viên, gia đình. Điều đó làm tôi thấy tự hào và hạnh phúc. Tôi thấy rất may mắn được là một phụ nữ của khoa học, của giáo dục và của gia đình".

Nói về phụ nữ làm trong ngành Y có những khó khăn gì, PGS.TS. Kim Bảo Giang cho hay: "Trong tư tưởng Á Đông, phụ nữ thường không được đánh giá cao như nam giới. Phụ nữ với những đặc trưng giới và giới tính riêng vẫn luôn cần dành thời gian cho nội trợ, chăm sóc gia đình nhiều hơn. Vì vậy, cho dù chính sách của chúng ta có đề cập đến ưu tiên phụ nữ thì phụ nữ vẫn luôn thiệt thòi hơn trong sự nghiệp. 

Phụ nữ trong ngành Y, nhất là phụ nữ công tác tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thì khó khăn sẽ là việc phải đối mặt với những vấn đề của con người cụ thể, là sự đa dạng và khác biệt giữa các cá thể người bệnh, là áp lực thời gian vừa phải dành cho chăm sóc người bệnh, dành cho phát triển chuyên môn và học tập suốt đời (bởi tiến bộ y học là hàng ngày, cần cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng thường xuyên), dành cho gia đình và bản thân. Khó khăn trong nghề Y là việc phải luôn tỉnh táo, vững vàng để xử trí đúng và kịp thời những tình trạng bệnh hiểm nghèo, những hoàn cảnh khó khăn mà người ngoài ngành khó có thể bình tĩnh được. Ngoài ra, phụ nữ trong ngành Y còn có thiệt thòi là phần lớn thời gian phải ở trong bộ y phục, muốn điệu cũng ít cơ hội. 

Tôi làm việc trong lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng thì không có những khó khăn đó, nhưng khó khăn lại là việc phải xa nhà thường xuyên, ngược xuôi ở thực địa, đi đến những vùng xa lạ, khó khăn, hiểm trở. Trong khi đó phụ nữ lại hạn chế hơn về thể lực, gia đình không muốn cho đi công tác xa vì có áp lực phải ở nhà chăm sóc gia đình. Bên cạnh đó, khó khăn của nghề nghiệp là để thay đổi được hệ thống và chính sách thì cần nỗ lực của nhiều người, nhiều ngành, mỗi cá nhân chỉ có thể đóng góp rất nhỏ, có khi cố gắng nhiều năm cũng chưa thấy được thành tựu. 

Ví dụ như thực hiện các can thiệp làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tiêm chủng, hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, tăng cường tập thể dục, tăng cường chế độ ăn hợp lý… mất rất nhiều thời gian; hay nghiên cứu để vận động ban hành các chính sách y tế có rất nhiều thách thức vì xung đột quan điểm, lợi ích giữa các ngành, các nhóm xã hội khác nhau, chỉ riêng y tế thì không giải quyết được".

Nữ Phó hiệu trưởng của Trường Đại học Y Hà Nội sau gần 20 năm: “Tôi thấy rất may mắn…”- Ảnh 2.

Sau khoảng 20 năm, Trường Đại học Y Hà Nội mới có Phó

hiệu trưởng là nữ. Ảnh: HMU

Nữ Phó hiệu trưởng duy nhất Trường Đại học Y Hà Nội sau 20 năm

Là nữ Hiệu phó duy nhất của Trường Đại học Y Hà Nội sau khoảng 20 năm, PGS.TS. Kim Bảo Giang cho biết: "Ở vị trí một trong các lãnh đạo trường đại học lớn thì đương nhiên là rất thách thức, nhất là với nữ giới. Dù chỉ là người giúp việc cho hiệu trưởng thì thách thức vẫn rất lớn bởi những đòi hỏi ngày càng cao để giữ gìn và phát triển vị thế của một trường đại học lâu đời nhất ở Đông Dương, với 122 năm lịch sử. 

Với mục tiêu phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thành Đại học hàng đầu châu Á, các lãnh đạo nhà trường phải quyết liệt đổi mới, sáng tạo, tập hợp được năng lực của giảng viên, cán bộ và nhân viên trong trường để quản trị hiệu quả và phát triển đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng như sứ mệnh "tạo ra các sản phẩm đào tạo, khoa học công nghệ và dịch vụ y tế tinh hoa, xứng đáng với truyền thống lịch sử hơn một thế kỷ phụng sự dân tộc" của Nhà trường. Đâu đó trong các công việc, đôi khi tôi vẫn cảm nhận thấy thái độ hoài nghi của một số đồng nghiệp về vai trò lãnh đạo của nữ giới. Nhưng rất may là tôi luôn tự tin, luôn cầu thị, sẵn sàng học hỏi, luôn quyết tâm trong công việc và cũng may mắn được cấp trên, nhiều đồng nghiệp tin tưởng hỗ trợ".

Nữ Phó hiệu trưởng của Trường Đại học Y Hà Nội sau gần 20 năm: “Tôi thấy rất may mắn…”- Ảnh 3.

PGS Giang với nhiều kế hoạch thực hiện trong tương lai. Ảnh: HMU

Nhiều năm cống hiến cho nền Y học nước nhà, PGS Giang tiết lộ: "Tôi có nhiều kế hoạch phải thực hiện. Các kế hoạch này sẽ xoay xung quanh hoạt động giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực mà tôi đang theo đuổi. Tôi muốn thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh của nhà trường để có những nghiên cứu có giá trị hơn, tạo ra sản phẩm khoa học ứng dụng được vào thực tiễn chăm sóc sức khoẻ, tôi muốn thực hiện các tăng cường năng lực nghiên cứu và xuất bản của sinh viên, học viên, giảng viên trong trường… 

Tôi cũng đang trong lộ trình thúc đẩy các bộ môn triển khai đổi mới đào tạo bác sĩ nội trú của trường, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học của Nhà trường... những hoạt động để đồng hành cùng các lãnh đạo và giảng viên, cán bộ, nhân viên Nhà trường trên con đường chinh phục vị trí hàng đầu châu Á. Tất cả đều cần nỗ lực rất nhiều".

Trong lễ công bố Nghị quyết bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng cho PGS Kim Bảo Giang, GS.TS. Tạ Thành Văn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội, cho hay: “Có được niềm tin của lãnh đạo trường, PGS. Giang đã đạt được số phiếu tín nhiệm 100% để trở thành Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Việc bổ nhiệm Phó hiệu trưởng mới, lại là nữ, là điều mà trường đã chờ đợi nhiều năm. Với cương vị mới được giao, chắc chắn PGS.TS. Kim Bảo Giang sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới đào tạo đại học”.
Hiện tại, Trường Đại học Y Hà Nội có thêm 1 nữ Phó hiệu trưởng là PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, được bổ nhiệm vào tháng 8 mới đây.