Thầy hiệu trưởng kiến nghị: Cho học sinh mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, đừng đẩy "gánh nặng" cho ngành Giáo dục

Tào Nga Thứ bảy, ngày 19/10/2024 08:48 AM (GMT+7)
Theo thầy hiệu trưởng, quy định hiện nay học sinh bắt buộc phải tham gia Bảo hiểm y tế, nhưng điều bất cập là chỉ được mua ở trường học trong khi mua theo hộ gia đình sẽ có ưu đãi hơn. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội đang đẩy gánh nặng bán Bảo hiểm y tế cho ngành Giáo dục.
Bình luận 0

Thầy hiệu trưởng kiến nghị cho học sinh mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hoặc cần ưu đãi hơn

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Hồ Tuấn Anh, hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An mong muốn được gửi một số kiến nghị đến Bộ GDĐT và các ngành liên quan trước thềm kỳ họp Quốc hội. Trong đó, thầy kiến nghị cho học sinh mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hoặc cần ưu đãi hơn. Ý kiến này thầy cũng đã phát biểu trong lần đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này. 

Theo Tuấn Anh phân tích, các quy định hiện nay, học sinh bắt buộc phải tham gia Bảo hiểm y tế. Nhưng điều bất cập là học sinh chỉ được mua Bảo hiểm y tế ở trường học, trong khi nếu được mua theo hộ gia đình sẽ có ưu đãi hơn với mức chi trả thấp hơn.

Nhiều người dân đã bày tỏ sự bất bình với nhà trường khi không được mua Bảo hiểm y tế cho con theo hộ gia đình vì họ cho rằng nhà trường ép buộc phải mua tại trường. Trong khi việc bán Bảo hiểm y tế là của ngành Bảo hiểm xã hội lại đẩy gánh nặng đó cho các cơ sở giáo dục mà không bố trí nhân lực. Bản chất là các cơ sở giáo dục đang làm không công cho ngành Bảo hiểm xã hội.

Thầy hiệu trưởng kiến nghị: Cho học sinh mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hoặc cần ưu đãi hơn, tránh thiệt thòi - Ảnh 1.

Thầy Hồ Tuấn Anh, hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Từ đó, thầy Tuấn Anh kiến nghị: Để cho người dân được tự do lựa chọn hình thức tham gia Bảo hiểm y tế cho con. Có thể mua ở trường hay mua bất kỳ theo kênh hợp pháp khác, sau đó nhà trường chỉ cần thống kê để cơ quan Bảo hiểm xã hội trích tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu về cho các trường.

Trong trường hợp vẫn bắt buộc mua Bảo hiểm y tế tại trường, Nhà nước phải tăng phần hỗ trợ lên đảm bảo việc học sinh mua Bảo hiểm y tế có mức chi trả thấp nhất để người dân không bị thiệt thòi.

Ý kiến này của thầy Tuấn Anh đang nhận được sự đồng thuận của nhiều người. 

Nhiều kiến nghị gửi tới ngành Giáo dục

"Ngoài ra tôi đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí vị trí việc làm cho nhân viên y tế trường học. Hiện nay các trường học rất cần nhân viên y tế nhưng lại không có vị trí việc làm nên rất khó khăn cho các trường. Trong trường hợp không muốn tăng biên chế, có thể bố trí vị trí việc làm tư vấn tâm lý học đường kiêm nhiệm y tế học đường để các trường có quỹ lương chi trả", thầy Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Không chỉ kiến nghị cho học sinh được mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và bố trí việc làm cho nhân viên y tế trường học, thầy Tuấn Anh còn nêu một số vấn đề khác:

- "Có kinh phí bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo dạy các môn học mới: Trong chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ở bậc học THCS có một số môn học mới như Lịch sử- Địa lý (tích hợp từ môn Lịch sử và môn Địa lý); Khoa học tự nhiên (tích hợp từ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); môn Nghệ thuật (tích hợp từ môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật); môn Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp; giáo dục địa phương. Khi đưa vào thực hiện, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy các môn này gần như chưa thực hiện. Sau gần 4 năm triển khai, các cơ sở giáo dục vẫn còn khó khăn, lúng túng vì chưa có đội ngũ nhà giáo đáp ứng được yêu cầu dạy các môn học này. Đặc biệt là các môn học tích hợp, nhưng bản chất là tập hợp các môn học vào một cuốn SGK, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức chuyên sâu cho từng phân môn.

Để có đội ngũ đạt chuẩn dạy các môn tích hợp, Bộ GDĐT đã ban hành 2 Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Việc triển khai 2 Quyết định này hiện tại đang gây khó khăn cho cả giáo viên và các cơ sở giáo dục vì yêu cầu giáo viên bỏ kinh phí đi học thì gây khó khăn cho giáo viên; Yêu cầu cơ sở giáo dục bỏ kinh phí cử giáo viên đi học (thông qua chế độ lưu trú và công tác phí) thì cơ sở giáo dục không có nguồn kinh phí. Nếu bố trí bồi dưỡng trong thời gian năm học, các cơ sở giáo dục không có người dạy và cũng không có kinh phí, không có cơ chế để thuê người dạy thay.

"Từ thực tế đó, tôi kiến nghị Bộ GD ĐT phối hợp với các địa phương có cơ chế chi trả 100% kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới ở cấp THCS bao gồm học phí; lưu trú, công tác phí (tức là giáo viên và cơ sở giáo dục không phải chi thêm bất kỳ khoản kinh phí nào). Bố trí thời gian bồi dưỡng giáo viên vào dịp nghỉ hè, tốt nhất là tháng 7 và tháng 8 hằng năm. Nếu không bố trí được thời gian trên thì cần có cơ chế và kinh phí để các cơ sở giáo dục thuê người dạy thay trong thời gian giáo viên đi bồi dưỡng.

- Vấn đề tổ chức thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật: Ngày 10/4/2024, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 06/TT-BGD ĐT ban hành quy chế cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên ở các địa phương vẫn có nhiều ý kiến trái chiều bởi khi triển khai ở các địa phương cuộc thi này không thực chất, chủ yếu là giáo viên làm, học sinh diễn, gây tốn kém, giả dối, chạy theo thành tích.

Tôi kiến nghị Bộ GDĐT có quy định cụ thể không tổ chức thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật đối với học sinh THCS và THPT ở cấp Phòng GD và các trường THPT. Nếu địa phương nào có sản phẩm dự thi cấp quốc gia phải hoàn toàn tự nguyện; Yêu cầu các địa phương, các cấp quản lý giáo dục không đưa kết quả cuộc thi này vào đánh giá tiêu chí thi đua; Cần xử lý nghiêm các trường hợp có biểu hiện gian dối trong quá trình dự thi, công khai để toàn quốc biết nhằm đảm bảo sự liêm chính, trong sạch việc nghiên cứu Khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông.

- Kiến nghị thay đổi chế độ cho cán bộ quản lý trường học kiêm nhiệm công tác xây dựng Đảng: Trong thực tế, ở các chi bộ trường Mầm non, Tiểu học, THCS theo quy định của Đảng thì Hiệu trưởng đồng thời là Bí thư chi bộ. Vì vậy trong các trường hiện nay, cán cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm bí thư chi bộ và tham gia cấp ủy không có bất kỳ một chế độ nào, đây là một bất cập rất lớn cần phải thay đổi. Vì vậy tôi kiến nghị Bộ GDĐT cần có quy định cụ thể hơn để cán bộ quản lý làm bí thư chi bộ và tham gia cấp ủy đều được hưởng chế độ kiêm nhiệm như giáo viên.

- Đề nghị xếp định mức tiết dạy của giáo viên THCS như giáo viên THPT: Hiện nay định mức tiết dạy của giáo viên THPT là 17 tiết/tuần; giáo viên THCS là 19 tiết/tuần.

Trong thực tế tính chất tiết dạy và hiệu suất lao động của hai cấp học này là như nhau cả về độ khó của chương trình, cả về thời lượng thời gian mỗi tiết dạy (45 phút). Thậm chí ở cấp THCS còn có cường độ lao động vất vả hơn vì đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì của học sinh, các môn tích hợp có độ khó cao hơn bậc THPT vì mỗi giáo viên phải dạy hai đến ba phân môn.

Từ thực tế đó, tôi đề nghị Bộ GDĐT có quy định tính định mức tiết dạy của cấp THPT và cấp THCS ngang nhau, đều 17 tiết/tuần", thầy Tuấn Anh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem