Dân Việt

Địa ốc Thủ Thiêm đề xuất phương án trả 1.000 tỷ đồng trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Cao Nguyễn Đông Anh 21/10/2024 08:22 GMT+7
Trong phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) vừa qua, bị cáo Trương Mỹ Lan đã có lời khai xung quanh khoản tiền 1.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án Khu đô thị phát triển An Phú vay. Bà Lan yêu cầu thu hồi khoản tiền này để khắc phục hậu quả vụ án.

Thực hư khoản tiền 1.000 tỷ đồng trong vụ án này như thế nào?

Hồ sơ vụ án cho biết: Dự án có diện tích khoảng 6,18ha, thuộc Khu đô thị phát triển An Phú (88,3ha), tọa lạc tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức. Dự án do Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư (có 20% là vốn nhà nước).

Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đưa 6,18 ha đất trong Khu đô thị phát triển An Phú vào danh mục các bất động sản, tài sản liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan, chuyển cho Tòa án nhân dân TP.HCM xem xét giải quyết.

Tại phiên tòa, xung quanh khoản tiền 1.000 tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan chi đầu tư tại dự án 6,18ha đã được Hội đồng xét xử đề cập. Hồ sơ vụ án thể hiện: Trương Mỹ Lan khai đã đầu tư cho ông Nguyễn Văn Liêm (sinh 1971, cư trú quận 3, TP.HCM), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Niên) vay 1.000 tỷ đồng.

Địa ốc Thủ Thiêm đề xuất phương án trả 1.000 tỷ đồng trong vụ án Vạn Thịnh Phát - Ảnh 1.

Khu đô thị phát triển An Phú nhìn từ trên cao (trong đó có dự án thành phần Khu nhà ở 6,18ha liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát). Ảnh: T.Hiếu

Ông Nguyễn Văn Liêm thừa nhận năm 2022, ông Liêm có thỏa thuận, đàm phán với Hồ Quốc Minh (tức Minh Hồ) về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án thành phần Khu nhà ở, thuộc Khu đô thị phát triển An Phú (diện tích 88,03ha), tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức. Khu nhà ở này có diện tích 6,18ha.

Phi vụ chuyển nhượng thông qua việc bán 100% cổ phần của các cổ đông hiện hữu, tại Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm.

Sau khi ký hợp đồng nguyên tắc, Hồ Quốc Minh đã chuyển 1.000 tỷ đồng cho Nguyễn Văn Liêm và các cá nhân do ông Liêm chỉ định, gồm: Nguyễn Trọng Trí, Trần Minh Tính, Trương Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Thị Xuân Trang.

Trước khi ký thỏa thuận nêu trên, ông Liêm và ông Minh có gặp bà Trương Mỹ Lan tại tòa nhà Time Square, trên đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM. Tại đó, ông Liêm và ông Minh thống nhất về hợp đồng, nhận số tiền 1.000 tỷ đồng (tương ứng với 10% giá trị dự án).

Địa ốc Thủ Thiêm đề xuất phương án trả 1.000 tỷ đồng trong vụ án Vạn Thịnh Phát - Ảnh 2.

Dự án Khu đô thị phát triển An Phú, tại TP.Thủ Đức, dù được giao đất đã hơn 20 năm, nhưng vẫn chưa xong cơ sở hạ tầng. Ảnh: T.Hiếu

Sau đó, Nguyễn Văn Liêm và Hồ Quốc Minh cùng đến trụ sở Ngân hàng SCB, tại số 19-25 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM làm thủ tục chuyển tiền (số tiền 1.000 tỷ đồng có nguồn gốc từ SCB giải ngân cho công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Tại phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát vừa qua, ông Nguyễn Văn Liêm đã thừa nhận việc nhận số tiền 1.000 tỷ đồng nêu trên và đề xuất phương án chuyển nhượng dự án để trả lại số tiền 1.000 tỷ đồng này.

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Liêm đề xuất phương án chuyển nhượng dự án Khu nhà ở 6,18ha cho Công ty cổ phần Nhà Hưng Ngân, để có nguồn tiền trả số tiền 1.000 tỷ đồng liên quan trong đại án Vạn Thịnh Phát (ông Nguyễn Văn Liêm đại diện 79,08% cổ phần tại Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm để ký hợp đồng).

Về phía Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, nhằm thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng nêu trên, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ban hành văn bản số 2036/CSKT-P2, 2037/CSKT-P2, 2038/CSKT-P2, 2039/CSKT-P2 và 2040/CSKT-P2 cùng ngày 4/5/2024, ngăn chặn mọi giao dịch đối với toàn bộ tài khoản, quyền sử dụng đất, cổ phần của ông Nguyễn Văn Liêm và Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm.

Địa ốc Thủ Thiêm đề xuất phương án trả 1.000 tỷ đồng trong vụ án Vạn Thịnh Phát - Ảnh 3.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (áo xanh) tại phiên xét xử ngày 30/9 vừa qua, khi Hội đồng xét xử đưa khoản tiền 1.000 tỷ đồng mà bà Lan đầu tư cho ông Nguyễn Văn Liêm, ra tranh luận tại tòa. Ảnh: T.Châu

Dự án hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị An Phú được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị (nay là Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm) từ năm 2001 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính, gồm 5 tuyến đường, 3 công viên và 1 trường học trong Khu đô thị An Phú.

Theo Quyết định, sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị, Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND TP. Hồ Chí Minh để UBND Thành phố quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức có chức năng đầu tư các dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai.

Thế nhưng, dự án hạ tầng chính Khu đô thị An Phú vẫn chưa thực hiện xong. Cụ thể, có 4/5 tuyến đường chưa bồi thường xong (đường Bắc Nam 1, Bắc Nam 2, Bắc Nam 3, đường Đông Tây 2), chỉ có 1 tuyến đường Đông Tây 1 hoàn thành xong bồi thường năm 2021 với khối lượng thực hiện được 70%; 3/3 công viên và Khu 1,6 ha xây dựng trường học chưa bồi thường xong.

Dù dự án hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị An Phú chưa thực hiện xong, nhưng đã có 9 chủ đầu tư dự án thành phần được giao đất chính thức (đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng), gồm có: Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Tạo, Công ty Đầu tư và Dịch vụ thành phố Invesco, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, Công ty TNHH Tiến Phước, Công ty CP bất động sản Nova Lexington, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Liên doanh Hoàng Kim, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận.