Dân Việt

Những “cánh tay nối dài” đưa vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đến hộ nghèo hiệu quả ở Tây Ninh

Trúc Ly 23/10/2024 13:30 GMT+7
Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả không thể không kể đến vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV).

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Tây Ninh đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đưa vốn Ngân hàng CSXH đến đúng đối tượng thụ hưởng

Ông Kiều Văn Tới (ở khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) cho biết, thông qua Hội Nông dân phường giới thiệu và hướng dẫn, ông tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, với số tiền 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông đầu tư cho việc buôn bán của gia đình, hàng tháng có thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả không thể không kể đến vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV). Các tổ này được thành lập nhằm tập hợp các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng CSXH để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống; cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; cùng liên đới chịu trách nhiệm trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng.

Những “cánh tay nối dài” đưa vốn đến hộ nghèo hiệu quả - Ảnh 1.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) giải ngân vốn vay tại phường Trảng Bàng. Ảnh: T.L

"Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp ích rất nhiều cho hội viên nông dân, tiếp thêm động lực cho hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ hiệu quả nguồn vốn vay, hội viên nông dân làm ăn kinh tế ổn định, hạn chế phát sinh nợ quá hạn".

Ông Thân Thành Tâm -
Chủ tịch Hội Nông dân phường Trảng Bàng

Có thể nói, Tổ TKVV là "cánh tay nối dài" trong hoạt động tín dụng chính sách, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị xã hội.

Tổ TKVV khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng có 58 thành viên, tổng dư nợ đến nay khoảng 2,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Vương - Tổ trưởng tổ TKVV này cho biết, ông làm việc ở tổ từ tháng 4/2014. Thời gian qua, hoạt động của tổ có được nhiều thuận lợi, nhờ nhận được sự quan tâm của Hội Nông dân, UBND phường, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Trảng Bàng.

Để duy trì và bảo đảm hoạt động hiệu quả, Tổ TKVV tổ chức bình xét công khai dân chủ, cho vay đúng đối tượng, quan tâm cho vay đối với những hộ có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Đồng thời, tổ chủ động định hướng cho các tổ viên đầu tư, áp dụng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với mức vốn đầu tư và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của thị trường.

"Đòn bẩy" để nông dân phát triển kinh tế

Theo ông Thân Thành Tâm– Chủ tịch Hội Nông dân phường Trảng Bàng, Hội có 8 tổ TKVV với hơn 400 thành viên, tổng dư nợ trên 22 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn giải quyết việc làm có 210 hộ với dư nợ 10,7 tỷ đồng; vay học sinh sinh viên 105 hộ, dư nợ trên 5,8 tỷ đồng; vay hộ cận nghèo 62 hộ, dư nợ khoảng 1,7 tỷ đồng; vay hộ nghèo 4 hộ, dư nợ 76,7 triệu đồng; vay hộ thoát nghèo 8 hộ, dư nợ 221 triệu đồng...

Những “cánh tay nối dài” đưa vốn đến hộ nghèo hiệu quả - Ảnh 2.

Ông Thân Thành Tâm (trái) – Chủ tịch Hội Nông dân phường Trảng Bàng trao đổi về hoạt động của tổ TK&VV. Ảnh: T.L

"Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp ích rất nhiều cho hội viên nông dân, đặc biệt là qua thời điểm dịch Covid-19 khó khăn, nguồn vốn này đã tiếp thêm động lực cho hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Các tổ trưởng tổ TKVV kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo và quy định, thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH... đồng thời nhắc nhở thành viên đóng lãi đúng hạn. Nhờ hiệu quả nguồn vốn vay, hội viên nông dân làm ăn kinh tế ổn định, hạn chế phát sinh nợ quá hạn" - ông Tâm nói.

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là "đòn bẩy" để hỗ trợ người dân nghèo, các đối tượng chính sách... thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Trảng Bàng đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Hiện nay, phòng giao dịch đang triển khai cho vay ưu đãi 13 chương trình tín dụng, theo phương thức uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, đã thực sự mang lại hiệu quả trong hoạt động quản lý và cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Ông Lê Nguyễn Anh Huy -Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Trảng Bàng cho biết, Thị uỷ, HĐND, UBND thị xã luôn quan tâm công tác tín dụng chính sách trên địa bàn, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra hằng năm. Đồng thời phối hợp tốt với các đơn vị nhận nguồn vốn uỷ thác, các cơ quan, ban, ngành có liên quan triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được thụ hưởng các chương trình.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Trảng Bàng xác định sẽ chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tăng cường nguồn vốn uỷ thác địa phương, huy động vốn và mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách.