Vì sao sau bão số 3, nông dân Thái Nguyên đề xuất các ngân hàng cần khoanh nợ, giảm nợ?
Đề xuất các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho hội viên, "tiếp lực" cho nông dân Thái Nguyên phục hồi sản xuất
Hải Đăng
Thứ bảy, ngày 28/09/2024 09:12 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, chị Đoàn Thị Bích Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đề nghị các ngân hàng sớm có phương án hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ các khoản vay bị thiệt hại bởi bão số 3 để bà con khôi phục lại sản xuất.
Nhiều hội viên, nông dân bị thiệt hại sau bão số 3, chị Đoàn Thị Bích Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đề nghị các ngân hàng có phương án khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn ưu đãi để bà con sớm khôi phục lại sản xuất.
Gia đình anh Hoàng Văn Quang vừa chuyển đến chân đồi ở thôn Na Dau, xã Phủ Lý để xây dựng nhà ở mới và lập trang trại chăn nuôi trùn quế, gà, vịt, trống lúa và cây ăn quả với bao nhiêu kỳ vọng, gửi gắm, mong tương lai sẽ vượt lên thoát nghèo. Nhưng nào ngờ, sau trận lũ dữ xảy ra vào đêm 9/9, mọi tài sản, dự định của gia đình Quang đều đã trôi theo nước lũ.
"Nghe đài báo có bão to, chúng tôi đã chủ động dọn dẹp, kê cao đồ và chằng buộc, gia cố nhà, trang trại và dựng lều trên đỉnh đồi để di dời khi lũ về. Nhưng đêm đến, lũ về lớn chưa từng có, vợ chồng tôi chỉ kịp cõng bố hơn 80 tuổi và con nhỏ chạy lên đồi còn lại mất hết", anh Quang vừa kể, đưa ánh mắt thất thần nhìn về phía dòng lũ vừa đi qua.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Quang cho biết, hiện gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo và còn nợ ngân hàng 100 triệu đồng (anh mới vay đầu tư vào trang trại), đến giờ tài sản của gia đình đều mất hết nhưng được sự quan tâm của chínhh quyền địa phương, của bà con hàng xóm và cộng đồng đã giúp gia đình anh vơi bớt khó khăn, thiếu thốn hơn.
"Từ khi xảy ra lũ quét đến nay, bà con ở khắp các xóm lân cận đều tìm đến san sẻ từng bơ gạo, bó rau, cân thịt và hỗ trợ chúng tôi dọn dẹp nhà cửa, ruộng vườn nên vợ chồng tôi cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc", anh Quang bộc bạch.
Chị Đoàn Thị Bích Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phủ Lý, huyện Phú Lương cho biết, sau bão lũ lịch sử, nhiều nhà cửa, chuồng trại, hoa màu của bà con nhiều thôn bị cuốn trôi, hư hại nặng; trên 90ha lúa mùa sắp cho thu hoạch của nông dân tại địa phương bị hư hỏng nặng... Trong đó, gia đình anh Hoàng Văn Quang là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất ở Phủ Lý sau trận mưa lũ lịch sử nên chúng tôi đã kêu gọi, huy động các hội viên, nông dân tại các xóm đến hỗ trợ, động viên, chia sẻ với gia đình anh.
"Sau mưa lũ lịch sử, các hộ dân trong xã đều bị ảnh hưởng, thiệt hại nhưng mọi người đều rất đoàn kết, đùm bọc nhau. Các hộ bị nhẹ hơn đều đến hỗ trợ các hộ bị thiệ thại nhiều hơn, "lá rách ít đùm lá rách nhiều", trong lúc chờ hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, xã hội", chị Thảo nói và cho biết, từ ngày địa phương xảy ra lũ quét, chị và các cán bộ, lãnh đạo địa phương vừa cố gắng chỉ đạo khắc phục hậu quả của thiên tai vừa kêu gọi, đưa các đoàn thiện nguyện vào thăm hỏi, trao quà, động viên các hộ dân bị thiệt hại nặng tại các xóm.
Để bà con sớm khôi phục lại sản xuất hiệu quả, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phủ Lý đề nghị tỉnh và Bộ NNPTNT sớm hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ bà con sản xuất vụ đông sớm. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng có phương án khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho các hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi để mọi người có cơ hội làm lại, khôi phục lại sản xuất nhanh và hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.