Chia sẻ với ngành y tế trong công tác phòng chống bệnh lao, thời gian qua Hội Nông dân các cấp (tỉnh Lai Châu) đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay giúp sức của hội viên nông dân trong phòng chống lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền và các ngành chức năng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao.
Huy động sự vào cuộc của hội viên nông dân
Ông Lò Văn Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành Hội triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) đến các cơ sở Hội; vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia hưởng ứng.
Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin như cuốn Thông tin nông dân Lai Châu, các ấn phẩm báo chí của T.Ư và địa phương; truyên truyền vận động trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt, lồng ghép trong các hội nghị chuyên đề, tọa đàm, phát tờ tờ rơi, tờ gấp. Bên cạnh đó, Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền thông qua CLB Nông dân với pháp luật, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên.
"Mỗi hội viên nông dân giờ đây đều trở thành một "tuyên truyền viên", nhờ đó huy động được sức mạnh của ngành nghìn hội viên nông dân, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh Lai Châu".
Ông Lò Văn Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
Hội Nông dân cấp huyện tổ chức các hoạt đông mít tinh trực tiếp hoặc trực tuyến; sử dụng băng rôn, pano, khẩu hiệu về phòng chống lao tại nơi công cộng có đông người qua lại; phát tờ rơi, tài liệu truyền thông cho các hộ gia đình; tuyên truyền trên đài truyền thanh, truyền hình, trên báo, website, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, thôn...
Ông Sơn cũng cho hay, nhằm đưa công tác giáo dục, truyền thông về phòng chống bệnh lao đi vào chiều sâu, các cấp hội đã vận động cam kết cộng đồng và xã hội hóa công tác phòng chống lao; phối hợp vận động người có dấu hiệu nghi mắc lao, nhiễm lao, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao đến xét nghiệm tại các cơ sở y tế nhằm tăng cường phát hiện và điều trị sớm lao, lao tiềm ẩn sớm...
"Tính đến thời điểm này, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được 114 buổi tuyên truyền cho 12.151 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia tuyên truyền về công tác phòng chống lao trong cộng đồng, qua đó tạo được sức lan tỏa. Mỗi hội viên nông dân giờ đây đều trở thành một "tuyên truyền viên", nhờ đó huy động được sức mạnh của ngành nghìn hội viên nông dân, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh Lai Châu" - ông Sơn cho hay.
Đẩy lùi và chiến thắng bệnh lao
Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó có sự chung tay của Hội Nông dân các cấp, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Lai Châu đã khám sàng lọc lao tại các tuyến được 3.914 lượt người; xét nghiệm đờm được 4.380 người. Qua đó phát hiện bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học là 108 người; Bệnh nhân lao phổi, lao ngoài phổi không có bằng chứng vi khuẩn học là 29 người.
Khi có những triệu chứng ho nhiều, đau ngực, khó thở, người gầy, mệt mỏi, ăn kém, ông H.V.P ở xã Bum Tở (huyện Mường Tè, Lài Châu) đã đi khám, xét nghiệm phát hiện bị mắc lao và được điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Lai Châu. Ông H.V.P chia sẻ: Do được Hội Nông dân huyện tuyên truyền nên ông đã mạnh dạn đi khám sớm, lại được các bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh điều trị, chăm sóc tận tình nên đến nay triệu chứng đã thuyên giảm. Hiện ông đã được ra viện, hàng tháng đến trạm y tế lấy thuốc điều trị tại nhà.
Ông Nguyễn Triệu Vĩ - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Lai Châu cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố đã huy động sự vào cuộc của hội viên nông dân, nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về công tác phòng chống bệnh lao. "Chúng tôi đã tăng cường cán bộ xuống các gia đình hội viên nông dân phát tờ rơi, chia sẻ những kiến thức về phát hiện sớm và phòng chống bệnh lao tới các hội viên nông dân. Trong đó, chúng tôi tập trung vào việc phối hợp vận động người có dấu hiệu nghi mắc lao, nhiễm lao, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao đến xét nghiệm tại các cơ sở y tế nhằm tăng cường phát hiện và điều trị sớm lao, lao tiềm ẩn sớm, từ đó nâng cao khả năng cắt đứt nguồn lây lao trong cộng đồng" - ông Vĩ cho biết.
Cũng theo ông Vĩ, khi phát hiện hội viên nông dân không may mắc lao, Hội tích cực hỗ trợ về tinh thần, hỗ trợ sinh kế, đặc biệt các hoạt động tương trợ, dịch vụ hỗ trợ như: Vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để nâng cao thu nhập; vận động cộng đồng tương trợ, giúp đỡ người mắc lao điều trị khỏi lao theo DOTS (điều trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp)… Từ đó giúp bệnh nhân phát triển sản xuất, yên tâm điều trị.