Hội Nông dân tỉnh Nghệ An với công tác phòng chống bệnh lao: Thay đổi tư tưởng, nhận thức là chìa khóa thành công
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An với công tác phòng chống bệnh lao: Thay đổi tư tưởng, nhận thức là chìa khóa thành công
Cảnh Thắng – Nguyễn Tình
Thứ sáu, ngày 18/10/2024 13:05 PM (GMT+7)
Hội Nông dân (ND) tỉnh Nghệ An đã có nhiều cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống bệnh lao cho hội viên nông dân. Thông qua công tác tuyên truyền đến từng hội viên, nông dân đã xóa bỏ tư tưởng kỳ thị trong nhân dân đối với bệnh nhân lao…
Trong những năm qua, tình hình bệnh lao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có xu hướng giảm dần. Năm 2023, Nghệ An thu nhận 1.488 bệnh nhân lao các thể. Trong đó có 1.151 bệnh nhân lao phổi, chiếm 77,3%; có 12 bệnh nhân lao trẻ em và 24 bệnh nhân lao/HIV.
Cùng với việc tuyên truyền, triển khai, thực hiện nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về việc tăng cường công tác bảo bệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An trong việc nâng cao hiệu quả phòng chống, tiến tới thanh toán bệnh lao đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Hội ND tỉnh Nghệ An đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả góp công lớn trong công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.
Năm 2024, Hội ND tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai công tác phòng chống bệnh lao với mục tiêu hiệu quả, thiết thực. Kế hoạch của Hội ND tỉnh là mở 5 lớp tập huấn cho cán bộ hội viên cấp cơ sở về phòng chống bệnh lao; tổ chức 5 lớp truyền thông trực tiếp cho cộng đồng nhằm thông tin về tình hình bệnh lao trên địa bàn, kiến thức về lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, cách dự phòng và điều trị bệnh lao.
Thời gian qua, Hội ND tỉnh Nghệ An tiếp tục tiếp nhận và triển khai chương trình của Quỹ phòng chống lao toàn cầu của Trung ương Hội NDVN giai đoạn 2021 - 2023. Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội ND phối hợp tốt với ngành y tế địa phương từ tỉnh đến cơ sở để làm công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân nâng cao nhận thức hiểu biết về bệnh lao, cách phòng tránh và điều trị bệnh lao.
Hàng năm, các cấp hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh lao thông qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, Bản tin Tiếng nói nhà nông. Đồng thời các cấp Hội ND cũng thông qua sinh hoạt chi hội để tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, mời các bác sĩ chuyên môn từ Trung tâm Y tế dự phòng của các huyện, thành thị để tuyên truyền về nguy cơ mắc, tác hại, cách nhận biết và cách điều trị bệnh lao, xác định các nhóm đối tượng để tuyên truyền, vận động như nhóm có nguy cơ cao về bệnh lao, lao tiềm ẩn, bệnh lao kháng thuốc…
Năm 2023, Hội ND tỉnh Nghệ An đã chọn 5 huyện gồm: Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và Quỳnh Lưu để tham gia thực hiện chương trình phòng chống lao. Tại mỗi huyện chọn 15 xã có tỷ lệ người nhiễm lao nhiều hơn so với các địa phương khác để tham gia thực hiện chương trình. Có 3/5 huyện, mỗi huyện chọn 10 xã tham gia tiếp tục thực hiện chương trình phòng chống lao tiềm ẩn. Tổng số xã tham gia chương trình là 75 xã.
Ngoài việc tổ chức các lớp truyền thông tập trung, Hội ND tỉnh Nghệ An còn chỉ đạo phối hợp tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi hội, tuyên truyền trên hệ thống thông tin của hội như: Cổng thông tin điện tử, Bản tin Tiếng nói nhà nông; Zalo, Facebook…
Thông qua các truyền thông, Tổ Chống lao đã phối hợp phát trên 500 cuốn sổ tay hướng dẫn quản lý lao kháng thuốc, cấp phát trên hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền dấu hiệu nhận biết bệnh lao và lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc cho cán bộ, hội viên nông dân tại các huyệntriển khai.
Năm 2023, Tổ chống lao Hội ND tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện trên 40 cuộc kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động tại các xã thuộc 5 huyện tham gia chương trình. Qua đó, nắm tình hình và đôn đốc, chỉ đạo cán bộ tích cực đi thăm bệnh nhân lao và vận động những người nghi mắc lao, lao tiềm ẩn đi khám sàng lọc và điều trị tại các cơ sở y tế.
Thay đổi ý thức - chìa khóa để thanh toán bệnh lao
Theo lãnh đạo Hội ND Nghệ An, sau khi triển khai chương trình, ý thức của nông dân nói riêng, người dân nói chung đã được nâng lên. Từ đó, xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ty khi bị nhiễm bệnh, dẫn đến tình trạng không giám khai báo, không dám đi khám để bệnh càng lây lan trong cộng đồng. Đồng thời cũng giúp người dân xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, xa lánh đối với những gia đình có người nghi mắc bệnh lao. Người dân cũng gần gũi, động viên, vận động bệnh nhân lao đi khám và điều trị kịp thời. Đây cũng chính là "chìa khóa" là yếu tố quyết định giúp công tác phòng, chống bệnh lao đạt được hiệu quả cao nhất.
Để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh nhân lao vào năm 2030, Hội ND tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp với ngành y tế các cấp, bệnh viện phổi của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia công tác phòng, chống lao. Từng bước nâng cao hiệu biết của người dân về phòng, chống lao là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người, không giấu bệnh, không kỳ thị người mắc bệnh lao. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, đưa công tác giáo dục truyền thông đi vào chiều sâu, vận động cam kết cộng đồng, xã hội hóa công tác phòng chống lao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.