Để hiểu rõ hơn về các chính sách hỗ trợ chăn nuôi và chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ thị trường cuối năm, Tết Nguyên đán 2025 sau bão lũ lịch sử, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) xoay quanh vấn đề này.
Tăng mức hỗ trợ cho người dân
Báo điện tử Dân Việt vừa đăng tải loạt bài: Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử phản ánh tình trạng các địa phương, nông dân tại các vùng vừa bị thiên tai đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cục Chăn nuôi đã và đang vào cuộc như thế nào để giúp người dân khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất?
-Cơn bão số 3 vừa đi qua để lại thiệt hại rất lớn cho ngành nông nghiệp nói riêng và cả nước ta nói chung. Riêng đối với ngành chăn nuôi, chúng tôi ước tính bị thiệt hại khoảng 1.200 tỷ đồng, đây là con số rất lớn về chuồng trại, số lượng gia súc, gia cầm cũng như trang thiết bị chuồng trại bị tàn phá, cuốn trôi.
Sau bão đã có nhiều chính sách, giải pháp của Chính phủ, Bộ NNPTNT. Nhìn chung về mặt tổng thể, chúng ta vẫn phải thực hiện theo Nghị định 02 ban hành năm 2017, chính sách hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó, chúng ta phải căn cứ vào Nghị định 02 để làm căn cứ hỗ trợ cho các hộ, trong đó có hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, độ trễ của chính sách nằm ở chỗ các địa phương phải thống kê sát với thiệt hại thực tế của nông dân. Thông qua đó để các tỉnh báo cáo với Chính phủ làm cơ sở để sử dụng ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương. Do độ trễ của chính sách rất lớn nên chưa thể tiếp cận kịp thời đến người dân.
Về chính sách vay vốn, dù Chính phủ đã có nghị quyết huy động các tổ chức tín dụng hoãn, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho nông dân vay vốn để khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất sau bão lũ.
Bởi sau bão lũ, chuồng trại, trang thiết bị, vật nuôi bị tàn phá, cuốn trôi hết, nếu không được tiếp sức, vay vốn thì bà con sẽ rất khó có thể khôi phục, tái đàn chăn nuôi lại sau thiên tai. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn khó với người dân, bởi bà con chỉ được hỗ trợ từ mặt chỉ đạo của Chính phủ, còn các ngân hàng vẫn hoạt động động theo cơ chế thương mại, tất cả các khoản vay phải có bảo lãnh.
Sau bão lũ, theo lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ NNPTNT, Cục Chăn nuôi đã huy động tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào cuộc hỗ trợ cho người dân chăn nuôi bị thiệt hại sau bão số 3. Thông qua tiền mặt hay các nguyên vật liệu, thức ăn, thiết bị phục vụ chăn nuôi, thuốc sát trùng, con giống... Trên cơ sở các tỉnh thống kê, đề nghị hỗ trợ, chúng tôi đã cân đối hỗ trợ kịp thời cho bà con.
Hiện Cục Chăn nuôi đã cử các đoàn phối hợp với Sở NNPTNT các tỉnh xuống địa bàn vừa bị bão lũ giúp bà con xử lý môi trường, củng cố chuồng trại. Ở đâu đã khắc phục được thì bà con đã và đang bắt tay vào sản xuất, chúng tôi cũng hỗ trợ ngay để người dân khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi nhanh nhất có thể.
Còn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 02 năm 2017 đang tồn tại 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là mức hỗ trợ các đối tượng khác nhau không còn phù hợp với thị trường, mức hỗ trợ quá thấp không còn phù hợp với thực tế.
Thứ 2 là còn vướng liên quan đến điều kiện để được hỗ trợ. Trong đó các quy trình, thủ tục để được hỗ trợ còn có nhiều vướng mắc như các địa phương đã phản ánh trong thời gian vừa qua.
Nhận thức được các vướng mắc, bất cập như trên, Bộ NNPTNT đã tập trung để xây dựng một nghị định sửa đổi Nghị định 02 và đã tách ra làm 2 nghị định. Nghị định thứ nhất liên quan hỗ trợ cho khôi phục sản xuất khi bị dịch bệnh. Nghị định thứ 2 hỗ trợ khôi phục sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.
Hai Nghị định này đã được trình lên Chính phủ và hy vọng sẽ được ký, ban hành sớm để giải quyết được các tồn tại cơ bản của Nghị định 02. Trong đó, các định mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai sẽ tăng lên sát với thực tế và chính sách hỗ trợ sẽ được phân loại phù hợp với từng loại vật nuôi và có bổ sung thêm các loại vật nuôi mới.
Có thể thiếu hụt thực phẩm cục bộ ở một số nơi
Nhiều vùng chăn nuôi, trang trại, nông hộ tại nhiều tỉnh thành bị bão lũ tàn phá rất nặng nề, liệu nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán 2025 có bị thiếu hụt?
-Số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do bão số 3 gây ra chỉ là con số rất nhỏ so với tổng đàn vật nuôi của chúng ta. Với sự hỗ trợ quyết liệt từ Chính phủ, các địa phương, cũng như Bộ NNPTNT, việc khôi phục chăn nuôi gia cầm thiệt hại sau bão lũ cũng nhanh, bởi vòng đời con gia cầm, thủy cầm ngắn.
Vừa qua, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp lớn, nếu còn đủ điều kiện cũng tăng, mở rộng đàn để bù lại cho các phần chăn nuôi, như chăn nuôi lợn ở các tỉnh vừa bị thiên tai chưa kịp khôi phục.
Với các chỉ đạo, điều hành như vậy, chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định, cuối năm nay, đặc biệt là Tết Nguyên đán 2025, chúng ta chỉ thiếu lượng rất nhỏ, cục bộ các sản phẩm đặc thù, quý hiếm nhập khẩu ở một số địa phương liên quan đến 22 tỉnh bị ảnh hưởng, thiệt hại sau bão số 3.
Về cơ bản các sản phẩm thông thường như thịt lợn, gà, bò... vẫn duy trì và đáp ứng đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho các tháng cuối năm và dịp Tết.
Với các giải pháp như trên của chúng tôi cùng với sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp thương mại, chỉ cần nguồn cung các mặt hàng trong nước thiếu hụt, họ sẽ nhập ngay để bù đắp lại ngay. Theo đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước vẫn sẽ cơ bản đủ, nếu có thiếu cũng chỉ thiếu cục bộ ở một số nơi và giá sản phẩm có thể tăng một vài giá. Tuy vậy, về cơ bản, giá lợn hơi sẽ vẫn chỉ duy trì trên 60.000 đồng/kg từ nay đến Tết Nguyên đán 2025.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có một giải pháp dự phòng. Việt Nam đã và đang ký hàng loạt các hiệp định tư do thương mại với các nước. Đa số các nước đều yêu cầu Việt Nam cho nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vào thị trường trong nước, chúng ta cũng phải tăng cường kiểm soát buôn lậu qua biên giới để đảm bảo sản xuất trong nước và lợi ích cho người chăn nuôi.
Những sản phẩm nào chúng ta vẫn phải nhập như sản phẩm thịt bò, thịt lợn cao cấp phục vụ làm quà biếu trong dịp Tết, có một phần Việt Nam vẫn phải nhập theo quy định. Dù số lượng sản phẩm nhập khẩu không đáng kể nhưng nhập để phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Xin cảm ơn ông!