Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Dân có nguy cơ thiếu đói bên "bờ xôi ruộng mật" (Bài 4)

Trần Quang - Phạm Minh Thứ hai, ngày 14/10/2024 15:58 PM (GMT+7)
Phản ánh với PV Báo điện tử Dân Việt, nhiều nông dân bị thiệt hại sau bão lũ cho biết, bà con đã được hỗ trợ giống ngô, đỗ tương... để tái sản xuất nhưng khổ nỗi nhiều ruộng vẫn bị bồi lấp sâu lẫn cát sỏi không thể cải tạo được để sản xuất.
Bình luận 0
Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Dân có nguy cơ thiếu đói bên "bờ xôi ruộng mật" (Bài 4) - Ảnh 1.

Khó chồng khó

Hôm chúng tôi đến, anh Ma Văn Luận, Trưởng thôn Nà Lại, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vừa đi họp trên tỉnh bàn về kế hoạch khắc phục hậu quả sau bão lũ lịch sử. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, mọi thứ còn nan giải lắm. Hiện, nhiều hộ dân bị mất nhà sau lũ đang phải ở tạm tại các nhà dân nhưng địa phương vẫn chưa giải quyết được quỹ đất để làm khu tái định cư cho bà con.

"Sau lũ công cuộc tái thiết còn gian nan và nhiều thách thức quá. Nguồn lực địa phương cũng có hạn. Tri Phú nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn nên nhiều thứ phải chờ cấp trên hỗ trợ mới giải quyết được", anh Luận nói thêm.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Dân có nguy cơ thiếu đói bên "bờ xôi ruộng mật" (Bài 4) - Ảnh 2.

Anh Ma Văn Luận, trưởng thôn Na Lại, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) nói về các khó khăn, thách thức mà bà con địa phương đang phải đối mặt sau bão lũ lịch sử. Ảnh: TQ

Đến giờ, Trưởng thôn Nà Lại chưa hết bàng hoàng khi kể về trận mưa lũ chưa từng có vừa xảy ra trên địa bàn. "Trước khi mưa lũ về, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con gia cố nhà cửa, chuồng trại, cây cối nhưng khi lũ về quá lớn, bà con trở tay không kịp. Nhiều hộ chỉ kịp chạy người, còn toàn bộ nhà cửa, tài sản, hoa mùa đều bị nước lũ cuốn trôi hết, thê thảm lắm", anh Luận buồn rầu nói.

Anh Luận cho biết, dù không bị thiệt hại về người nhưng thôn Nà Lại có 86 hộ dân thì có đến 72 hộ bị ảnh hưởng thiệt hại hoa màu, chuồng trại, vật nuôi sau lũ.

Tính đến nay, toàn thôn có khoảng 7ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại sau lũ. Các hộ dân bị mất nhà được bố trí ở xen ghép với các nhà người thân, hàng xóm trong thôn, hiện mọi người vẫn được hỗ trợ nhu yếu phẩm đầy đủ.

Trong đó, bà con được các đoàn từ thiện đến hỗ trợ nhiều quần áo, sách vở và nhu yếu phẩm như gạo, cá, lương khô... Tuy vậy, do mất đất sản xuất, hoa màu hư hỏng nhiều sau lũ nên bà con cũng chỉ cầm cự được thêm được khoảng 1 tháng.

Mới đây, hơn 70 hộ dân trong thôn Nà Lại được nhận giống hỗ trợ trên 140kg giống ngô, đỗ tương... Tuy nhiên, chỉ có số ít hộ xuống giống được trên nền đất khô. Số còn lại khoảng 6ha đất lúa, hoa màu vẫn bị đất đá, phù sa vùi lấp sâu, có chỗ đến 40cm, thậm chí có ruộng còn ngập nước nên mọi người không thể trồng cây được.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Dân có nguy cơ thiếu đói bên "bờ xôi ruộng mật" (Bài 4) - Ảnh 3.

Người dân thôn Nà Lại, xã Tri Phú cải tạo đất để trồng ngô đông sau khi lũ rút đi. Ảnh: TQ

Cũng theo anh Luận, sau lũ, bà con ở thôn Na Lại nói riêng và xã Tri Phú nói chung đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. "Chúng tôi vừa khắc phục hậu quả vừa phải khôi phục sản xuất. Hiện toàn bộ các máy móc của địa phương đang được huy động để xử lý các điểm sạt lở, các công trình... sau lũ. Còn lại tại các khu ruộng ngập đầy phù sa, đất cát... đành phải bỏ lại vì chưa có máy để hỗ trợ", Trưởng thôn Nà Lại chia sẻ.

So với mọi năm, thời điểm này bà con đã thu hoạch lúa đưa về phơi, đổ thùng cất đi ăn dần. Năm nay, sau lũ, lúa gãy đổ rạp chết trắng, số còn lại bà con vớt được ít đưa về nhưng cũng hư hỏng nhiều nên phải để cho lợn, gà ăn. Các hộ dân trong thôn cũng mong xuống giống ngô, đỗ sớm mong vớt vát cứu đói nhưng giờ đất đai cũng khó làm nên bà con rất chán nản.

"Việc cải tạo đất rất nan giải. Nếu không có máy móc hỗ trợ thì cả cánh đồng màu mỡ, từng là "bờ xôi ruộng mật" nuôi sống nhiều thế hệ dân bản đành phải bỏ hoang thôi. Người dân đã nghèo khổ nay càng thê thảm hơn", anh Luận khẳng định.

Tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng nhanh

Theo anh Luận, nếu không cải tạo được ruộng đất trồng lúa, hoa màu... người dân Nà Lại sẽ bị thiếu lương thực trầm trọng, việc chăn nuôi sẽ càng khó khăn hơn khiến cho tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã ở mức cao sẽ còn tăng và khó kiểm soát hơn.

"Nếu các ruộng được cải tạo nhanh, bà con xuống giống thuận lợi thì đến tháng 4,5 năm sau bà con mới có gạo để ăn. Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi vẫn chưa có phương án, kinh nghiệm và kỹ thuật để xử lý lượng đất đá đang vùi lấp trên ruộng. Rất mong huyện, tỉnh và các cơ quan trung ương sớm hỗ trợ cứu đói và đưa máy móc về cải tạo ruộng giúp người dân Nà Lại sớm khôi phục được sản xuất", anh Luận kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ở thôn Nà Lại bị mất nhà sau lũ đến giờ địa phương vẫn chưa có phương án tái định cư để di dời bà con đến nơi ở mới.

"Khó nhất hiện nay là đất ở, để có đất xây nhà, địa phương cũng đang tính phương án mua lại đất canh tác của bà con ở nơi an toàn để làm nhà cho các hộ nhưng giờ không có kinh phí và phải xin ý kiến, hỗ trợ từ cấp trên. Không biết đến bao giờ bà con mới có nhà để ở", anh Luận bộc bạch.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Dân có nguy cơ thiếu đói bên "bờ xôi ruộng mật" (Bài 4) - Ảnh 4.

Một số hộ dân bị mất nhà sau lũ tại thôn Nà Lại đến giờ vẫn chưa được di dời đến khu tái định cư mới. Ảnh: Lê Nghĩa

Ông Hoàng Văn Đoan - Chủ tịch UBND xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết, sau lũ toàn xã có khoảng 30 hộ bị mất nhà, đến nay, địa phương đã và đang bố trí, sắp xếp đất ở, xây nhà mới cho khoảng 24 hộ.

"Do nhiều hộ dân còn giữ phong tục xưa muốn về nơi ở cũ sinh sống nên công tác di dời, xây dựng tái định cư cho 6 hộ dân còn lại gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi sẽ kiên quyết di dời các hộ dân trên ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo tính mạng cho bà con", ông Đoan khẳng định.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Dân có nguy cơ thiếu đói bên "bờ xôi ruộng mật" (Bài 4) - Ảnh 5.

Sau lũ, nhiều ruộng lúa ở Chiêm Hóa còn ngập trong đất, đá, người dân chưa thể sản xuất được. Ảnh: Lê Nghĩa

Theo ông Đoan, dù đã được sự hỗ trợ giống, kỹ thuật từ các Bộ NNPTNT và huyện, tỉnh nhưng đến nay công tác khôi phục sản xuất của người dân tại các thôn, xóm sau lũ tại địa phương vẫn rất gian nan. Trong đó, một số thôn vẫn chưa có phương án hiệu quả để cải tạo diện tích đất bị vùi lấp sau lũ khiến nhiều đất lúa, hoa màu có nguy cơ phải bỏ hoang.
"Nhờ sự hỗ trợ từ tỉnh, các đoàn từ thiện, nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu cung cấp cho các hộ bị thiệt hại sau lũ vẫn đủ dùng trong 2 tháng. Sau đó, khoảng 500 hộ dân, trong đó có khoảng 300 hộ nghèo, cận nghèo ở xã rất cần được cứu đói khoảng 4-5 tháng lương thực", ông Đoan kiến nghị và cho rằng: Trận lũ quét lịch sử vừa qua đã tàn phá rất nhiều nhà cửa, hoa màu của bà con tại các thôn khiến cho số hộ nghèo, cận nghèo càng khó khăn hơn. Số hộ vừa thoát nghèo mất đi sinh kế đang có nguy cơ tái nghèo nếu không nhận được hỗ trợ kịp thời.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Dân có nguy cơ thiếu đói bên "bờ xôi ruộng mật" (Bài 4) - Ảnh 6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem