Dân Việt

“Điểm nghẽn" của điểm nghẽn

Đào Tuấn 22/10/2024 17:46 GMT+7
"Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thể chế chính là 'điểm nghẽn' của điểm nghẽn” - phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 21/10.

Chỉ vừa năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã “bày tỏ” không phải một, mà tới hai lần - về chuyện “năm 2022, TP.HCM gửi 584 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã trả lời 604 văn bản” tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Nhưng các vấn đề đó không quan trọng, điều quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đó mới là điều quan trọng, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi lại ngồi chờ...", ông Dũng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mỗi năm của giai đoạn 2018-2021, TP.HCM cấp phép trung bình 70 dự án bất động sản. Nhưng trong 2 năm qua, địa phương này chỉ cấp 8 dự án, hầu như "đứng bóng”, không làm gì. Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề lớn nhất là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh… không làm.

“Điểm nghẽn của điểm nghẽn” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Một tháng sau đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng “bày tỏ” trong một hội nghị rằng, TP đã lập tức phân tích các văn bản đã xin ý kiến. Và qua dữ liệu (phân tích), Thành phố nhận thấy các văn bản xin ý kiến thuộc 4 nhóm:

Nhóm 1 là các vấn đề thực tiễn của TP.HCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi ý kiến về hướng xử lý; Nhóm 2 là có những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa các luật hiện có nên phải hỏi để thống nhất hướng giải quyết; Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau. Và nhóm 4 là nhóm đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên phải hỏi.

Về “cách hiểu khác nhau”, ông Mãi nói thêm là có những vấn đề sau này cơ quan thanh tra, kiểm tra vào thanh tra nói thế này, các cơ quan khác nói khác, cho nên cũng cần phải hỏi.

Và, Chủ tịch TP.HCM cũng “bày tỏ” thực tế là trong hơn 600 văn bản Bộ trả lời cũng có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, “căn cứ vào câu trả lời cũng không biết sao mà làm".

Câu chuyện “bày tỏ” giữa TP.HCM - đầu tàu kinh tế của đất nước - và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ quan có trong tên 2 chữ “kế hoạch”, chắc chắn không hề cá biệt. Nhưng, nó như một ví dụ điển hình cho tình trạng “điểm nghẽn thể chế”.

Một đầu tàu kinh tế, đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách Nhà nước mà 365 ngày phải có 584 văn bản hỏi, về toàn những vấn đề “thuộc thẩm quyền của Thành phố”. Trong đó, ngoài thực tiễn phát sinh chưa có quy định pháp luật, lại có cả những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa các luật; và thậm chí cả những vấn đề “đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau”.

Chủ tịch Mãi nói không sai đâu!

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam từng than thở: Hệ thống luật pháp ở ta chồng chéo đến mức một dự án bất động sản liên quan tới 18 luật hiện hành, trong đó có tới 12 luật cùng có tác động chi phối.

Từng có những kỳ họp mà Quốc hội phải giải quyết tới “70% nội dung phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo nằm trong hệ thống các luật”.

Một khảo sát của VCCI năm 2019 cũng phát hiện ít nhất có 25 điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ngay trong vấn đề đất đai, thể chế pháp luật phức tạp đến mức một Luật mà phải cần tới 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới) và đâu đó 59 thông tư, thông tư liên tịch… để hướng dẫn thi hành. 

Nhưng rồi, trong việc thực thi thì những khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai khiến 53% doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2021 cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh của mình.

Chưa kể đến việc lợi ích nhóm, cài cắm trong văn bản dưới luật với những thông tư ban hành điều kiện kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. 

Trong khi đó, tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại với “việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư”- như phát biểu của Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn.

“Điểm nghẽn của điểm nghẽn” - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Đào Tuấn. Ảnh: DV

Thể chế, hiểu một cách đơn giản, là quy định, luật lệ.

Một thể chế pháp luật không thể tồn tại “sự khác nhau giữa các luật”, không thể có “những cách hiểu khác nhau”.

Trở lại với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, khi nhìn thẳng vào “điểm nghẽn” thể chế, ông gần như đã đặt đề bài cho công tác xây dựng pháp luật.

Để thể chế ấy không rơi vào tình trạng nay ban hành, mai sửa đổi. Để thể chế ấy thống nhất trong cách hiểu, trong việc thực thi. Để thể chế ấy là hành lang, thay vì là barie. Là huy động nguồn lực, thay vì lãng phí nguồn lực.

Hôm qua, Tổng Bí thư cũng nói phải dứt khoát từ bỏ tư duy quản lý cứng nhắc “không quản được thì cấm”- một vấn đề thuộc về tư duy của người làm luật, và cả của bộ phận hành pháp nữa.

Khai thông điểm nghẽn thể chế có khó không?

Chắc chắn là không dễ. Từ hơn 10 năm trước, một phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng nói về điểm nghẽn này.

Nhưng hôm nay, khi nó được xác định như một “điểm nghẽn" của điểm nghẽn, với quyết tâm sửa đổi rất lớn từ người đứng đầu Đảng ta, phát biểu công khai tại hội trường Diên Hồng, trước toàn dân - và như một đề bài thì người dân hoàn toàn có thể đặt niềm tin về một sự thay đổi thực sự.