Tại Việt Nam bảo hiểm nông nghiệp đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm từ những năm 1980 - 1990, như Bảo hiểm Bảo Việt triển khai thí điểm bảo hiểm một số vật nuôi và cây trồng (bò sữa, lúa) tại Nam Định, Hà Tĩnh. Groupama Việt Nam (100% vốn của Pháp) đã từng triển khai thí điểm bảo hiểm đối với vật nuôi (bò, lợn) ở Tây Nam Bộ..., nhưng tất cả đều chưa thành công.
Việt Nam cũng từng có chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn (2011 - 2013), nhưng với những rủi ro vốn có của ngành nông nghiệp, hoạt động này đã dừng lại. Năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp nhằm tái khởi động chương trình, và một loạt quyết định thực hiện chính sách bảo hiểm cũng được ra đời như: Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 26/6/2019; Quyết định số 03/QĐ-TTg ngày 25/01/2021và Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 25/01/2021.
Điều đáng nói, dù chính sách được ban hành nhưng kết quả không được như kỳ vọng khi từ năm 2019 đến nay, chương trình bảo hiểm nông nghiệp có hỗ trợ phí mua bảo hiểm theo các quyết định này không được triển khai ở bất cứ địa phương nào nữa trên cả nước.
Đề cập về lý do bảo hiểm nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chỉ rõ các lý do.
Thứ nhất, người nông dân là những người mua bảo hiểm vẫn chưa thực sự nhận thấy nhu cầu cấp thiết của bảo hiểm nông nghiệp. Điều này xuất phát từ việc nhận thức về giá trị và lợi ích của bảo hiểm chưa cao.
Thứ hai, chi phí mua bảo hiểm dù có thể không quá cao, nhưng với từng hộ nông dân cá thể thì vẫn là một khoản chi phí đáng kể, khiến họ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia.
Thứ ba, thị trường bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài. Những đơn vị này có nhiều kinh nghiệm toàn cầu và hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm nào phù hợp với từng vị trí địa lý. Tuy nhiên, vì Việt Nam là quốc gia nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, đặc biệt là bão, nên các nhà tái bảo hiểm quốc tế cũng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia thị trường này.
Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh cũng phải thừa nhận, việc chào bán sản phẩm khó khăn do nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm. “Thông thường, mỗi khi gặp sự cố thiên tai hay dịch bệnh, nông dân thường trông chờ các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác hơn là bảo hiểm”, lãnh đạo Công ty cổ phần Bảo Minh cho hay.
Bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng ít có sản phẩm liên quan đến ngành nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn do chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới).
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, do tài chính của người nông dân không dư dả, thậm chí còn rất khó khăn nên việc bỏ ra một khoản tiền để tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của họ, khiến họ cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank chỉ ra rằng, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn chưa theo mô hình sản xuất hàng hóa có tính liên kết chặt chẽ. Các khâu từ nhà cung ứng, nhà chế biến, nhà xuất nhập khẩu, tiêu thụ, bảo hiểm và cả sự tham gia của Nhà nước vẫn còn rất rời rạc. Điều này cũng "kìm" sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp.
"Khi thiếu sự liên kết này, việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau trong chuỗi giá trị là rất hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp", ông Hoàng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng, hiện tại nhận thức về quản lý rủi ro thông qua các hợp đồng bảo hiểm vẫn còn hạn chế. Nhiều người chưa tiếp cận và ủng hộ việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm. Do đó, việc tự nguyện tham gia bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn. Một phần nguyên nhân là do lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, thậm chí có những năm được mùa thì lại có năm mất mùa, khiến cho việc trang trải cuộc sống hàng ngày đã là một thử thách lớn. Vì vậy, họ chưa có điều kiện để dành ra khoản chi phí dự phòng cho việc quản lý rủi ro thông qua bảo hiểm.
Với những lý do trên, đến nay bảo hiểm nông nghiệp vẫn được ví như một "bài toán hóc búa" mà lời giải chính là sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, sự góp sức của các cơ quan ban ngành, các tổ chức tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và tất nhiên là không thể thiếu sự tham gia của đông đảo người dân.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm đề xuất, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của bảo hiểm.
"Ngành bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ phát triển tại Việt Nam khoảng 30 năm, chưa phải là ngành lâu đời, vì vậy cần thêm thời gian để công chúng hiểu rõ hơn về lợi ích mà bảo hiểm mang lại”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về phía các đơn vị bảo hiểm, theo ông Tuấn cần chủ động hơn trong việc thiết kế sản phẩm đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng, ngành hàng khác nhau. Từ đó, các tổ chức, cá nhân muốn mua bảo hiểm sẽ có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, tăng tính hấp dẫn cho bảo hiểm nông nghiệp.
“Sau cơn bão vừa qua, chúng ta có thể cập nhật sản phẩm mới hơn nữa để phù hợp với thảm họa thiên tai diện rộng, có tác động sâu đến người nông dân, đặc biệt người nông dân chưa ý thức mua bảo hiểm nông nghiệp, làm sao đến gần hơn với người nông dân”, ông Tuấn nói.
Để bảo hiểm rủi ro thiên tai thảm họa thực sự trở thành tấm lá chắn kinh tế cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng, “cần có biện pháp hành chính cụ thể” để ngân hàng thực sự trở thành kênh phân phối gói sản phẩm tài chính gồm sản phẩm ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho bà con nông dân trong khu vực Tam nông.
Cụ thể như: Khi vay vốn phục vụ chăn nuôi, trồng trọt nếu mua bảo hiểm được ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm và tăng hạn mức cho vay; khi có thiên tai thảm họa sẽ được ngân hàng chủ động tái cấp vốn tín dụng mới ngay nếu có doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi thường.
Swiss Reinsurance Company - Tập đoàn Tái bảo hiểm Thụy Sĩ, nhà nhận tái bảo hiểm lớn nhất toàn cầu về bảo hiểm nông nghiệp khuyến nghị, để đảm bảo sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp và để có được chi phí bảo hiểm nông nghiệp tốt nhất, quy định bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm bắt buộc đối với các hộ sản xuất nông nghiệp là một điều kiện tiên quyết cho loại hình sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong dân số và đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân.
Dưới tác động của những sự kiện mang tính thảm họa như cơn bão số 3 vừa qua, thị trường bảo hiểm nông nghiệp đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, nhờ ý thức của người nông dân về rủi ro và bảo vệ tài sản đã được nâng cao. Nếu được Chính phủ hỗ trợ thông qua các chính sách bảo hiểm hợp lý và mức phí bảo hiểm phù hợp, người nông dân sẽ dễ dàng tiếp cận các gói bảo hiểm cần thiết. Điều này không chỉ giúp họ yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn thúc đẩy việc phát triển sản phẩm gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Khi có bảo hiểm, người nông dân sẽ tự tin áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm – đây chính là xu hướng quan trọng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Sự tăng trưởng trong việc mua bảo hiểm cũng sẽ tạo ra vòng tuần hoàn tích cực cho nền kinh tế nông nghiệp. Khi người nông dân tham gia bảo hiểm nhiều hơn, giá trị kinh tế từ nông nghiệp sẽ cải thiện, kéo theo nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm bảo hiểm. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Mối quan hệ qua lại giữa việc tăng cường mua bảo hiểm và sự phát triển của kinh tế tam nông sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai phía: người nông dân được bảo vệ và doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội mở rộng thị trường, cung cấp nhiều phân khúc sản phẩm phù hợp hơn.
Tất cả những điều này góp phần đạt được mục tiêu của Chính phủ là phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế tam nông.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
(Còn nữa)