Sau bão Yagi, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp ở đâu?
Nông dân gượng dậy thế nào sau bão Yagi: Vai trò của bảo hiểm nông nghiệp ở đâu? (Bài 8)
Thu Hà - Minh Ngọc - Minh Huệ
Thứ ba, ngày 24/09/2024 09:15 AM (GMT+7)
Khẩn trương bắt tay khôi phục lại sản xuất nông nghiệp sau bão, nhiều nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp đề nghị được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, kéo dài thời gian cho vay vốn; đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, hạn chế rủi ro do thiên tai xảy ra.
Có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp
Mô hình trồng nho hạ đen kết hợp du lịch trải nghiệm của anh Nguyễn Hữu Hợi ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội từng là điểm sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Những nhà màng, nhà lưới nối tiếp nhau với những vườn nho chín thẫm, căng mọng, thơm ngào ngạt từng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.
Thế nhưng, chỉ sau 1 đêm bão Yagi với sức gió mạnh chưa từng thấy, vườn nho của anh Hợi bị quật cho tơi bời. "Toàn bộ nhà màng, nhà lưới trồng nho đã bị tàn phá tan hoang hết. Các nhà màng có khung thép rất kiên cố cũng bị gió bão thổi bay, đổ sập, bẹp dúm hết cả. Cả đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như thế" – anh Hợi nói.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại gần 24.000 m2 trồng nho, đào, dưa chuột, rau và 7.000 m2 nhà màng nhà lưới của anh Hợi. Tổng thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.
"Mấy ngày nay vợ chồng chúng tôi đang dồn sức, huy động mọi nguồn lực để gây dựng lại trang trại sau bão. Thực tế, làm nông nghiệp rất vất vả và nhiều rủi ro, nông dân chúng tôi vất vả vô cùng"- anh Hợi cho biết.
Khi được hỏi có về việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp, anh Hợi cho biết, gia đình tôi không mua bảo hiểm nông nghiệp nên khi thiên tai, rủi ro xảy ra đành chấp nhận.
Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi đã khiến cánh đồng chuối 9ha đang ra buồng sắp đến ngày thu hoạch của Công ty An Thái Hưng do anh Lê Ngọc Huê làm Giám đốc ở thôn Bồ Trang, xã Quỳnh Hoa, tỉnh Thái Bình bị đổ rạp xuống đất, ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Anh Huê bày tỏ: "Là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vốn đã chịu nhiều rủi ro, vất vả; cộng thêm thiên tai, bão lũ khắc nghiệp nên càng khó khăn hơn muôn phần. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước, tỉnh Thái Bình và các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề sau bão Yagi như hỗ trợ lãi suất vay vốn ưu đãi, kéo dài thời gian cho vay vốn; có chính sách ưu đãi hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp".
Theo anh Lê Ngọc Huê, hiện nay việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Một phần nguyên nhân do nhận thức, việc tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người nông dân còn thấp, bấp bênh; chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng dẫn đến nông dân không mặn mà tham gia bảo hiểm.
Là hộ chăn nuôi lợn nhiều năm và từng tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, nhưng ông Trần Huy Cường (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thấy chương trình này còn nhiều hạn chế với bà con, nhất là quy định về phạm vi các loại dịch bệnh được hưởng bảo hiểm còn bất cập, phí bảo hiểm khá cao trong khi mức đền bù lại thấp nên sau 1 năm tham gia thí điểm, gia đình ông đã quyết định dừng.
"Lợn thường mắc bệnh viêm phổi gây chậm lớn và rất dễ bị chết, nhưng lại không được bảo hiểm chi trả, còn những bệnh ít gặp và được tỉnh đảm bảo an toàn bằng việc tiêm phòng vaccine như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng… thì lại được thanh toán" - ông Cường nói.
Hội Nông dân tăng cường công tác tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp
Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, nông dân là lực lượng quan trọng tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã xác định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức từ thiên tai, bão lũ cho đến dịch bệnh.
Đặc biệt, vừa qua cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân. Vì vậy, chính sách bảo hiểm nông nghiệp được xem là một trong những biện pháp hiệu quả giải quyết vấn đề rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành rất quan tâm và ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Nghị định số 58 của Chính phủ đã quy định khá toàn diện về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, vai trò của các doanh nghiệp, các ngân hàng. Lần đầu tiên, Chính phủ giao cho Hội Nông dân Việt Nam là một chủ thể tham gia tích cực và phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các ngân hàng để thực hiện bảo hiểm nông nghiệp.
Đặc biệt, Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ các mạng trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh rất rõ vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tuyên truyền, hỗ trợ hội viên nông dân để đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cũng giao cho Hội Nông dân Việt Nam phối hợp các bộ ban ngành xây dựng đề án hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm.
Theo Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam, với trách nhiệm là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt công tác tham mưu về việc có các chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo ông Phạm Tiến Nam, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động để nông dân biết, tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Cùng với đó doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết kế nhiều sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với mong muốn, yêu cầu của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Người nông dân thường có thu nhập rất thấp, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, cụ thể tăng khung hỗ trợ về phí bảo hiểm để nông dân có thêm cơ hội tham gia. Đồng thời, cần có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.
Được biết, vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bảo hiểm Agribank (ABIC) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình bảo hiểm nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững tại Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ, Bảo hiểm Agribank và Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ thực hiện 3 nội dung hợp tác chính.
Thứ nhất: phối hợp nghiên cứu, phát triển và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của nông dân Việt Nam.
Thứ 2: Tuyên truyền và nâng cao nhận thức. Hai bên sẽ tổ chức các chương trình hội thảo, diễn đàn và các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng và lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ 3: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Cả hai bên sẽ đồng hành trong việc xây dựng các chương trình, quỹ phát triển nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong quá trình sản xuất và phát triển kinh tế.
Bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Bộ NNPTNT bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp vào Dự thảo Nghị định về hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh.
Theo VASEP, siêu bão số 3 đã tàn phá nặng nề gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến thủy sản người dân và các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành miền Bắc.
Trong khi đó, tại Nghị định số 02/2017 ngày 9/01/2017 chỉ quy định đối tượng hỗ trợ là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra.
Trước thực tế trên, VASEP kiến nghị bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, hiện tại và xu hướng tương lai, doanh nghiệp là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đó không chỉ là một hình thái 2 cơ bản của "kinh tế nông nghiệp" đang phát triển mạnh mẽ, mà còn là hiện trạng của thực tiễn theo chủ trương của Nhà nước và các văn bản pháp lý hiện hành.
Theo quy định pháp luật, thì các chủ thể kinh tế là bình đẳng trước pháp luật. Doanh nghiệp nông nghiệp không chỉ tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy công ăn việc làm, gia tăng sản lượng-chất lượng và giá trị của sản phẩm nông-thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông-thủy sản nói chung thì "doanh nghiệp" hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để thuộc danh mục đối tượng nhận hỗ trợ.
Nhiều chính sách thực tiễn trong thời gian từ giai đoạn Covid-19 tới nay, đặc biệt gần đây nhất là công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc "Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão" thì "doanh nghiệp" luôn là chủ thể bên cạnh "người dân" trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp …; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh; Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật).
"Hiến kế" về việc khôi phục nuôi trồng thủy sản sau bão số 3
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam chia sẻ, đến 19/9, Hiệp hội đã tự vận động, kêu gọi các doanh nghiệp thành viên được gần 250 triệu đồng. Hiệp hội đã chuyển thẳng số tiền này vào tài khoản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp là hội viên ở Quảng Ninh bị thiệt hại do bão số 3.
Nói về định hướng khôi phục sản xuất trong nuôi biển, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nhất quyết không thể nuôi biển theo kiểu cũ. Bộ NNPTNT nghiên cứu nuôi kiểu mới thì cần sự hỗ trợ theo kiểu đó.
Nhìn về một khía cạnh khác, thì thiên tai cũng là một phép thử để thấy công nghệ nào là phù hợp. Trước bão, bà con đã chuyển mạnh từ phao xốp sang phao nhựa thì việc tái thiết lúc này còn phải tính đến vật liệu bền hơn cho cả một hệ thống lồng bè, thậm chí có gắn định vị để có thể tìm kiếm khi không may bị trôi dạt.
Ông Dũng nhấn mạnh: Bà con nuôi biển hiện nay gần như trắng tay sau bão số 3, nhất là các hộ nuôi thuỷ sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh), phải làm lại từ đầu. Song đây cũng là dịp Bộ NNPTNT, địa phương tính toán giao mặt biển cho ngư dân lâu dài, theo đó bà con yên tâm đầu tư làm ăn bài bản, áp dụng công nghệ cao để tránh thiệt hại như vừa qua.
"Theo khảo sát của chúng tôi, các lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE thiệt hại không đáng kể, trong khi lồng tre, lồng gỗ bị mất trắng tới gần 90%. Thiệt hại không sao kể xiết, song tôi cho rằng đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng lại vùng nuôi trồng thuỷ sản bài bản hơn", ông Dũng nói.
Cần chính sách cho vay dài hạn theo chu kỳ sản xuất của đối tượng vật nuôi
Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu ý kiến: Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có một chính sách về cho vay các khoản vay mới với thời hạn dài hơn theo chu kỳ sản xuất của đối tượng vật nuôi. Chẳng hạn như các hợp tác xã, các hộ chăn nuôi doanh nghiệp đang chăn nuôi gà đẻ trứng, thời hạn nuôi ít nhất phải 12-18 tháng nhưng hiện nay thời hạn vay chỉ được 6 tháng là phải đáo hạn.
Đề xuất thứ hai ông Sơn và các thành viên Hiệp hội đề nghị là đề nghị Bộ NNPTNT kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng xem xét trong 6 tháng đến một năm giảm một số phí và lệ phí như phí kiểm dịch, phí về làm thủ tục công bố hợp chuẩn hợp quy, để các doanh nghiệp đỡ khó khăn trong giai đoạn trước mắt này.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, cây – con giống, thức ăn, hoá chất khử trùng, trang thiết bị để tái thiết hạ tầng lồng bè, chuồng trại sẽ là những sản phẩm ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ. Điều bà con mong muốn bây giờ là các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quá trình tháo gỡ vướng mắc chính sách, thủ tục hỗ trợ, mỗi khâu làm nhanh hơn một chút thì người dân sớm nhận được hỗ trợ để tái sản xuất.
Tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ xác định có 7 loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), 4 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); 3 loài thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Nghị định cũng khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Nhưng trên thực tế triển khai, doanh nghiệp bảo hiểm mới quan tâm triển khai với cây lúa, trong khi rất nhiều ngành hàng sản xuất nông nghiệp đang cần tham gia bảo hiểm và đối tượng bảo hiểm không chỉ là lúa mà còn là các loại cây ăn quả, là vật nuôi, là nuôi trồng thủy sản...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.