Dân Việt

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Tư nhân được tham gia ở hạng mục nào?

Thế Anh 23/10/2024 12:31 GMT+7
Từ kinh nghiệm quốc tế, để bảo đảm đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị.

Không đẩy rủi ro cho tư nhân

Tại Tờ trình Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gửi Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nêu ra hàng loạt các vấn đề mới, nóng của dự án đường sắt quan trọng đang xin ý kiến của Quốc hội này.

Về hình thức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Tờ trình chỉ rõ: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án năm 2019, đề xuất hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với phần phương tiện, thiết bị; đầu tư công phần kết cấu hạ tầng (trong bối cảnh quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt 266 tỷ USD, nợ công khoảng 56,1% GDP).

Tuy nhiên, quy mô của nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không còn là trở ngại lớn.

img

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần huy động nhiều nguồn lực tham gia.

Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của 27 dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên thế giới cho thấy, đầu tư theo phương thức PPP không có hiệu quả hơn đầu tư công. Cùng đó, việc chuyển rủi ro sang khu vực tư nhân là không hiệu quả.

Một số quốc gia đầu tư theo phương thức PPP nhưng không thành công, phải quốc hữu hóa hoặc phải nâng mức hỗ trợ của nhà nước đối với các dự án PPP lên rất cao như Đài Loan (Trung Quốc); một số dự án áp dụng phương thức PPP nhưng phạm vi đầu tư chủ yếu là các khu thương mại, nhà ga trung tâm hoặc đầu tư phương tiện khai thác một số đoạn tuyến hiệu quả.

Căn cứ quy mô nền kinh tế, khả năng huy động nguồn vốn, kinh nghiệm quốc tế, để bảo đảm đầu tư thành công dự án, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 11376- CV/VPTW ngày 18/9/2024 của Văn phòng Trung ương.

Kêu gọi tư nhân đầu tư hạng mục phù hợp

Trao đổi với PV Dân Việt về hình thức kêu gọi đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT (người phát ngôn Bộ GTVT) cho biết: "Tại kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương đã nêu rõ, sử dụng vốn đầu tư công với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam".

"Quá trình triển khai thi công vẫn có nhiều dự án thành phần để sử dụng vốn tư nhân tham gia. Các hạng mục tư nhân có thể tham gia như: Phần phương tiện (đoàn tàu), thiết bị, khai thác khu thương mại, nhà ga trung tâm", ông Dũng nêu.

Theo ông Dũng, hiện nay, chúng ta chưa thể xem xét đánh giá được hạng mục nào có thể để tư nhân tham gia. Chính vì vậy, chúng ta vẫn ưu tiên sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Trong quá trình lập dự án sẽ xem xét đánh giá cụ thể dự án thành phần nào có thể kêu gọi đầu tư PPP.

Đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, nhân lực có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng. Điển hình như cầu dây văng như Mỹ Thuận 2, đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công.

Làm hầm, trong nước có những doanh nghiệp hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần.

Về đoàn tàu, chúng ta đã nâng cấp toàn bộ các toa xe cũ thành các toa xe chất lượng cao, chạy tàu SE21/SE22 giữa TP.HCM - Đà Nẵng, rất đông khách du lịch, thường xuyên cháy vé.

Việt Nam có 2 cơ sở công nghiệp đường sắt như nhà máy Xe lửa Dĩ An, nhà máy Xe lửa Gia Lâm phát triển từ thời Pháp, nay có đầy đủ máy móc, thiết bị, bao gồm các móc thiết bị hiện đại như máy cắt công nghệ cao.

Tờ trình cũng đã nêu rất rõ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá khoảng 33,5 tỷ USD, nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (trong đó có đầu máy, toa xa khoảng 9,8 tỷ USD, hệ thống thông tin, tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm.

Như vậy, doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào việc thi công xây dựng, sản xuất hệ thống đầu máy toa xe, thông tin,... để được hưởng lợi hàng nghìn tỷ USD và tạo ra nhiều công ăn việc làm từ dự án này.

img

Tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu. Ảnh: VNR

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (Chuyên gia của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao) cho biết, khi có "cầu" cao sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu đầu tư phát triển công nghệ để sản xuất toa xe đường sắt tốc độ cao và lúc này cần phải tập trung đầu mối để sản xuất.

Chúng ta có thể thực hiện theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước để thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất làm chủ công nghệ. Việc điều hành đường sắt tốc độ cao không khó với điều kiện của doanh nghiệp hiện nay, và có thể tiếp cận về công nghệ.

Ông Đông cho rằng, với các dự án lớn như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần có những cơ chế chính sách đặc biệt để triển khai, nhằm phát huy hiệu quả, tối đa lợi ích mà dự án mang lại. Đặc biệt, là thu hút các doanh nghiệp, nhà thầu tham gia dự án.