Dân Việt

“Mắc kẹt’ quy hoạch bauxite, Bình Phước khó hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Nguyên Vỹ 24/10/2024 05:25 GMT+7
Quy hoạch bauxite trên địa bàn tỉnh Bình Phước khiến hàng loạt công trình xây dựng thuộc tiêu chí cứng xây dựng xã nông thôn mới đóng băng. Bình Phước khó đảm bảo hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Bình Phước khó hoàn thành xây dựng nông thôn mới vì quy hoạch bauxite

Chiều ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Bà Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

“Mắc kẹt’ quy hoạch bauxite: Bình Phước khó đảm bảo hoàn thành xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

UBND tỉnh Bình Phước báo cáo trực tuyến chương trình xây dựng nông thôn mới với Bộ NNPTNT. Ảnh chụp màn hình

Khó khăn lớn nhất là quy hoạch bauxite khiến nhiều công trình xây dựng đường, trường học... ở một số xã không xây dựng được. Đây đều là những tiêu chí cứng nên khó đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Bà Trần Tuyết Minh đề nghị Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành liên quan kiến nghị Trung ương xem xét, sớm tháo gỡ cho tỉnh Bình Phước vì còn liên quan đến nhiều chương trình khác dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ ghi nhận khó khăn, vướng mắc của tỉnh Bình Phước; và sẽ báo cáo lại Chính phủ để có hướng tháo gỡ.

“Mắc kẹt’ quy hoạch bauxite: Bình Phước khó đảm bảo hoàn thành xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Đại diện Văn phòng Chính phủ ghi nhận khó khăn, vướng mắc của tỉnh Bình Phước trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, ngày 4/10, báo Dân Việt đã đăng bài "Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước "mắc kẹt" giữa vùng quy hoạch bauxite".

Nội dung bài báo phản ánh: Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/ 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Từ đó, dẫn tới việc quy hoạch khu vực dự tngrữ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước tới 90.000ha đất. Trong đó, riêng huyện Bù Đăng bị quy hoạch mỏ quặng bauxite gần như toàn huyện. Điều này dẫn tới ảnh hưởng cuộc sống của gần 19.000 hộ dân hiện đang sinh sống ổn định tại huyện Bù Đăng.

Ngày 11/10, trao đổi với Đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Vũ Ngọc Long - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cũng nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định số 866.

“Mắc kẹt’ quy hoạch bauxite: Bình Phước khó đảm bảo hoàn thành xây dựng nông thôn mới- Ảnh 4.

Lãnh đạo huyện Bù Đăng khảo sát một trường học đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không thể xây dựng, do nằm trong vùng quy hoạch bauxite. Ảnh: H.H

Theo Sở Công thương, khu vực quy hoạch vùng bauxite dành cho thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite… có phạm vi rất rộng.

Diện tích quy hoạch gần như bao trùm lên mọi công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bù Đăng nói riêng và một số huyện, thị xã khác.

Đáng nói, có không ít dự án lớn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và các công trình xây dựng của người dân, đều bị nằm trong vùng quy hoạch bauxite.

Vì thế, các dự án bị đóng băng, không thể triển khai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cả nước có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước);

Theo số liệu từ các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79-79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao; đạt 99% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025.

Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều hạn chế. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương (vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp) năm 2024 đạt rất thấp.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao. Có 31 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp dưới 20%; và còn 3/16 tỉnh chưa phân bổ hết vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. Trong đó có tỉnh Bình Phước.