Dân Việt

Phụ nữ Hậu Giang phát triển sản phẩm OCOP: Khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo và quyết tâm vươn lên

Nguyên An 24/10/2024 11:29 GMT+7
Những năm gần đây, phụ nữ Hậu Giang đã không ngừng phát huy tinh thần khởi nghiệp, tận dụng tài nguyên bản địa để phát triển các sản phẩm OCOP. Nhờ sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền địa phương, nhiều chị em đã biến những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Khơi dậy tiềm năng khởi nghiệp từ phụ nữ Hậu Giang

Trong 3 năm qua, Hậu Giang đã chứng kiến sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp từ phụ nữ. Hơn 320 ý tưởng khởi nghiệp đã được đưa ra thông qua các cuộc thi do tỉnh tổ chức. Đặc biệt, 50 trong số này đã được hỗ trợ hiện thực hóa với tổng số tiền lên tới 700 triệu đồng nhờ chính sách xã hội hóa. Đây là minh chứng cho sự đồng hành tích cực của chính quyền trong việc khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ vươn lên.

Theo báo cáo, tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 480 phụ nữ khởi nghiệp thành công, với nhiều người đã phát triển các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. 

Hiện, toàn tỉnh Hậu Giang có 266 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Đáng chú ý, hơn một nửa trong số 266 sản phẩm OCOP này được tạo ra từ sự nỗ lực của phụ nữ. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của những người phụ nữ trong việc phát triển kinh tế nông thôn và khẳng định giá trị sản phẩm địa phương.

img

Chị Trần Hồng Nhiên ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang xay cà phê để chế biến thành sản phẩm cà phê dừa. Ảnh: Huỳnh Xây

Một điển hình về sự sáng tạo và quyết tâm của phụ nữ Hậu Giang đó là chị Trần Hồng Nhiên ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, người đã thành công với sản phẩm cà phê dừa. Xuất phát điểm là một người nội trợ, chị Nhiên nhờ vào sự nhạy bén và chủ động học hỏi đã nghiên cứu và phát triển công thức kết hợp giữa cà phê và dừa khô. Sản phẩm của chị không chỉ được người tiêu dùng đón nhận mà còn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chị Nhiên không ngừng nỗ lực trong việc mở rộng thị trường. Nhờ vào việc sử dụng livestream bán hàng trên Tiktok, chị đã gia tăng được độ phủ sóng của sản phẩm, mỗi tháng bán ra hơn 1 tấn cà phê dừa. Thành công này đã giúp chị tạo ra việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi người. Hiện nay, chị đang đầu tư xây dựng nhà xưởng mới để mở rộng quy mô sản xuất và chuẩn bị cho ra mắt sản phẩm cà phê nguyên chất, nhằm nhắm đến thị trường khách hàng có gu cà phê mạnh hơn.

Phụ nữ Hậu Giang không chỉ sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm mới mà còn chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Một ví dụ tiêu biểu là cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát của chị Lê Kim Phụng Em - Chủ cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Trong gần 5 năm qua, cơ sở của chị Phụng Em đã liên kết với 7 nông dân trồng mãng cầu trên diện tích 30 ha theo hướng hữu cơ, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất.

Nhờ việc đầu tư vào máy sấy lạnh để làm khô mãng cầu tươi, cơ sở đã giúp các sản phẩm trà mãng cầu giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và bảo quản lâu hơn so với phương pháp phơi nắng truyền thống. Tất cả các sản phẩm trà mãng cầu của chị Phụng Em đều đạt chuẩn OCOP 4 sao, góp phần nâng cao giá trị cho trái mãng cầu của địa phương. Đặc biệt, việc liên kết với nông dân giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con, tạo nên mô hình kinh doanh bền vững.

Đổi mới tư duy sản xuất - Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Hậu giang

Nếu nói về những gương phụ nữ điển hình trong việc làm kinh tế, phát triển đặc sản địa phương không thể không kể tới câu chuyện của chị Nguyễn Kim Thùy, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 và cũng là Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, có địa chỉ ấp tại Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Chị Thùy chính là người đã biến con cá thát lát nhiều xương, thành đặc sản nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Cùng 20 loại sản phẩm khác nhau, từ cá thát lát, cá sặc rằn và ếch, HTX của chị Thùy đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiêu dùng với 11 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, trong đó 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng Sông Cửu long, đang chờ Trung ương xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao,là sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị. Sự thành công này không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn quảng bá được thương hiệu nông sản Hậu Giang đến với thị trường quốc tế.

img

Chị Thuỳ bên 11 chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đang chờ xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cho sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị

"Với phương châm không ngừng hợp tác và phát triển, Hợp tác xã chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra những sản phẩm ngày càng chất lượng để đáp ứng thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế", chị Thùy khẳng định.

Hiện nay, trong tổng số 11 sản phẩm OCOP tham gia dự thi 5 sao, có tới 7 sản phẩm do phụ nữ phát triển. Đây chính là đòn bẩy để phụ nữ Hậu Giang không ngừng phấn đấu, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Những thành công của phụ nữ Hậu Giang trong việc phát triển sản phẩm OCOP không thể thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, từ đào tạo kỹ năng, hỗ trợ vay vốn, đến việc khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Chính sự quan tâm đặc biệt này đã thổi bùng khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ địa phương, tạo nên làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để phụ nữ Hậu Giang tiếp tục vươn xa hơn, họ cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa về công nghệ và vốn. Các chương trình tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng marketing và áp dụng công nghệ vào sản xuất sẽ giúp chị em không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho cộng đồng.

Phụ nữ Hậu Giang đã và đang chứng minh sự sáng tạo và quyết tâm vươn lên thông qua việc phát triển các sản phẩm OCOP. Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, phụ nữ Hậu Giang sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng của mình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh. Các sản phẩm OCOP không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa.