Tận dụng lợi thế bản địa để phát triển bền vững
Với nguồn nguyên liệu phong phú và sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, các sản phẩm OCOP tại Hậu Giang đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 266 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó nổi bật là các sản phẩm nông thủy sản và thủ công mỹ nghệ.
HTX dưa lưới Thuận Phát tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, là một trong những đơn vị tiên phong với việc áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP cho 4 loại dưa lưới khác nhau, bao gồm: Dưa lưới mật, dưa lưới Hạ Uyển, dưa lưới TL3 và dưa lưới Huỳnh Long. Đây là những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, mang lại sự tín nhiệm cao từ người tiêu dùng. Ông Võ Văn Trưng - Giám đốc HTX Thuận Phát, chia sẻ: "Chúng tôi đã đầu tư vào hệ thống máy móc để chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Ví dụ như việc sản xuất dưa lưới sấy khô từ những trái dưa không đủ tiêu chuẩn 1kg, vừa tận dụng nguyên liệu vừa tăng thu nhập cho các thành viên. Định hướng của HTX là phấn đấu để đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao hoặc 5 sao. Do đó trong thời gian tới HTX sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thêm một sản phẩm phụ sau thu hoạch".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ để các hợp tác xã có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra thêm nhiều sản phẩm OCOP mới".
Ông Lê Như Lê -
Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp
Việc chế biến sâu không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân, giảm lãng phí tài nguyên nông sản.
Bên cạnh nông sản, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của chương trình OCOP tại Hậu Giang. Đáng chú ý là cơ sở sản xuất đồ gỗ Tấn Phát ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, với sản phẩm tranh gỗ đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cơ sở đã mạnh dạn đầu tư vào máy khắc gỗ công nghệ cao, giúp tạo ra những sản phẩm có độ chính xác và đồng đều cao, phục vụ cho nhu cầu trang trí và phong thủy của khách hàng. Anh Nguyễn Văn Tâm - chủ cơ sở Tấn Phát, chia sẻ: "Chúng tôi luôn cố gắng đưa ra những sản phẩm đẹp, độc và lạ, phù hợp với phong thủy và sở thích của khách hàng. Để sản phẩm phát triển, tôi cũng định hướng mở rộng kinh doanh qua các kênh mạng xã hội, giúp nhiều người biết đến sản phẩm hơn".
Điều này cho thấy sự nhạy bén của những người làm nghề thủ công trong việc nắm bắt xu hướng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường, các cơ sở sản xuất cần phải đổi mới, sáng tạo và kết hợp với giá trị văn hóa địa phương để tạo sự khác biệt. Việc tận dụng công nghệ 4.0 như máy móc hiện đại và các nền tảng trực tuyến giúp nâng cao năng suất và mở rộng thị trường tiêu thụ là những bước đi chiến lược.
Định hướng bền vững và phát triển lâu dài
Ông Huỳnh Thành Hữu - Chánh văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Chúng tôi định hướng trong thời gian tới sẽ tổ chức nhiều cuộc tập huấn chuyên sâu cho các chủ thể OCOP, xây dựng những câu chuyện sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để các sản phẩm vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế".
Một trong những vấn đề quan trọng là sự kết hợp giữa công nghệ và bản sắc văn hóa địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, mà còn phải mang theo những câu chuyện thú vị về vùng đất và con người nơi nó được tạo ra. Đây chính là giá trị mà các sản phẩm OCOP cần gửi gắm đến khách hàng, giúp chúng nổi bật trên thị trường.
Việc ứng dụng công nghệ cũng là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ những hệ thống máy móc hiện đại trong chế biến nông sản cho đến các công cụ quảng bá trực tuyến, công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của Hậu Giang. Một ví dụ điển hình là HTX dưa lưới Thuận Phát, dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm dưa lưới sấy trong thời gian tới. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng mà còn giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.