Vô một vườn trái cây đặc sản ở Khánh Hòa, dân tình tha hồ bẻ quả ngon ăn, ra suối mát chèo thuyền
Vô một vườn trái cây đặc sản ở Khánh Hòa, dân tình tha hồ bẻ quả ngon ăn, bận áo phao ra suối chèo thuyền
Công Tâm
Thứ năm, ngày 26/09/2024 05:32 AM (GMT+7)
Tận dụng không gian và thời tiết trong vườn anh Bùi Xuân Chiểu (thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã trồng nhiều cây ăn trái cho quả ngon: Chôm chôm, bưởi, quýt...Mô hình được anh Chiểu kết hợp trồng hoa để phục vụ du khách du lịch trải nghiệm.
Thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh, PV đã có dịp đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình anh Bùi Xuân Chiểu (thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Đây là mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái rất tiềm năng ở trên địa bàn.
Các du khách có thể thưởng thức những quả trái cây ngay tại vườn của anh Bùi Xuân Chiểu, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Công Tâm.
Trên chiếc xe máy cà tàng, anh Chiểu chở chúng tôi thăm tận các khu vực trồng cây, khu vực chăn nuôi và những nơi tiếp những đoàn khách từ miền xuôi lên tham quan.
Toàn bộ vườn được anh đầu tư, chăm sóc rất bài bản, những vườn cây trái đang cho thu hoạch mang vị ngọt, thơm và những cánh hoa đang hé nở.
Anh Chiểu chia sẻ, toàn bộ khu vực du lịch này được gia đình đầu tư cách đây khoảng 2 năm, ban đầu lượng khách đến còn khiêm tốn. Qua thời gian, nhiều người đã biết đến tham quan, nghỉ dưỡng và ngắm cảnh thiên nhiên.
Vườn chôm chôm đang trong giai đoạn thu hoạch, trái rất ngọt, xã xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Công Tâm.
Với diện tích 5ha, anh Chiểu trồng 2ha chôm chôm, 1ha bưởi, còn lại trồng quýt, cam, mít, sầu riêng, các loại hoa và bố trí không gian chuồng trại chăn nuôi. Vườn của gia đình anh đã thu hút rất nhiều đoàn khách như: Các học sinh các cấp, các đoàn của doanh nghiệp, các hội đoàn thể và những du khách nội địa đến tham quan.
Anh Chiểu nảy sinh ý tưởng làm nông nghiệp kết hợp với du lịch do đam mê và nhận thấy tiềm năng của địa phương để phát triển các sản phẩm ở địa phương. Trong năm 2023, anh thu hoạch được trên 20 tấn chôm chôm, với giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg và bưởi thu hoạch quanh năm bán với giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 300 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Diễm Thúy - công chức văn hóa xã hội xã Khánh Trung cho biết, 2 năm gần đây xã đã xây dựng đề án phát triển du lịch để du khách trải nghiệm, tham quan các vườn cây ăn quả, các làng nghề đan lát, đan gùi, của các đồng bào dân tộc.Mô hình đang được phát huy hiệu quả. Để phát triển mô hình bền vững trong thời gian tới, địa phương đề nghị cần hỗ trợ biển hướng dẫn, mở rộng hệ thống đường đi, hỗ trợ tập huấn cho các hộ nông dân về kiến thức du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Trung cho biết, anh Chiểu là thành viên của hợp tác xã nông nghiệp xanh Khánh Trung và mô hình đang được thu hút rất nhiều du khách tham quan. Trong thời gian vừa qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh và chính quyền địa phương tổ chức rất nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn cho các hội viên, nông dân trên địa bàn về cách làm nông nghiệp kết hợp du lịch.
Bà Vân cho biết thêm, định hướng của Hội Nông dân xã trong năm 2024 sẽ hoàn thành đề án phát triển du lịch cộng đồng nông thôn dựa trên đề án của xã Khánh Trung đang xây dựng. Hiện đã có 10 hội viên tham gia các ngành nghề chủ lực trồng cây ăn quả, đan lát, sản xuất rau sạch.
Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, địa phương có tài nguyên thiên nhiên phong phú như: Hệ thống sông, suối và các điểm thác nước, lòng hồ, bãi cạn, bìa rừng tự nhiên kết hợp với bản sắc văn hóa cộng đồng,... là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch huyện nhà nói chung và phát triển du lịch sinh thái nói riêng.
Trong thời gian qua, một số địa điểm có nguồn tài nguyên đặc trưng đã được khai thác và hình thành các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Công viên du lịch Yang Bay – Khánh Phú, Suối Lách (Mà Giá) – Giang Ly, Suối nước nóng – Khánh Hiệp, Điểm suối Đá Bàn – Khánh Phú, HTX du lịch canh nông Nha Trang – Đà Lạt tại xã Cầu Bà và các điểm dừng chân dọc tuyến Quốc lộ 27C,…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có những điểm có nguồn tài nguyên thiên nhiên tiềm năng thích hợp để đầu tư phát triển du lịch như: Sông Mấu – Thác Bầu tại xã Khánh Thượng, Thác Zi - Ông tại xã Khánh Trung; mô hình nông nghiệp kết hợp sinh thái xã Khánh Trung, suối khoáng nóng tại xã Khánh Thành; Thác E Đu tại Giang Ly,…
Huyện Khánh Vĩnh định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, vì lợi ích xã hội; sáng tạo giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa truyền thống, qua đó góp phần xây dựng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng doanh thu du lịch, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Với mục tiêu và định hướng như trên, Huyện Khánh Vĩnh đã hoàn thành Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số huyện, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vào cuối năm 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.