Dân Việt

Rùng mình với món ăn bày bán nhan nhản ở vỉa hè, giá cả rất "được lòng" học sinh, sinh viên

Trung Hiếu 26/10/2024 06:00 GMT+7
“Xiên bẩn” là cách gọi của giới trẻ về các loại xiên que bày bán ở vỉa hè Hà Nội. Tên gọi này bắt nguồn từ việc đây là món ăn thường bị gắn mác là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, "xiên bẩn" lại rất hút học sinh, sinh viên bởi dễ ăn, giá lại rẻ.

Các hàng "xiên bẩn" tràn lên vỉa hè vào giờ tan tầm. Clip: Trung Hiếu.

Phụ huynh bức xúc vì hàng xiên bẩn "xâm chiếm" vỉa hè giờ tan trường

Cuối giờ chiều, anh Nguyễn Thành Hiếu (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vội vàng tới trường để đón con trai. Hàng loạt hàng “xiên bẩn” bày bán la liệt trước cổng trường khiến anh Hiếu phải nhích chiếc xe máy từng chút một, cố gắng luồn lách qua những khoảng trống nhỏ hẹp để chờ con. Anh nói: “Khu vực trường con tôi học trong giờ tan tầm vốn đã đông người qua lại, cộng thêm việc nhiều hàng bán đồ ăn vặt xếp bàn ghế la liệt trên vỉa hè khiến việc di chuyển càng thêm khó khăn”.

Anh tiếp lời: “Chưa kể, mùi dầu mỡ từ những hàng "xiên bẩn" lưu động này còn liên tục bốc lên, hòa cùng khói bụi khiến tôi cảm thấy ngột ngạt và rất nặng nề vào giờ cao điểm. Que xiên, khăn giấy dùng xong cùng nhiều loại rác khác bị vứt bừa bãi xuống vỉa hè tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, làm xấu cảnh quan đô thị”.

Hé lộ bí mật thu nhập khủng từ việc kinh doanh "xiên bẩn": Chủ hàng bán cả nghìn xiên mỗi ngày - Ảnh 1.

Học sinh tràn ra các hàng "xiên bẩn" sau giờ tan học. Ảnh: Trung Hiếu.

Trong lúc chờ con ra cổng trường, chị Lê Quế Anh (42 tuổi, Nam Từ Liêm) cho hay: “Nhà tôi có 2 đứa, một đứa cấp 1, một đứa cấp 2. Tôi không hài lòng với tình trạng mấy hàng ăn vặt, "xiên bẩn" bán đầy đường, nhất là gần cổng trường. Giờ tan học các cháu học sinh có khi còn đứng tràn ra đường, mất trật tự giao thông. Các xe hầu như không di chuyển được. Tôi đón 2 đứa cũng sát trường nhau mà phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới về tới nhà”.

Chị Quế Anh bức xúc: “Chưa kể, đồ ăn thức uống ở đó không vệ sinh, đặc biệt là "xiên bẩn", ăn vào ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với mấy bạn nhỏ trong tầm tuổi như con tôi. Hôm nào chúng ra ngoài ăn vặt, ăn "xiên bẩn" cùng bạn là biết ngay. Về là bỏ ăn, xong rồi đau bụng. Nói chung là các hàng bán viên chiên trên vỉa hè gây mất trật tự giao thông và mất vệ sinh, tôi cực kỳ không hài lòng”.

Chuyên gia khuyến cáo điều gì?

19 giờ tối, khi thành phố lên đèn, những người bán “xiên bẩn” dọc nhiều tuyến phố như Phan Văn Trường (Cầu Giấy), Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), Núi Trúc (Ba Đình), Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân)... bắt đầu tấp nập đón khách. Trên những chiếc xe đẩy nhỏ của người bán, ngập tràn các loại xiên nướng đầy màu sắc: thịt xiên, xúc xích, tôm viên, cá viên… không hề có dụng cụ che chắn, không nguồn gốc xuất xứ, chờ thực khách gọi để cho vào chiên rán.

Trước những yêu cầu liên tục từ khách hàng, chị Nguyễn Thị T. (34 tuổi, người bán) thoăn thoắt xiên đồ ăn vào que không ngừng tay. Chốc chốc, có vị khách thanh toán, chị lại dùng “tay trần” cầm tiền mặt rồi tiếp tục công đoạn xiên các viên đồ ăn vào que mà không đeo găng tay. Vừa làm, chị vừa nói: “Tôi đã bán hàng xiên que được hơn 3 năm. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được khoảng 1.000 xiên”.

Một tay lật dở liên tục các xiên que trong chảo dầu đã chuyển sang màu sẫm, tay còn lại của chị T. tranh thủ lấy thêm các túi thực phẩm đựng trong bịch nilon ngay cạnh túi rác dưới đất để chuẩn bị chiên rán. Chị T. tiếp lời: “Mỗi xiên có giá trung bình từ 2.000 - 10.000 đồng. Thông thường, mỗi khách đến quán sẽ ăn ít nhất 10 xiên. Nhiều thời điểm chỗ ngồi chật kín khách, họ lại mua đem về, tôi làm liên tục mà cũng không kịp”.

Hé lộ bí mật thu nhập khủng từ việc kinh doanh "xiên bẩn": Chủ hàng bán cả nghìn xiên mỗi ngày - Ảnh 2.

19 giờ tối, các hàng "xiên bẩn" ở vỉa hè bắt đầu đông khách. Ảnh: Trung Hiếu.

Vừa tan làm, chị Phạm Kiều Anh (23 tuổi, Cầu Giấy) tranh thủ "tạt" vào hàng đồ viên chiên ở vỉa hè. Háo hức lựa chọn nhiều loại xiên que khác nhau, chị Anh nhanh chóng gom đủ 20 xiên và hào hứng đặt lên đĩa. Trong lúc chờ đồ ăn chín, chị chia sẻ với phóng viên Dân Việt: “Tranh thủ hôm nay nhận lương nên mình tới ăn ngay món sở trường. Mỗi lần ăn mình phải ăn 20 xiên mới "đã". Nếu đi ăn cùng bạn bè, ngồi lai dai với nhau, mình còn có thể ăn được nhiều hơn”.

Hé lộ bí mật thu nhập khủng từ việc kinh doanh "xiên bẩn": Chủ hàng bán cả nghìn xiên mỗi ngày - Ảnh 3.

Các loại xiên thường được chiên ngập trong dầu đã chuyển sang màu sẫm. Ảnh: Trung Hiếu.

Chị Anh cho biết, dù chị từng chứng kiến các sản phẩm “xiên bẩn” được người bán lấy ra từ những túi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, chưa kể, dụng cụ chế biến cũng không được vệ sinh sạch sẽ, nhưng chị vẫn có thói quen ăn loại đồ ăn này 3 lần/tuần. “Không biết vì sao nhưng mình cảm thấy ăn "xiên bẩn" rất ngon, vừa rẻ lại no bụng. Mình chưa thấy bị đau bụng sau khi ăn nên mình vẫn đều đặn duy trì thói quen ăn món ăn này liên tục suốt nhiều năm nay”, chị Anh nói.

Hé lộ bí mật thu nhập khủng từ việc kinh doanh "xiên bẩn": Chủ hàng bán cả nghìn xiên mỗi ngày - Ảnh 4.

Theo người bán "xiên bẩn" chia sẻ, mỗi khách tới thường ăn ít nhất 10 xiên. Ảnh: Trung Hiếu.

Món ăn giá rẻ này rất "được lòng" học sinh, sinh viên, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học - Đại học Bách Khoa Hà Nội) khuyến cáo, nhiều sản phẩm “xiên bẩn” có giá thành rẻ vì được làm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Sau khi chế biến và thêm các chất phụ gia, sản phẩm sẽ có màu sắc và mùi vị hấp dẫn, thu hút nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên.

“Thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao thường không còn giữ được các chất dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt, nếu tái sử dụng dầu ăn nhiều lần, hàm lượng chất béo chuyển hóa của món ăn đó sẽ tăng cao gấp 2 - 6 lần, có thể gây nên một số căn bệnh như máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch… Dầu mỡ cháy tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư, béo phì…”, vị chuyên gia này cho biết thêm, đồng thời ông cũng khuyên, mỗi người cần có thói quen ăn các thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo sức khỏe.