Thiệt hại hàng trăm nghìn héc ta rừng
Ba Chẽ là một trong những địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3, với trên 18.600 ha, hơn 3.400 hộ dân, đơn vị, công ty lâm nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là cây keo có độ tuổi từ 2 đến 6 năm bị gãy đổ; ước thiệt hại khoảng 550 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có diện tích thiệt hại lớn, hiện việc thuê nhân công gặp khó khăn, không thể thực hiện tận thu cây gãy đổ dẫn đến nguy cơ mất trắng khi thời tiết ngày càng hanh khô.
Đang cùng gia đình thu gom những cây keo bị gãy đổ sau bão, anh Triệu A Sáng, người dân thôn Khe Mười, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho biết, hơn 1 tháng nay gia đình anh phải nhờ vả hàng xóm và anh em, họ hàng giúp đỡ lên rừng thu dọn các cây bị gẫy đổ. Vừa là để dọn dẹp vừa tận thu những cây gẫy gia đình cũng rất khó khăn.
Trước đây chỉ khoảng 200.000 đồng/ngày công thì giờ phải từ 300.000-350.000 đồng nhưng vẫn không có người làm, vì dọn rừng bị gãy đổ vừa khó di chuyển, vừa mệt hơn lúc thu gỗ bình thường. Mặt khác hiện nay giá thu mua gỗ rừng tận thu thấp, có đơn vị thu mua còn ép giá người dân vì lượng cây đổ quá nhiều. Nếu tính ra các khoản chi phí thì người trồng rừng bị thiệt đơn thiệt kép, không còn nguồn thu nhập.
"Thu dọn cây đổ rất vất vả vì đồi dốc, cây nhỏ lại gẫy đổ lộn xộn. Chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng lên mong rằng năm sau sẽ không có bão to như vừa rồi nữa. Nếu bỏ rừng thì lại càng khó khăn hơn vì lấy gì mà sinh nhai. Trước mắt thì tôi sẽ trồng khoai, ngô, sắn để có nguồn thu phục vụ nhu cầu trước mắt. Còn về lâu về dài thì vẫn phải tiếp tục trồng và chăm sóc diện tích rừng đã được giao", anh Sáng nói.
Anh Sáng đề xuất tỉnh có ý kiến để các đơn vị thu mua không ép giá khi mua gỗ tận thu rừng của người dân và tìm nguồn cung cây giống có giá ổn định, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người trồng rừng tái khôi phục sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội nông dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho biết, chỉ tính riêng xã Đồn Đạc đã thiệt hại trên 3.000 héc ta rừng keo, quế, bạch đàn. Rừng gẫy đổ sau bão ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân trong xã vì người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con tận thu các cây gẫy đổ sau bão và sớm khắc phục lại diện tích rừng đã bị thiệt hại để sau 5 năm sẽ được khai thác, có nguồn vốn cho bà con. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch vận động bà con sau khi dọn dẹp và trồng lại rừng thì sẽ vào các khu công nghiệp làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống", Bà Gái cho biết.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, đến hết tháng 9/2024, tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 119.000 ha (mức thiệt hại từ 30-100%, phần lớn diện tích không có khả năng phục hồi), trong đó diện tích rừng trồng là trên 112.400 ha, diện tích rừng tự nhiên là trên 6.600ha.
Ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết, về lâu dài là an ninh nguồn nước, sạt lở đất, an toàn hồ đập, tác động đến hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn cung từ keo, bạch đàn, thông…, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống của cộng đồng, nhân dân; đến mục tiêu tăng trưởng và mức thu nhập bình quân đầu người của địa phương này, cùng với đó là nhiều hệ lụy hữu hình, vô hình khác mà chưa chưa thể đo, đếm.
Mặt khác, hiện có khoảng 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy từ cây rừng bị gãy đổ vẫn đang hiện hữu, nguy cơ cháy rừng trong mùa hanh khô rất cao. Chỉ tính từ ngày 28/9 đến ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy các rừng thực bì. Diện tích cháy chủ yếu là cây bạch đàn, keo, là các diện tích đã bị bão số 3 tàn phá.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng rừng
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng, ngày 1/10, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản số 2832/UBND-KTTC phát động đợt cao điểm 30 ngày đêm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Với phương châm "4 tại chỗ", huy động lực lượng từ các đơn vị vũ trang, kiểm lâm, thanh niên xung kích tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng sau bão, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/10/2024.
Thực hiện đợt cao điểm này, hiện các địa phương có rừng đang tập trung thực hiện hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản sau bão. Điển hình, huyện Đầm Hà tăng cường thông tin đến người dân, các đơn vị, công ty lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các địa phương bố trí lực lượng hỗ trợ tối đa cho các hộ trồng rừng; Ban Quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp thực hiện việc dọn dẹp, tận thu lâm sản, phát quang thực bì, làm đường băng cản lửa hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy.
Ngay sau bão, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để ngành lâm nghiệp khắc phục thiệt hại như thực hiện thống kê, báo cáo Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch lại 3 loại rừng; kết nối các đơn vị công nghệ, phát triển rừng để tìm hiểu, nghiên cứu, bàn giải pháp tái cơ cấu loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp, làm việc với các ngân hàng để khoanh, hoãn, giãn nợ, các chính sách ưu đãi để tái đầu tư, khôi phục sản xuất, đảm bảo trồng lại rừng cho kịp mùa vụ.
Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với thành viên thuộc tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân: Mức cho vay theo phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng được phê duyệt nhưng không quá 30 triệu đồng/ha.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ; thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm. Trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc.