Những ngày qua, sau một thời gian dài yên ắng, từ khóa "Thích Minh Tuệ" hay "sư Minh Tuệ" lại tiếp tục gây sốt trên nhiều diễn đàn. Đặc biệt, sau những phát ngôn của CEO Nguyễn Phương Hằng thì nhiều YouTube lại đổ về nơi cư sĩ Minh Tuệ đang ẩn tu để theo dõi từng động thái và phản ứng của ông. Kèm theo đó, trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến cũng xuất hiện hàng loạt bài nhạc chế về cư sĩ Minh Tuệ.
Chỉ cần vào trang YouTube tìm kiếm từ khóa "nhạc chế sư Minh Tuệ" là sẽ ra hàng nghìn kết quả. Trong đó, có nhiều bài nhạc chế nhận được lượng nghe và chia sẻ rất cao như: "Thương lắm thầy tôi" (chế lại bài Người đến từ Triều Châu), "Hát về sư Minh Tuệ" (chế bài "Đức con tội lỗi"), "Thầy bây giờ" (chế bài "Mùa xuân này anh sẽ cưới em"), "Hát về sư Minh Tuệ" (chế bài "Giọng ca dĩ vãng"), "Đừng ghét thầy tôi" (chế bài "Con út"), "Sư Minh Tuệ là Phật sống của đời con" (chế bài "Đứa con tội lỗi")…
Đặc điểm chung của những bài nhạc chế này là viết lại phần lời dựa trên các bản nhạc có sẵn giai điệu. Nội dung phần lời mang nặng tính tự sự, đa phần hướng đến ngợi ca, tán thán hạnh nguyện và lối tu khổ hạnh của cư sĩ Minh Tuệ. Nhiều bài nhạc chế thậm chí còn tôn cư sĩ Minh Tuệ như một vị "Phật sống" và nguyện nối gót đường tu của ông. Và mặc dù nhiều bài nhạc chế có lời lẽ khá rời rạc, lủng củng, khô cứng… đôi chỗ hơi "hồn nhiên chủ nghĩa" nhưng nhiều người nghe vẫn để lại bình luận bày tỏ sự xúc động.
Ngoài những bài nhạc chế trôi nổi, còn có nhiều bài nhạc tự sáng tác, được đầu tư quay video khá đẹp mắt. Trong đó, bài tân cổ giao duyên "Hương sen ngược gió" của nghệ sĩ Châu Thanh và Ngọc Huyền Châu đã đạt được 1,2 triệu lượt nghe sau gần 3 tháng phát hành online. Hay bài tân cổ giao duyên "Cốc nhỏ quê nghèo" của nghệ sĩ Châu Thanh và Châu Ngọc Tiên cũng đạt 3,2 triệu lượt nghe sau 3 tháng ra mắt. Có kênh YouTube còn lập hẳn một danh mục "Tuyển tập những bài hát về sư Thích Minh Tuệ".
Trao đổi với Dân Việt, nhạc sĩ Giáng Son cũng bày tỏ, việc chế lời bài hát hiện nay diễn ra khá phổ biến. Việc này cũng góp phần giúp bài hát gốc nổi tiếng hơn, nhưng với những phần chế lời phản cảm thì lại làm hại cho bài hát. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về bản quyền thì việc chế lời là hành vi vi phạm bản quyền.
"Nếu thật sự tôn kính cư sĩ Minh Tuệ thì chúng ta nên sáng tác một bài hát riêng để bài hát được tồn tại lâu dài, đúng pháp luật. Khi Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) ngày càng cao, các vi phạm sẽ bị xử lý ngay lập tức và sẽ bị mất hết những bài hát chế như thế này", nhạc sĩ Giáng Son nhấn mạnh.
Vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ quyền tác giả
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ với Dân Việt rằng: "Việc chế lời bài hát mà không có sự cho phép của tác giả hoặc người được ủy quyền pháp lý cho tác giả thì được xem là hành vi xâm phạm Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT). Ở góc nhìn dư luận xã hội thì hành vi chế, ghép nhạc về ai đó còn để lại hệ lụy xấu cho xã hội, tạo tiền lệ tiêu cực về sau.
Những bản nhạc chế đó chưa chắc cư sĩ Minh Tuệ đã nghe được, mà nếu có nghe được thì những lời xướng tụng trong nhạc chế ít nhiều cũng ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và quá trình tu tập của ông.
Chúng ta đang sống và làm việc ở Việt Nam - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì thượng tôn pháp luật vẫn là hàng đầu. Việc ngưỡng mộ hay ủng hộ con đường tu tập của cư sĩ Minh Tuệ hãy nên dừng lại ở sự giác ngộ.
Giác ngộ về thái độ tu tập nghiêm cẩn của cư sĩ, giác ngộ về chính thói hư tật xấu trong mình, để tự sửa tự răn bản thân sống tốt đời đẹp đạo. Từ đó góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn tích cực cho xã hội. Ý nghĩa cao cả của Phật giáo chính là sự giác ngộ để cho xã hội trở nên đại đồng, người với người yêu thương, tôn kính nhau".
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, nếu mọi người thực sự yêu quý, ngưỡng mộ, ủng hộ con đường tu tập của cư sĩ Minh Tuệ thì nên để ông yên tĩnh, tránh xa những xáo trộn, ồn ào của bụi trần.
"Ngưỡng mộ ai đó trước hết là để cho họ an yên. Với cư sĩ Minh Tuệ, sự ngưỡng mộ của chúng ta dành cho ông còn là ở thái độ tự răn mình, sửa tham sân si trong chính con người mình nếu như thực sự yêu kính ông", ông Ngô Hương Giang bày tỏ.
Chia sẻ với Dân Việt, Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phan Vũ Tuấn - Luật sư Phan Tuấn Vũ - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam cho biết, theo Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), hành vi "chế" lời bài hát được xem là hành vi xâm phạm quyền tài sản, quyền nhân thân của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 28 Luật SHTT.
"Bài hát là một trong những tài sản trí tuệ của tác giả. Tác giả đã bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ của mình để nghiên cứu, sáng tác ra một tác phẩm âm nhạc. Vì vậy mà tác phẩm đó được Nhà nước cho phép đăng ký bảo hộ quyền tác giả.
Quyền tác giả được bảo hộ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Việc chế lời bài hát dựa trên tác phẩm âm nhạc đã được công bố chính là sử dụng quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả", Luật sư Phan Tuấn Vũ nhấn mạnh.
Theo Luật sư Phan Tuấn Vũ, Khoản 4 Điều 19 Luật SHTT quy định một trong những quyền nhân thân của tác giả là "Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Như vậy, hành vi "chế" lời bài hát có thể được xem xét là hành vi xuyên tạc hoặc sửa đổi cắt xén tác phẩm - xâm phạm tới quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Do đó, người thực hiện hành vi xuyên tạc tác phẩm hoặc sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được xác định là hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, hành vi "chế" lời bài hát cũng có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT thì quyền làm tác phẩm phái sinh do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Việc "chế"/viết lại lời bài hát mà không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì được xác định là hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.