Top 6 Thần tượng Bolero 2018 nói gì về bài hát chế lời lên án CEO Nguyễn Phương Hằng lộng ngôn?

Tuệ Lâm Thứ ba, ngày 22/10/2024 11:07 AM (GMT+7)
Bài hát "Đứa con tội lỗi" đang bị đem ra chế lời nhiều nhất để lên án CEO Nguyễn Phương Hằng vì có những phát ngôn đụng chạm đến cư sĩ Minh Tuệ là do một tử tù sáng tác?
Bình luận 0

Nhạc chế lên án CEO Nguyễn Phương Hằng hút view trên mạng xã hội

Sau những phát ngôn gây "rúng động" của CEO Nguyễn Phương Hằng về cư sĩ Minh Tuệ, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bài nhạc chế. Những bài nhạc chế này đa phần mang tính chỉ trích, lên án, kết tội CEO Nguyễn Phương Hằng vì đã "đụng chạm" đến "sư Minh Tuệ". 

Trong đó, có hai bài nhạc chế "Thầy tôi tội gì?" đăng tải trên kênh YouTube LeeHT và "Người tù và người tu" đăng trên kênh Duy Hưng có lượt truy cập khá cao. Cả hai bài nhạc chế này cũng được lan truyền chóng mặt và nhận được nhiều bình luận thuận chiều trên nhiều nền tảng, trong đó có Facebook và Tiktok.

Lời trong hai bài nhạc chế này dù không nhắc thẳng tên CEO Nguyễn Phương Hằng nhưng khi nghe ai cũng biết là nhắm đến bà. Nhiều lời khá gay gắt và thẳng thắn: "Cô đi về vẫn thói sân si, dù chẳng ai có nói điều gì. Giữa người tù và tu thật khác, kẻ đi tù nói người đi tu. Tuy cô giàu nhưng thích hơn thua, cả thầy tu cô cũng không chừa. Vẫn thói đời lộng ngôn còn đó, cô buông lời thua lại càng thua… Cô khoe vàng, khoe nhẫn kim cương mà người ta vẫn thấy bình thường. Sư Minh Tuệ chỉ đi hành khất, không có gì nhưng vạn người thương. Người xưa có câu đời còn tham còn khổ còn sầu. Sau những ngày biệt giam để thấu nhưng cô nào hiểu được gì đâu" (Người tù và người tu).

Hoặc bài "Thầy tôi tội gì" cũng có những câu: "Cô không nhìn mình sai hoặc đúng, cứ sồn sồn nói lời lộng ngôn"… "Tuy cô giàu nhưng rất hơn thua, dù là luôn làm phước đi chùa"… "Ai khuyên chị nên bớt sân si, nhiều thị phi thì lắm ưu phiền"…

Cho đến thời điểm này, CEO Nguyễn Phương Hằng vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào trước những bài nhạc chế này. Trước đó, tuyên bố trong talkshow "Thông cảm hay vô cảm" tại KDL Đại Nam chiều tối 20/10, CEO Nguyễn Phương Hằng nói rằng: "Trong thời gian tới tôi sẽ không xuất hiện trên mạng xã hội nữa, nếu quý vị thấy các trang nào để hình tôi thì đó là giả. Tôi còn phải chăm lo gia đình, sức khỏe. Tôi đã hứa rồi. Nếu quý vị yêu quý muốn gặp tôi, thì ngày mùng 1 và ngày 15 hàng tháng tôi đi thắp nhang trong KDL Đại Nam, quý vị có thể đến thăm".

Sự thật về bài hát "Đứa con tội lỗi"

Chia sẻ với Dân Việt, ca sĩ Kelvin Chính - Top 6 Thần tượng Bolero 2018, Á quân Sàn chiến giọng hát 2021 cho biết, cả hai bài nhạc chế "Thầy tôi tội gì" và "Người tù và người tu" đều chế lời dựa trên bài hát gốc "Đứa con tội lỗi". Theo Kelvin Chính, đây là bài hát do một tử tù ở Nghệ An sáng tác để bày tỏ lỗi lầm và sám hối đối với hai đấng sinh thành vào thập niên 90. Mỗi lần nghe hoặc hát bài hát này, anh đều có những cảm xúc rất đặc biệt. Anh cảm nhận được câu chuyện và nỗi lòng của người viết nên bài hát này.

Bài hát bị chế lên án CEO Nguyễn Phương Hằng lộng ngôn khi đụng chạm sư Minh Tuệ do tử tù sáng tác?- Ảnh 2.

Bản nhạc "Đứa con tội lỗi" của Châu Gia Chuyển đăng trên website Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam. Ảnh: TL

"Qua tìm hiểu, tôi thấy phần lớn mọi người đều nói bài hát này do một cựu sinh viên của trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An), nay là trường Đại học Vinh viết trong những ngày tháng bị giam cầm ở K3 trại Nghi Kim, chờ ngày xử tử. Theo đó, năm 1995, người này phạm trọng tội "giết người" nên đã bị kết án tử hình. Khi người này bị kết án tử hình, nhiều thầy cô giáo và sinh viên của trường ký đơn gửi lên cấp trên xin được giảm án để có cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Năm 1998, những ngày cuối cùng của cuộc đời, anh đã viết ra bài này. Lời bài hát như lời anh muốn nói hết tất cả những gì trong anh. Mong mọi người đừng vì phút nông nổi mà phải dẫn đến những điều đau lòng. Những lời nói sau cùng trong phiên tòa anh đã xin được hát bài hát đứa con tội lỗi để gửi đến bố mẹ và những người thân. Tất cả những người có mặt trong phiên tòa hôm đó đều khóc", Kelvin Chính kể.

Trong khi đó, theo một cựu sinh viên Đại học Vinh thì câu chuyện của tử tù kể trên từng gây chấn động thành phố Vinh những năm cuối của thập niên 90. Theo thông tin anh biết được, người tử tù này từng là học sinh thanh lịch của một trường cấp 3 nổi tiếng ở thành phố Vinh, từng làm Bí thư Đoàn khoa khi vào Đại học. Vì một phút mất kiểm soát mà anh đã gây nên tội lớn và phải chịu mức án rất nặng. Bài hát này được viết ra trong những ngày tháng ở tù và khi biết mình không còn được sống bao lâu nữa.

Lời bài hát gốc có những câu: "Bốn tháng rồi không có tin chi, bỗng một hôm có giấy gọi của tòa. Ông quan tòa trên cao vọng xuống, án tử hình xé nát tim con. Xe đưa con về nhà trọng án Nghi Kim, xiềng hai chân con nhận án nhục hình. Ăn một chỗ vệ sinh một chỗ, sáng trưa chiều không người thăm nuôi.

Con xin cha mẹ tha lỗi cho con, phận làm con chữ hiếu chưa tròn. Cha mẹ già lấy ai phụng dưỡng, sáng trưa chiều không người hỏi thăm. Tiếng sét nào như xé nát tim cha, nhận được tin con án tử hình. Tay mẹ cầm bát cơm quả trứng, mắt mẹ nhòa hai hàng lệ rơi. Thương cho đàn em nhỏ thơ ngây, vành khăn tang em quấn trên đầu. Đứa dại khờ cầm tay mẹ hỏi, mẹ ơi mẹ bao giờ anh con về...".

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, bài hát này sau đó đã được Châu Gia Chuyển viết lại phần lời và hoàn thiện phần nhạc. Hiện trên website của Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam cũng công khai thông tin bài hát "Đứa con tội lỗi" là của Châu Gia Chuyển, được công bố vào 17/05/2014. 

Châu Gia Chuyển sinh năm 1984, người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Anh từng nộp hồ sơ tham gia cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn, Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn Quốc (Sao Mai). Anh hiện tại đang công tác một Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Hà Nội.

Lời bài hát sau khi được Châu Gia Chuyển chỉnh sửa lại: "Con xin mẹ tha thứ cho con, phận làm con chữ hiếu chưa trọn. Cha mẹ già ngày đêm tần tảo, sớm khuya chiều bên ngọn đèn quạnh hiu. 

Tiếng sét nào xé nát không gian, vì trường kia đuổi học con rồi. Tay mẹ cầm lá đơn đỏ dấu, nắng nhạt nhòa hai hàng lệ tuôn rơi. Thương cho đàn em bé thơ ngây, đặt niềm tin anh sẽ ra trường. Đứa dại khờ cầm tay mẹ hỏi, anh đâu rồi hỡi mẹ thân yêu.

Ϲon không về được nữa đâu cha, vì tòa kia kết án con rồi. Ϲhờ một ngàу kia người ta xử bắn, con sẽ về với làn khói hư vô. Người уêu hỡi em, lời thề xưa anh hứa chưa tròn, tiếc làm gì đời trai lầm lỡ, mất em rồi anh mất cả đời anh".

Bài hát "Đứa con tội lỗi" đăng trên kênh YouTube TN_Táo cách đây 4 năm đã đạt 9,7 triệu lượt nghe.

Chia sẻ với Dân Việt, tác giả Châu Gia Chuyển cho biết: "Cách đây nhiều năm, khi còn làm việc cho một Trung tâm nuôi dạy người khuyết tật, tôi đưa những người khuyết tật đi giao lưu ca hát tại một trường học ở Cam Ranh (Khánh Hòa) thì gặp một số phạm nhân đi chăn bò, bên cạnh có công an đi giám sát. Từ cảnh này, tôi cảm hứng viết nên bài "Đứa con tội lỗi". 

Tuy nhiên, phần âm nhạc, tôi thú thật là có vay mượn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy mà tôi không dám thu âm bài này, chỉ giới thiệu cho mọi người hát. Bài hát này cũng đã được tôi ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam khai thác bản quyền".

Theo Châu Gia Chuyển, việc bài hát "Đứa con tội lỗi" bị chế lời thành nhạc chế để lên án CEO Nguyễn Phương Hằng anh chưa hề biết. Anh cũng không quan tâm đến chuyện đó lắm vì mọi việc anh đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem