Dân Việt

Hải Dương: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo về ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây

Nguyễn Việt 26/10/2024 06:01 GMT+7
Sáng 25/10, tại Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây các tỉnh phía Bắc.

Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và thực tiễn trong canh tác khoai tây, khởi động mùa vụ khoai tây Đông Xuân năm 2024 – 2025; trao đổi các nội dung hợp tác PPP phát triển mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững năng suất cao tại các tỉnh phía Bắc trong năm 2025.

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 1.

ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Việt.

Tham gia hội thảo có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đại diện nhiều đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm khuyến nông, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố sản xuất khoai tây phía Bắc; doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân hoạt động trong chuỗi giá trị ngành hàng khoai tây; các tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế.

Mô hình chuỗi giá trị ngành hàng khoai tây: cần gắn sản xuất với chế biến

Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Đoàn Xuân Cảnh Viện Cây lương thực và cây Thực phẩm đã tham luận về thực trạng nghiên cứu, sản xuất và định hướng phát triển khoai tây ở Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó Tiến sĩ Cảnh đã thông tin, cây khoai tây là cây lương thực quan trọng được sản xuất rất nhiều trên thế giới với sản lượng hàng trăm triệu tấn/năm. Sản lượng luôn duy trì ở mức cao (trung bình 367,89 triệu tấn/năm) từ năm 2011 đến năm 2020, sản lượng cao nhất đạt được là 376.376,63 triệu tấn năm 2018 và các năm sau giảm dần, năm 2020 sản lượng giảm còn hơn 294.090,23 triệu tấn; năm 2021 và năm 2022 sản lượng tăng, trong đó năm 2021 đạt 323.684,66 triệu tấn và năm 2022 đạt 332.851,24 triệu tấn.

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Việt.

Còn tại Việt Nam, khoai tây là cây trồng có diện tích trồng lớn, sản phẩm khoai tây sử dụng chủ yếu cho ăn tươi. Với vị trí địa lý trải dài qua nhiều vĩ độ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu khoai tây.

Theo ước tính, nhu cầu của các nhà máy chế biến lên tới 180.000 tấn nguyên liệu/năm song sản lượng khoai tây sản xuất trong nước mới đáp ứng được 35-40%, còn lại phải nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Có thể thấy ngành hàng khoai tây Việt Nam còn khá nhiều dư địa tăng trưởng.

Tiến sĩ Cảnh cũng chỉ ra những hạn chế, đó là nhiều nông dân chưa mặn mà với việc trồng khoai tây do những trở ngại đáng kể như thiếu nguồn giống chất lượng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, áp lực sâu bệnh hại rất lớn...

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 3.

Tiến sĩ Đoàn Xuân Cảnh Viện Cây lương thực và cây Thực phẩm đã tham luận về thực trạng nghiên cứu, sản xuất và định hướng phát triển khoai tây ở Việt Nam đến năm 2030. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu của nhà sản xuất, khoai tây thương phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Những thách thức này dẫn đến diện tích trồng khoai tây ngày càng thu hẹp, sản lượng, chất lượng khoai tây có xu hướng giảm, từ đó, ngành khoai tây bỏ lỡ cơ hội lớn dù thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Tiến sĩ Cảnh cũng đề ra giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng khoai tây, cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ. Mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra một vòng tròn liên kết sản xuất khép kín.

Ở đó, người nông dân có được nguồn giống đảm bảo, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để canh tác khoai tây hiệu quả, an toàn, chất lượng. Trong khi đó, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 4.

Một lão nông tham gia hội thảo để có quyết định trong việc trồng khoai tây để nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Việt.

Nhờ sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, gắn quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong từng bước thực hiện, người sản xuất tránh được việc bị ép giá giống đầu vào, tiết giảm chi phí, từ đó gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình này, cần có sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, việc đầu tư vào nghiên cứu giống, công nghệ chế biến và phát triển thị trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của khoai tây Việt Nam.

Mang thành công trong việc trồng khoai tây bền vững ở Tây Nguyên ra phát triển tại miền Bắc

Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông nghiệp PepsiCo Việt Nam phát biểu: Đánh dấu cột mốc quan trọng 30 năm PepsiCo có mặt tại Việt Nam vào năm 2024, chúng tôi mở rộng mô hình chuỗi giá trị khoai tây ra phía Bắc nhằm hướng người nông dân có thêm lựa chọn cây trồng trên mảnh đất của mình, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Điều này giúp thực hiện mục tiêu chuyển dịch vùng nguyên liệu của PepsiCo hướng tới đảm bảo 100% nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất snack chất lượng quốc tế cho nhà máy thực phẩm mới của PepsiCo tại tỉnh Hà Nam với vốn đầu tư gần 90 triệu Đô-la Mỹ. Dự kiến nhà máy vận hành vào Quý III/2025 cũng như gia tăng giá trị xuất khẩu khoai tây tươi ra thị trường quốc tế và đẩy mạnh nông nghiệp tuần hoàn.

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông nghiệp PepsiCo Việt Nam chia sẻ về quá trình phát triển trồng khoai tây ở Tây Nguyên và thông tin về việc triển khai phát triển vùng nguyên liệu khoai tây ở miền Bắc. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Hành chia sẻ, từ năm 2008, PepsiCo Foods Việt Nam đã triển khai thực hiện vụ đầu tiên tại Lâm Đồng để phát triển vùng nguyên liệu khoai tây trong nước với mục tiêu nâng dần tỷ lệ nguồn cung tại chỗ, giảm nguồn nhập khẩu.

Từ 4 hộ nông dân với diện tích 27ha năm đầu tiên triển khai với năng suất ban đầu đạt 8 tấn/ha, đến 2024, đã có hơn 1.500 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích gần 1.700 ha và năng suất trung bình đạt 24.6 tấn mỗi hecta, cao hơn mức trung bình tại Thái Lan, Indonesia... Đặc biệt, có hộ đạt năng suất 54 tấn trên một hecta.

Nhận thấy những lợi ích của chuỗi giá trị trong ngành hàng khoai tây, kể từ năm 2019, PepsiCo tiếp tục liên kết với các đối tác, trong đó có Syngenta - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về Rau quả, cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cùng nhiều tổ chức với nhiều dự án để thực hiện mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai...).

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 6.

Đại biểu là những hộ nông dân tham dự hội thảo để tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ thuật trồng khoai tây ứng dụng công nghệ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Lấy nhà nông dân làm trọng tâm, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ: Chăm sóc đất - Giống - Xử lý hạt giống - Thuốc BVTV - Phân bón - Tưới tiêu - Kỹ thuật canh tác - Bao tiêu đầu ra - Chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo.

Riêng trong năm 2023, PepsiCo, Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị ứng dụng hàng loạt các giải pháp công nghệ mới trong sản xuất khoai tây. Kết quả cho thấy năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 30-34 tấn/ha. Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha cho nông dân; sử dụng drone giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc BVTV. Năm 2023 cũng đánh dấu năm đầu tiên mô hình xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây tươi và được khách hàng đánh giá chất lượng cao hơn khoai nhập từ Úc, Canada hay Đức.

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 7.

Đoàn đại biểu dự hội thảo tham quan mô hình trồng khoai tây tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Việt.

Với những ưu thế nổi bật, mô hình này đã được PepsiCo nghiên cứu, đánh giá và chính thức nhân rộng ra các tỉnh phía Bắc từ vụ Đông Xuân 2024-2025.

Nắm bắt được thực tế này, sau hơn 10 năm triển khai trồng khoai tây tại các tỉnh Tây Nguyên và chuẩn bị vùng nguyên liệu cho nhà máy thực phẩm mới của PepsiCo tại Hà Nam với vốn đầu tư gần 90 triệu đô-la Mỹ và dự kiến công suất hơn 20.000 tấn snack/năm, PepsiCo đã mở rộng mô hình ra các tỉnh phía Bắc với trọng tâm đảm bảo chuỗi cung ứng tại chỗ, chất lượng cho thị trường Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 8.

Nông dân xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vào vụ khoai tây đông xuân 2024 - 2025. Ảnh: Nguyễn Việt.

Các mô hình được thí điểm trong vụ Đông Xuân 2023-2024 ở tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương đã mang lại kết quả nổi bật, bao gồm năng suất khoai tây cao hơn đáng kể (cao nhất lên tới 33 tấn/ha tại Thanh Hóa), tiết kiệm nước và tăng thu nhập cho nông dân.

Trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025, PepsiCo tiếp tục phối hợp với Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị khoai tây triển khai thực hiện 9 mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc,...), với tổng diện tích dự kiến đạt 23 ha.

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 9.

Nông dân xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương trồng khoai tây vụ đông xuân 2024 - 2025. Ảnh: Nguyễn Việt.

Việc mở rộng vùng nguyên liệu ra phía Bắc giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và cơ hội có được nguồn thu nhập ổn địnhtừ việc trồng khoai tây.

Bên cạnh việc được tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm, bà con nông dân trồng khoai tây khu vực phía Bắc còn được hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn. Công ty cũng giúp bà con ứng dụng số hóa trong nông nghiệp như thăm đồng bằng drone, quản lý canh tác, điều chỉnh nước tưới ngay trên ứng dụng điện thoại...

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 10.

5 nông dân tham gia trồng khoai tây áp dụng công nghệ chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nguyễn Việt.

Anh Trần Danh Tăng ở Hải Dương đã thí điểm năm 2023-2024 với diện 5ha chia sẻ: "Tôi và gia đình rất phấn khởi vì mô hình PepsiCo gia tăng thêm sự lựa chọn cây trồng trong năm cũng như tiếp cận những công nghệ tiên tiến như xử lý giống, bón phân, hệ thống tưới tiêu tự động, thậm chí là sử dụng drone để thăm đồng.

Sau 2 năm tham gia thí điểm mô hình canh tác mới này, tôi thấy hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Khoai tây trồng theo phương pháp này không chỉ cho năng suất cao hơn đáng kể, lên tới 25 tấn/ha, mà chất lượng và mức độ an toàn cũng được đánh giá cao.

Đặc biệt, chúng tôi được công ty bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nên không phải lo vấn đề tiêu thụ. Quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra giúp thu nhập của nông dân trồng khoai tây chúng tôi ổn định, bà con yên tâm canh tác..

Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất khoai tây giúp nông dân các tỉnh phía Bắc nâng cao thu nhập- Ảnh 11.

Chủ nhiệm HTX Thái Tân, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương chia sẻ về trồng khoai tây của HTX tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Việt.

Chủ nhiệm HTX Thái Tân, xã Thái Tân, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, tham gia mô hình với diện tích 38 ha chia sẻ: Khi tham gia mô hình, bà con không còn phải lo lắng về đầu ra khoai tây như trước đây. Bà con cũng hiểu thêm về vai trò của mình trong việc sản xuất nông nghiệp bền vững, có ý thức canh tác an toàn và bảo vệ môi trường. Tôi mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương để bà con có cơ hội tiếp cận các phương thức canh tác hiệu quả, an toàn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Tôi tin tưởng rằng, những trao đổi cởi mở tại Hội thảo ngày hôm nay sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp nông học mới vào sản xuất nhằm giúp nông dân miền Bắc có được những vụ khoai tây bội thu, tiết kiệm chi phí và công sức trong quá trình canh tác.

Đồng thời, trong xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch như hiện nay, mô hình này còn giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển ngành hàng khoai tây bền vững, đồng thời chung tay xây dựng tương lai xanh của ngành nông nghiệp Việt Nam.