Dân Việt

Ở Thái Bình có vùng biển này dân đang bắt con vật li ti, bán hàng tấn, doanh nghiệp chế biến bán sang Hàn Quốc

Trần Tuấn 26/10/2024 05:33 GMT+7
Những ngày này, cảng cá Cửa Lân (Nam Thịnh) mỗi ngày có hàng trăm chuyến tàu của ngư dân trong và ngoài huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cập bến để bán tép biển cho các cơ sở chế biến.

Thời điểm này, ngư dân huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) vào mùa khai thác tép biển. Tép năm nay được mùa nên nhiều tàu thuyền đã khai thác được sản lượng khá cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người đi biển.

Những ngày này, cảng cá Cửa Lân (Nam Thịnh) mỗi ngày có hàng trăm chuyến tàu của ngư dân trong và ngoài huyện Tiền Hải cập bến để bán tép biển cho các cơ sở chế biến. 

Không khí tại cảng cá nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền chuyển những thùng tép tươi lên bờ cho thương lái thu mua với sản lượng hàng trăm tấn mỗi ngày.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ tàu xã Nam Thịnh cho biết: Tàu của tôi chuyên khai thác tép biển. Đang vào mùa tép nên sản lượng khai thác đạt khá cao, có chuyến đánh được từ 3 - 4 tấn, có hôm tàu đi hai chuyến/ ngày. 

Tép được các cơ sở chế biến thu mua ngay tại cảng với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg nên có chuyến thu được 20 - 25 triệu đồng.

Không chỉ có ngư dân Tiền Hải, nhiều ngư dân tại Thái Thụy sau khi khai thác được tép biển cũng cập cảng cá Cửa Lân để bán tép cho các cơ sở chế biến. 

Biển Tiền Hải xuất hiện dày đặc con vật tên là tép biển, vớt hàng tấn, chế biến bán sang Hàn Quốc- Ảnh 2.

Tàu của ngư dân huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) đầy khoang tép biển.

Theo anh Hoàng Văn Vĩnh, chủ tàu xã Thái Đô (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình): Từ cuối tháng 9 đến nay thời tiết khá thuận lợi cho khai thác tép biển.

Sáng đi đến chiều về, tôi đánh tàu thẳng sang bên Cửa Lân để bán tép, chuyến ít cũng được gần 1 tấn, chuyến nhiều được 2 - 3 tấn, thu nhập được hơn 10 triệu đồng/chuyến.

Tép khai thác bao nhiêu được các cơ sở chế biến thu mua hết. Tranh thủ thời tiết đang thuận lợi, anh em tích cực vươn khơi bám biển, trung bình mỗi tháng đi 15 - 20 chuyến, thu nhập được hơn 100 triệu đồng.

Theo ngư dân, tép biển có quanh năm nhưng nhiều nhất là từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. 

Các tàu khai thác tép biển không cần phải đi xa, cũng không mất quá nhiều công sức, dễ đánh bắt hơn so với các loại tôm, cá, hải sản khác. 

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ tép khô, tép muối phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc tăng, do vậy việc tiêu thụ tép biển của ngư dân cũng thuận lợi với giá bán cao.

Theo anh Nguyễn Văn Trung, chủ xưởng chế biến tép biển tại xã Nam Thịnh: Tép biển năm nay được mùa, tép tươi, vỏ cứng, nhiều thịt nên được các đối tác nước ngoài lựa chọn và ký các đơn hàng lớn. 

Để bảo đảm đủ sản lượng tép chế biến phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, chúng tôi thu mua của nhiều chủ tàu trong và ngoài huyện với sản lượng 30 - 40 tấn tép/ngày. 

Ngoài thu mua tại cảng, chúng tôi còn trực tiếp thu mua ngay trên biển để bảo đảm độ tươi của tép.

Huyện Tiền Hải hiện có hơn 100 tàu khai thác tép biển, sản lượng bình quân hơn 100 tấn/ ngày. Trung bình mỗi tháng một phương tiện đi khai thác 13 - 15 chuyến. 

Nhờ nguồn nguyên liệu tép biển dồi dào, tại xã Nam Thịnh đang có 7 cơ sở chế biến, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập 300.000 đồng/người/ ngày.

Bà Nguyễn Diệu Phương, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Hoàng Phương (xã Nam Thịnh, tỉnh Thái Bình) cho biết: Hiện nay Công ty thu mua hơn 20 tấn tép biển/ngày để chế biến xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. 

Công ty tạo việc làm cho hơn 30 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Đang vào mua tép, Công ty tranh thủ thu mua và làm hết công suất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài.

Được mùa tép biển, ngư dân ai cũng phấn khởi, tích cực vươn khơi bám biển, vừa tăng thu nhập cho gia đình vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Huyện Tiền Hải khuyến khích ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để khai thác hiệu quả tép biển cũng như khuyến cáo ngư dân và các cơ sở chế biến giữ gìn vệ sinh môi trường trong thu hoạch, chế biến.