Bộ Công an vừa chính thức trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất đối với xe máy, tăng mức xử phạt lên từ 100-200 nghìn đồng đối với mỗi hành vi; đối với xe ô tô, tăng từ 100 nghìn đến 3 triệu đồng đối với mỗi hành vi.
Đặc biệt, lái xe ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường, nếu không chấp hành hiệu lệnh dừng xe sẽ bị phạt tiền kịch khung là 50-70 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hải Ninh (Hưng Yên) đồng tình với đề xuất nêu trên. Anh Ninh cho hay, việc phạt tiền kịch khung từ 50-70 triệu đồng đối với lái xe ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường là phù hợp, tạo được tính răn đe.
"Các hành vi nêu trên là đặc biệt nguy hiểm, có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả vô cùng lớn cho gia đình các nạn nhân và xã hội", anh Ninh nói.
Tuy nhiên, anh Ninh cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần phân loại các hành vi vi phạm thường gặp, các hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng và các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ có lỗi cố ý gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông để tăng mức xử phạt, có chế tài cho phù hợp.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm, Đội 1, CSGT Hà Nội cho hay, hiện nay phần lớn ý thức của dân khi tham gia giao thông đã thay đổi, nhất là trong việc không lái xe sau khi sử dụng rượu bia.
"Tuy nhiên, những hành vi lạng lách đánh võng, đuổi nhau trên đường, điều khiển xe máy bằng chân, đây là hành vi coi thường tính mạng người khác, có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Vì vậy, việc xử phạt kịch khung là cần thiết. Tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất tăng mức xử phạt nêu trên", ông Quỹ chia sẻ.
Theo ông, song song với việc xử phạt, cơ quan chức năng cần phải xem lại việc tổ chức giao thông ở quốc lộ, trong khu dân cư; hạ tầng giao thông, biển báo, vạch kẻ đường trong khu dân cư để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Khi xử phạt đối với các hành vi vi phạm, người dân sẽ đồng thuận, chấp hành nghiêm quy định.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với đề xuất tăng mức phạt giao thông. Với những lỗi giao thông đặc biệt nguy hiểm, ông Hòa cũng cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây thiệt hại về người và tài sản. Do vậy cần nâng mức xử phạt để người dân thay đổi ý thức, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người vi phạm.
"Còn đối với các lỗi vi phạm thông thường, cần phải nghiên cứu thêm, làm sao đưa ra mức xử phạt vừa phải, phù hợp với điều kiện hiện nay, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân", ông Hòa nói.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, tổng kết quá trình thực hiện các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có thể thấy rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được kiểm soát tương đối tốt, trật tự an toàn giao thông đã được thiết lập.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vi phạm về nồng độ cồn, chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông, quay đầu, dừng đỗ xe sai quy định... Đây là những lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng, nhiều người vi phạm nên mức xử phạt có thể được xác định là chưa đủ sức răn đe.
Bởi vậy với nhóm các hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng, nhóm các hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn giao thông, nhóm các hành vi có tính chất gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn công cộng do hành vi cố ý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thì cần phải tăng mức chế tài hành chính để răn đe, phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.
"Mục đích của các chế tài hành chính không chỉ mang tính răn đe đối với người vi phạm mà còn là để hướng đến mục tiêu phòng ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy khi nào chế tài hành chính được quy định nghiêm khắc, được thực hiện nghiêm minh thì những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đó sẽ giảm đi và đặc biệt là sẽ hạn chế được các hành vi vi phạm đến mức xử lý hình sự", ông Cường nêu quan điểm.