Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương cùng sự tham gia tích cực của người dân, huyện Mỏ Cày Nam đã trở thành một trong những điểm sáng về phòng trừ sâu đầu đen của tỉnh Bến Tre.
Từ đầu năm 2024, tổng diện tích dừa đã phục hồi của huyện Mỏ Cày Nam là 78,15ha, diện tích dừa có dấu hiệu phục hồi là 163,71ha.
Ghi nhận tại xã Đa Phước Hội, đây là địa phương có diện tích trồng dừa lớn với gần 800ha, nếu lơi lỏng trong công tác phòng trừ, nguy cơ sâu hại lây lan trên diện rộng là rất cao.
Tuy nhiên, địa phương này trong suốt thời gian qua đã kiềm chế được tốc độ và phạm vi lây lan của sâu đầu đen nhờ có các giải pháp khoanh vùng hiệu quả và kịp thời.
Đến nay, diện tích nhiễm sâu đầu đen của địa phương chỉ khoảng trên dưới 22ha.
Từ tháng 5-2024, khi sâu đầu đen bắt đầu tấn công mạnh tại các vườn dừa, UBND xã Đa Phước Hội đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm kiểm soát dịch hại này.
Một vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại đang dần phục hồi tại xã Đa Phước Hội (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre).
Đến tháng 10-2024, xã đã phục hồi được hơn 15ha, trong đó có 5ha phục hồi hoàn toàn; 10ha còn lại có dấu hiệu phục hồi tích cực; 7ha còn lại vẫn đang tiếp tục theo dõi và bước vào giai đoạn phòng trị quyết liệt.
Với phương châm “tiêu diệt triệt để, không để sâu lây lan”, UBND xã Đa Phước Hội đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khu vực cù lao Minh tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ sâu đầu đen. Hơn 400 nông dân trên địa bàn xã đã tham gia, nâng cao nhận thức và kỹ năng trong việc kiểm soát dịch hại này.
Ông Cao Văn Kiên và ông Lê Văn Ba, ngụ tại ấp An Vĩnh 1, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam là hai trong số những hộ nông dân chịu thiệt hại nặng từ sâu đầu đen.
Khi sâu đầu đen bắt đầu tấn công, hai ông đã tự tiến hành cắt tàu và phun thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên, do chưa nắm rõ kỹ thuật, sâu vẫn tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh hơn, khiến 90% diện tích dừa của họ bị nhiễm và mất sức.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn và được hỗ trợ thả ong ký sinh, cả hai vườn dừa của ông Kiên và ông Ba đã có dấu hiệu hồi phục.
Một số cây dừa đã bắt đầu cho trái trở lại, mang lại kỳ vọng về sự phục hồi hoàn toàn.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Đa Phước Hội Nguyễn Hồng Quân: Từ tháng 6-2024 đến nay, xã đã thả hơn 1 triệu con ong ký sinh Bracon hebetor (ký sinh ấu trùng sâu đầu đen) và Trichospilus pupivorus (ký sinh nhộng sâu đầu đen) tại các vườn dừa trên toàn xã.
Xã Thành Thới A cũng là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi sâu đầu đen với gần 60ha dừa bị gây hại.
Tuy nhiên, nhờ vào sự phòng trị có tính đồng bộ mà sâu đầu đen cơ bản đã được đẩy lùi. Theo báo cáo của UBND xã Thành Thới A, tổng diện tích dừa đã phục hồi là hơn 15ha.
Kể từ tháng 6-2024, xã đã phóng thích 1,23 triệu con ong ký sinh tại các vườn dừa, nhờ đó diện tích dừa phục hồi tốt cũng được nâng lên đáng kể từ 15,63ha vào tháng 5-2024 đến nay đã lên đến 37,74ha.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Quốc Hưng: Mặc dù diện tích dừa ở một số địa phương trong huyện đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, sâu đầu đen đã được kiểm soát và ngăn chặn tốt, nhưng nguy cơ tái nhiễm là rất cao nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng trị.
Do đó, UBND huyện đã lưu ý đến các địa phương phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ vườn dừa của mình khỏi sự tấn công và gây hại bởi sâu đầu đen.
“Khi phóng thích ong ký sinh, nhà vườn không phóng thích ngừa khi chưa có triệu chứng sâu hại vì ong ký sinh sẽ không sinh sản được khi không có ký chủ và không sống lâu nên không có hiệu quả ngừa sâu. Nên phóng thích ong vào thời điểm lặng gió, ở nơi ít nắng, hạn chế bị ướt mưa và không có kiến gây hại”, ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre.