Dân Việt

Đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: "Bơm" 3,7 triệu tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn

Khánh Ly 29/10/2024 06:16 GMT+7
Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 116; tổ chức triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg...

Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt 3,4 triệu tỷ đồng

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023 giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, rà soát chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn vào lĩnh vực này cũng như hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đã có trên 90 tổ chức tín dụng (TCTD) và hơn 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (NNNT), trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước, nhất là Agribank và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cung ứng tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt khoảng 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,75%) và chiếm 24% tổng dư nợ nền kinh tế.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dan năm 2023: "Bơm" 3,7 triệu tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Agribank Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn thực hiện giải ngân vốn cho người dân có nhu cầu. Ảnh: Agribank Lạng Sơn.

Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 66,8%; dư nợ trung dài hạn chiếm 33,2%. Tín dụng chủ yếu tập trung vào đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm tỷ trọng 68% tổng dư nợ NNNT; tiếp theo là khách hàng doanh nghiệp chiếm 32%; HTX, liên hiệp HTX và chủ trang trại chiếm khoảng chiếm 0,08%.

Dư nợ cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.527 tỷ đồng, tăng khoảng 9,04% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 0,31% tổng dư nợ lĩnh vực NNNT. Dư nợ cho vay liên kết còn thấp do việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết trong nông nghiệp vẫn bộc lộ hạn chế, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết còn phổ biến; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và quản lý để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết chưa nhiều; các chính sách khuyến khích, trong đó có chính sách tín dụng chưa đủ mạnh để phát triển các mô hình liên kết cũng như gia tăng quy mô tín dụng phục vụ chuỗi...

Dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 27.786 tỷ đồng, tăng khoảng 0,5% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 0,81% tổng dư nợ lĩnh vực NNNT. Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã tính đến 30/6/2024 đạt 2.057.982 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2023, với 10.142.172 khách hàng còn dư nợ (phần lớn khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp).

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển một số ngành, lĩnh vực đặc thù trong nông nghiệp, trong đó, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 06/2024, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giải ngân cho vay Chương trình với doanh số lũy kế khoảng 35.400 tỷ đồng, với gần 9.900 lượt khách hàng vay vốn, hoàn thành tổng doanh số cam kết cho vay của Chương trình (theo quy mô 30.000 tỷ đồng).

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dan năm 2023: "Bơm" 3,7 triệu tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 2.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, NHNN đã tiếp tục chỉ đạo các NHTM nâng quy mô gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 30.000 tỷ lên 60.000 tỷ đồng.

Trong đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản chiếm 72,1% tổng doanh số cho vay với trên 7.600 lượt khách hàng vay vốn, đối với ngành hàng lâm sản, chiếm 27,9% tổng doanh số cho vay với gần 2.300 lượt khách hàng vay vốn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, NHNN đã tiếp tục chỉ đạo các NHTM nâng quy mô gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 30.000 tỷ lên 60.000 tỷ đồng.

Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân, để hỗ trợ cho khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão, NHNN đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới,...) nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện đưa vốn vay ngân hàng đến các hội viên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, NHNN đã có Công văn số 5542/NHNN-TD ngày 03/7/2024 gửi Ngân hàng Chính sách xã hội và Công văn số 5545/NHNN-TD ngày 03/7/2024 gửi các TCTD chỉ đạo công tác phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện tín dụng chính sách; thực hiện tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dan năm 2023: "Bơm" 3,7 triệu tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 3.

Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phong Thổ kiểm tra, giám sát thực tế việc sử dụng vốn vay của các hộ gia đình vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn thị trấn Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Trang TTĐT huyện Phong Thổ.

Tiếp tục "bơm" vốn cho tam nông

Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường. Phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ- CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực NNNT theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung tổ chức triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg sau khi cấp có thẩm quyền xem xét cho ý kiến; tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng; phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng khả năng truyền dẫn chính sách và khả năng truyền tải vốn.

Để thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.

Đối với các bộ ngành, tích cực rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; có văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, đặc biệt là chính sách về tích tụ đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, quy mô lớn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách mới tại Luật Đất đai 2024, đặc biệt là các chính sách về đất nông nghiệp như tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để

phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, quy mô lớn. Chú trọng tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của địa phương; chú trọng công tác quy hoạch, khai thác tối đa các sản phẩm nông nghiệp là tiềm năng, lợi thế của địa phương; đẩy mạnh liên kết nội vùng và ngoại vùng.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường trao đổi thông tin kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn để ngành ngân hàng trên địa bàn kịp thời có giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Tiếp tục tạo điều kiện để các TCTD trên địa bàn mở rộng mạng lưới hoạt động, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhất là trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

UBND tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 vừa qua chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường sự phối hợp để truyền tải hiệu quả vốn tín dụng đến người nông dân; kết hợp giữa vốn vay với hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, năm 2023 đánh dấu mốc 5 năm liên tiếp diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.

Qua 5 lần Hội nghị, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết.

Các cơ chế, chính sách quan trọng có liên quan đến tam nông được hoàn thiện, ban hành là cơ sở, hành lang pháp lý tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.

Có thể nói, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân chính là một kênh thông tin "đặc biệt" để Thủ tướng "Lắng nghe nông dân nói".