Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Chuyển đổi mạnh tư duy kinh tế nông nghiệp (Bài 4)

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 28/10/2024 06:00 AM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, toàn ngành nông nghiệp đang thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Bình luận 0

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận 8 vấn đề. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam và từng hội viên nông dân phải nhận thức được những thay đổi của thời đại và xu thế của thị trường để thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, xóa bỏ rào cản về nếp nghĩ, cách làm cũ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau Hội nghị, Bộ NNPTNT đã tăng cường tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho nông dân, đổi mới tư duy sản xuất từ "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" theo chuỗi giá trị nông sản, từ tham gia xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản" sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng", thay đổi phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm.

Toàn ngành thống nhất từ tư tưởng đến hành động

Bộ NNPTNT cho biết, "toàn ngành nông nghiệp thống nhất từ tư tưởng đến hành động", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. 

Theo đó, ngành trồng trọt chuyển đổi tư duy từ lấy sản lượng sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu; chuyển đổi tư duy từ tăng sản lượng sang tăng giá trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất.

Ngành chăn nuôi: Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển; hình thành các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng, bao gồm các chuỗi: Doanh nghiệp - trại chăn nuôi, doanh nghiệp - HTX - nông hộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, như: Tập Đoàn Quế Lâm hợp tác liên kết triển khai một số mô hình khuyến nông chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với hình thức là liên kết theo chuỗi giá trị tại Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên...; mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk… cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô nuôi trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Chuyển đổi mạnh tư duy kinh tế nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan dự "Ngày hội Lúa rươi hữu cơ năm 2024" tại tỉnh Hải Dương hồi tháng 6/2024. Trong ảnh, Bộ trưởng cùng Bí thư tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng được người dân giới thiệu về mô hình nuôi cáy.

Ngành lâm nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị đa dụng của rừng, sản phẩm lâm nghiệp. Công tác quản lý chất lượng giống được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%; tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn, nhiều địa phương và chủ rừng đã quan tâm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; đến nay có hơn 500.000 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững; nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng tăng, đây là nguồn lực tài chính quan trọng, góp phần giúp cải thiện thu nhập cho các ban quản lý rừng, người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc và người dân sinh sống ở khu vực miền núi.

Thủy sản: Tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản xuất những sản phẩm mang đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi giá trị; phát triển tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đã hình thành được nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả kinh tế cao như: chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá Tra ở An Giang, Đồng Tháp…; chuỗi giá trị nuôi và chế biến, xuất khẩu ngao ở Nam Định; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá diêu hồng trong hồ thủy lợi tại Bình Định; mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE, nuôi cá chẽm quy mô lớn (tuần hoàn, khép kín) trên biển tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa; mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ ở Cà Mau, Bạc Liêu; mô hình trồng rong kết hợp với du lịch tại Khánh Hoà, Quảng Ninh;...

Xác định "chuyển đổi tư duy" là nhiệm vụ trọng tâm 

Lĩnh vực an toàn thực phẩm: Đã xây dựng trên 2.500 chuỗi cung cấp thực phẩm NLTS an toàn với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, duy trì kiểm tra mẫu NLTS sau thu hoạch, có 99,4% cơ sở đáp ứng quy định ATTP. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, bảo đảm ATTP không ngừng được mở rộng: Đến nay có 225.620 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP với 16.061 cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận (tăng 8.523 ha và 2.013 cơ sở so với cuối năm 2023); diện tích NTTS được chứng nhận VietGAP là 10.998 ha với 759 cơ sở được chứng nhận (tăng 1.631 ha so với cùng kỳ năm 2023); 4.135 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (giảm 747 trang trại và hộ chăn nuôi so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó đã góp phần đảm bảo ATTP, củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 75.020 ha (trong đó 82% là đất trồng trọt); trong đó 38.780 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận TCVN hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật. Đang chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với 260.725 ha đất trồng trọt, 4.864 tấn sản phẩm chăn nuôi, hơn 23 triệu quả trứng gia cầm.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Chuyển đổi mạnh tư duy kinh tế nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 2.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh thăm, động viên nông dân sản xuất rau quả hữu cơ ở huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Tiến Nhất.

Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt, ngay cả đối với các thị trường khó tính; phối hợp đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường. Đến nay, số cơ sở xuất khẩu thủy sản vào các thị trường không ngừng tăng lên: Hàn Quốc (777 cơ sở), EU (522 cơ sở), Vương quốc Anh (638 cơ sở), Trung Quốc (662 cơ sở), Liên minh kinh tế Á Âu (83 cơ sở), Hoa Kỳ (27 cơ sở), Braxin (192 cơ sở), Achentina (212), Indonesia (836), Đài Loan (773).

Bộ NNPTNT đánh giá, "chuyển đổi tư duy" là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ nên việc tăng cường tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho nông dân, đổi mới tư duy sản xuất từ "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" theo chuỗi giá trị nông sản…được đẩy mạnh thực hiện tại tất cả các đơn vị thuộc Bộ trong các lĩnh vực liên quan như: các lớp học kinh doanh cho nông dân, lớp học chuyển đổi tư duy… Tuy nhiên, việc chuyển đổi tư duy đòi hỏi cần nhiều thời gian để tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, thay đổi thói quen, hành động của người nông dân nên cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trong thời gian tới. 

"Vị ngọt" vùng đất trũng phèn

Tại ĐBSCL, một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng đang được hưởng "vị ngọt" từ câu chuyện chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp". Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng đang được chính quyền địa phương quan tâm; trong đó, mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép với gốc bình bát đem lại hiệu quả vì phù hợp với địa hình trũng phèn nơi đây.

Ông Phạm Hữu Huynh, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, (thị xã Ngã Năm) cho biết, hơn 12 năm trước, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1.000 m2 sản xuất lúa kém hiệu quả để trồng mãng cầu xiêm. Hơn hai năm sau, gia đình thu hoạch đợt trái đầu tiên với năng suất hơn 3 tấn trái/năm, với giá bán 10.000-15.000 đồng/kg (thời điểm 10 năm trước); trừ chi phí sản xuất thu nhập từ 20–25 triệu đồng. "Nếu như trước kia trồng 1.000 m2 lúa chỉ thu lợi nhuận khoảng 3-4 triệu đồng/năm, thì chuyển trồng mãng cầu xiêm hiện mang lại thu nhập ổn định ở mức cao hơn 7-8 lần so với trồng lúa", ông Huynh nói.

Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho biết, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, trái mãng cầu xiêm còn được nhiều doanh nghiệp nghiên cứu và chế biến ra các sản phẩm như: trà mãng cầu, mứt mãng cầu và rượu mãng cầu,... 

Hiện, thị xã có 2 HTX trồng mãng cầu theo hướng hữu cơ với quy mô trên 100 ha, có 2 sản phẩm (trà mãng cầu Ngọc Trân và mứt mãng cầu Ngọc Trân) được công nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm Trà mãng cầu Ngọc Trân cũng đạt sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng. Mô hình trồng mãng cầu từ vài chục ha ban đầu đến nay đã phát triển gần 500 ha là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả của địa phương.

"Mô hình trồng mãng cầu xiêm được xem là mô hình hiệu quả trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Địa phương xác định ưu tiên đầu tư phát triển mô hình trồng mãng cầu xiêm và các sản phẩm từ trái mãng cầu nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp", ông Phong đánh giá.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Chuyển đổi mạnh tư duy kinh tế nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 3.

Ông Phạm Hữu Huynh (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) trồng hơn 1,5 ha mãng cầu xiêm, trừ các khoảng chi phí, ông thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Còn tại tỉnh An Giang, nông dân Lê Minh Toàn, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú nhận thấy, phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhu cầu cây giống là rất cần thiết. Việc người dân tự ươm cây giống theo phương pháp thủ công mất nhiều thời gian, tốn kém nhân công lao động, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và tiến độ thực hiện. Do đó, anh Toàn đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình “Ươm cây giống phục vụ sản xuất chuyên canh rau màu” áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp. Từ đó, sản phẩm tạo ra đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn, sạch bệnh, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân nên tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.

Hay nông dân Lê Bạch Tuyết Loan, xã Bình Mỹ huyện Châu Phú đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa và 2 công đất vườn tạp sang trồng bưởi da xanh ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước, giảm chi phí đầu vào cho canh tác. Sau thời gian chăm sóc, vườn dừa và bưởi da xanh của bà Loan đã cho trái rất tốt và thu hoạch được nhiều năm, lợi nhuận sẽ tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

“Vườn bưởi da xanh đã thu hoạch nhiều vụ với tổng thu nhập hàng năm gần 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi lời khoảng 35 triệu đồng. Ngoài ra, vườn dừa 500 gốc cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Hiện nay, vụ tiếp theo đang cho trái, ước tính sẽ tiếp tục bội thu, có thương lái đến đặt mua định kỳ nên tôi rất an tâm”, bà Loan chia sẻ.

Lan tỏa hơn nữa tư duy kinh tế trong nông nghiệp 

Năm 2023, xuất xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệo Việt Nam đạt 3,83%; 9 tháng đầu năm 2024 trên 46 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, có được kết quả trên nhờ ngành nông nghiệp đã nhất quán chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa tầng giá trị, theo quan điểm lãnh đạo, định hướng xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, sự điều hành sát sao của Chính phủ.

Mở rộng không gian nông nghiệp: hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp du lịch... Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đàm phán ký kết các nghị định thư nhiều loại nông sản mới.

Ngoài ra, chúng ta chú trọng hơn thị trường trong nước để giải tỏa áp lực khi thị trường xuất khẩu khó khăn. Các địa phương chủ động kết nối thương mại, tiêu thụ nông sản, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp năng động thích ứng tốt hơn với “ba chữ biến”, hợp tác xã, cùng bà con nông dân mạnh dạn tiếp cận cách làm hay, mô hình mới giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Chuyển đổi mạnh tư duy kinh tế nông nghiệp (Bài 4)- Ảnh 4.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kết quả xuất khẩu năm 2023 và 9 tháng năm 2024 có được nhờ ngành nông nghiệp đã nhất quán chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa tầng giá trị, theo quan điểm lãnh đạo, định hướng xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, sự điều hành sát sao của Chính phủ.

Thích ứng nhanh với những thay đổi liên tục các quy chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu cũng là hiện thực hóa tư duy “cung cấp những hàng hóa thị trường cần chứ không phải chỉ cung cấp những sản phẩm chúng ta làm ra được”. Nói cách khác, hàng hóa đã chuyển từ “sản phẩm” sang “thương phẩm”.

Theo Bộ trưởng, nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa – rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia.

Hay mô hình lúa – tôm, lúa – cá ở Bạc Liêu, Cà Mau… nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái. Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình này giúp nông dân giảm chi phí. Bởi khi giá sản phẩm không tăng, nhưng chi phí giảm thì lợi nhuận của nông dân vẫn tăng. Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Theo tôi, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn.

"Cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế. Chúng ta đang nói câu chuyện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhưng phạm vi của việc này là rất lớn gồm cả truyền thông, cơ chế vận hành của nhà nước, sự thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Tư duy thay đổi, hành động thay đổi, khi đó, các cơ chế chính sách sẽ vận động theo. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà nông nghiệp đã tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó mới cộng hưởng ra giá trị", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem