Việc phát triển điện hạt nhân được các nhà quản lý, chuyên gia đánh giá là cần thiết cho một hệ thống điện ổn định trong mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng cũng như chống biến đổi khí hậu, cân bằng phát thải CO2.
Dù vậy điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị lâu dài, ít nhất khoảng 12-15 năm. Đó là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực về công nghệ, an toàn điện hạt nhân, chuẩn bị hệ thống pháp quy hạt nhân đầy đủ, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc triển khai dự án, xây dựng năng lực khoa học công nghệ, quản lý dự án, công nghiệp,...
Trả lời PV Dân Việt, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh rằng, đội ngũ cán bộ là chìa khóa thành công cho chương trình điện hạt nhân. "Dự án điện hạt nhân đòi hỏi quá trình nhiều năm, nhưng đào tạo con người làm điện hạt nhân còn cần thời gian lâu dài hơn. Do đó, cần sớm có chủ trương để bắt đầu lại với điện hạt nhân", ông nói.
Cũng theo TS Thành, trong 50 năm qua, Việt Nam đã đào tạo khoảng 1.000 cán bộ về điện hạt nhân (qua nhiều thời kỳ). Riêng trong khoảng thời gian từ 2005-2020, đã đào tạo tổng cộng khoảng 400 cán bộ điện hạt nhân mới. Trong đó, gần 100 người từng được Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài thông qua xin học bổng, sang Liên bang Nga, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Ngoài nhóm này, còn có khoảng 450 sinh viên, kỹ sư đi học ở Nga và Nhật Bản theo chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đào tạo chuyên của EVN, gồm đào tạo đại học về điện hạt nhân, nâng cao trình độ, đào tạo cán bộ chủ chốt về công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân...
Riêng trong khoảng thời gian từ 2005-2020, Việt Nam đã đào tạo tổng cộng khoảng 400 cán bộ điện hạt nhân mới. Trong đó, gần 100 người từng được Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài thông qua xin học bổng, sang Liên bang Nga, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ...
"Việt Nam đã có nhiều kết quả trong chuẩn bị và triển khai chương trình điện hạt nhân. Việc có chủ trương sớm cho phép chúng ta khôi phục lại quan hệ hợp tác với các nước từ trước, thậm chí lựa chọn đối tác, từ đó đẩy mạnh đào tạo nhân lực, nghiên cứu công nghệ, an toàn hạt nhân, chuẩn bị kĩ lưỡng cơ sở cho sự phát triển.", Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nói.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Việt Nam A0, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận - ông Trần Anh Thái chia sẻ thêm: "Chúng ta đã làm rất nhiều việc và bây giờ có cơ hội quay lại với điện hạt nhân thì tôi nghĩ, đội ngũ cán bộ, kĩ sư, chuyên gia cũng đang có sẵn. Nếu chúng ta để lâu quá thì sẽ khó bởi đội ngũ kĩ sư, chuyên gia về điện hạt nhân có thể không còn công tác".
Trả lời câu hỏi về công nghệ điện hạt nhân hiện nay và những công nghệ mới dự kiến áp dụng trong tương lai ra sao, TS Trần Chí Thành cho rằng, trong gần 50 năm lại đây, công nghệ nền tảng của điện hạt nhân hầu như không thay đổi nhiều.
"Công nghệ điện hạt nhân là công nghệ phức tạp, được đưa ra dựa trên nhiều lĩnh vực nền tảng và cơ bản như vật lý hạt nhân, cơ học dòng chảy, cơ khí, vật liệu, luyện kim, tự động điều khiển, hóa học… Do đó, công nghệ điện hạt nhân (bao gồm cả thiết kế) không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn. Trong vài thập niên tiếp theo, công nghệ chủ yếu được triển khai vẫn là lò làm mát bằng nước (lò áp lực là chính), thiết kế tiên tiến thế hệ III+", Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu rõ.
Nói về nhiên liệu cho điện hạt nhân, TS Thành chia sẻ, các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, hay Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có thể chế tạo và cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân. Nhiều đối tác có thể cung cấp nhiên liệu và nó như các hàng hóa dân dụng đặc biệt khác.
Trong khi đó, trước những vấn đề băn khoăn về phát triển điện hạt nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân từng giải đáp về 3 điều lo ngại gồm: An toàn, xử lý chất thải phóng xạ và giá thành. Về tính an toàn, ông Nguyễn Quân cho rằng, với thế hệ công nghệ III+ và thế hệ IV, mức độ an toàn có thể được khắc phục.
Về xử lý chất thải phóng xạ, ông nói, cho đến hiện nay công nghệ xử lý chất thải phóng xạ có thể yên tâm và so với xử lý hậu quả tấm quang năng của điện mặt trời thì không quá lo lắng.
"Thế giới phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ 3, thứ 4 và các công nghệ đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo an toàn tối đa. Chúng tôi đang nghiên cứu và thấy vài công nghệ phù hợp. Quan điểm của chúng tôi là sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để đảm bảo an toàn tuyệt đối nhằm đưa mức rủi ro về 0", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.
Về vấn đề giá thành, điện hạt nhân chắc chắn rẻ hơn so với năng lượng tái tạo, nếu cần có hệ thống lưu trữ chắc chắn điện gió và điện mặt trời "đắt" hơn điện hạt nhân, theo ông Quân.
Phát triển các dự án điện hạt nhân khó, yêu cầu cao nhưng TS Thành khẳng định, một chương trình điện hạt nhân thành công sẽ đưa năng lực khoa học, công nghệ, năng lực công nghiệp của đất nước lên tầm cao mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và là tiềm lực quốc gia.
"Ấn Độ đang làm rất tốt việc thúc đẩy các ngành khoa học, ngành công nghiệp nền tảng. Chúng tôi sang Ấn Độ, họ tự hào về ngành hạt nhân, họ đã tự thiết kế, chế tạo và xây dựng vận hành nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam có thể thực hiện, thúc đẩy và lan tỏa khoa học công nghệ cơ bản, công nghiệp nền tảng từ chương trình điện hạt nhân thành công", TS Thành kì vọng.
(Còn nữa)