Dân Việt

Có 1.000ha cà rốt nhưng thiếu kho lạnh, nông dân Hải Dương kiến nghị Thủ tướng đầu tư cho chế biến, bảo quản nông sản

P.V 29/10/2024 06:34 GMT+7
Tạo cơ chế, chính sách xây dựng kho lạnh, khu chế biến, bảo quản nông sản; khuyến khích phát triển các mô hình du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái; thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử phạt các công ty, đơn vị xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường,... là những kiến nghị, đề xuất của nông dân Hải Dương gửi đến Thủ tướng.

Khi được hỏi về những tâm tư, kiến nghị muốn gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng, ông Nguyễn Đức Mệnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đã bày tỏ sự cảm kích khi Nhà nước đã và đang rất quan tâm đến nông nghiệp chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Nhờ đó, Công ty Tân Hương đã xây dựng được 4 dây chuyền sơ chế phân loại củ cà rốt và rau các loại với công suất 18 tấn/dây chuyền; góp phần tiết kiệm được công lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Hội Nông dân Hải Dương - Ảnh 1.

Niên vụ 2023-2024, công ty của ông Nguyễn Đức Mệnh thu mua khoảng 10.000 tấn củ cà rốt; trong đó 70% sản lượng tiêu thụ nội địa, 30% đưa đi xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…

Theo ông Mệnh, trên cả nước có nhiều tỉnh thành có vùng nguyên liệu tốt, trong đó, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có gần 1.000ha cà rốt. Tuy nhiên, hệ thống kho dự trữ chưa đủ lớn nên các công ty chế biến có nguyên liệu trong thời vụ, hết vụ lại không có nguyên liệu chế biến. Mặt khác, thời điểm chính vụ, nông dân thường bị thương lái ép giá hoặc giảm giá thành, các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn (gãy, nhỏ) có giá trị cực thấp đã ảnh hưởng đến giá trị nông sản và thu nhập của nông dân.

Ông Mệnh nêu một thực tế, hiện tại, Công ty Tân Hương đã tiếp cận với các thị trường lớn như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, EU,... nhưng do không đủ diện tích đất để xây dựng nhà xưởng bảo quản, chế biến nên không có đủ nguyên liệu, vì vậy đã để tuột cơ hội ký kết hợp đồng với đơn đặt hàng lớn và ổn định.

"Chúng tôi mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách cụ thể, quan tâm, tạo cơ chế hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn và ưu đãi khác cho doanh nghiệp xây dựng khu chế biến, bảo quản, giúp kéo dài thời gian vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh với thị trường nước ngoài", ông Mệnh nói.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Liên, hội viên Hội Nông dân xã An Lão, huyện Thanh Hà lại quan tâm đến chủ trương và chính sách của Chính phủ, các ngành chức năng trong việc khuyến khích phát triển các mô hình du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái - mô hình đang phát triển mạnh ở địa phương của bà, nơi có vùng vải Thanh Hà nổi tiếng.

Được biết, năm 2024, UBND huyện Thanh Hà và các ngành chức năng tỉnh Hải Dương tổ chức chương trình “Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) - Hành trình cùng các tour du lịch”. Thông qua các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, Hải Dương quảng bá, giới thiệu vải thiều Thanh Hà tới du khách, người tiêu dùng qua các hành trình du lịch sinh thái, trải nghiệm vườn vải. Đây cũng là điểm nhấn trong hành trình du lịch, khám phá vẻ đẹp truyền thống văn hóa của đất và người xứ Đông, tăng cơ hội, giúp vải thiều Thanh Hà mở rộng tiêu thụ tại thị trường trong nước và thế giới.

Hội Nông dân Hải Dương - Ảnh 2.

Một vườn vải thiều Thanh Hà được chỉnh trang để đón du khách. Ảnh: 432Hz.Family.

Ông Nguyễn Văn Trụ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, Hải Dương lại kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử phạt các công ty, đơn vị xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường (môi trường đất, nước, không khí), ô nhiễm tiếng ồn,... Đồng thời chỉ đạo các quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nông thôn, rác thải sinh hoạt,... xa khu dân cư để hạn chế tình trạng ô nhiễm.

Trong khi đó, ông Đào Hữu Thuân, Phó Giám đốc HTX trứng gà Cẩm Đông, xã Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng) nêu một thực tế, theo quy định của ngân hàng, tài sản, chuồng trại nằm trên đất nông nghiệp không được thế chấp nên khi nông dân mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, chất lượng cao trên diện tích đất đã được quy hoạch thì luôn gặp khó khăn về nguồn vốn.

"Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, chất lượng cao", ông Thuân kiến nghị.

Ông Vũ Văn Sô, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang đặt câu hỏi: "Nhà nước có cơ chế nào để giúp cho sự phát triển của nông nghiệp theo hướng bền vững, khắc phục được tình trạng được mùa, mất giá; hỗ trợ bao tiêu nông sản cho nông dân?".