Hải Dương: Bài học giải quyết thành công điểm nóng lấn chiếm công trình thủy lợi ở TX Kinh Môn
Hải Dương: Bài học giải quyết thành công điểm nóng lấn chiếm công trình thủy lợi ở thị xã Kinh Môn
Nguyễn Việt
Thứ năm, ngày 17/10/2024 05:33 AM (GMT+7)
Vừa qua, các cấp chính quyền thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã giải quyết thành công điểm nóng vi phạm lấn chiếm công trình thuỷ lợi (CTTL) tồn tại hàng chục năm ở xã Quang Thành mà không phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế. Vậy bài học kinh nghiệm rút ra từ việc này là gì?
Thị xã Kinh Môn giải quyết điểm nóng vi phạm lấn chiếm CTTL ở Quang Thành thế nào?
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, điểm nóng vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi đã tồn tại hàng chục năm ở xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn) gồm 53 hộ dân ở thôn Thái Mông trên kênh KC1.
Trước đây, kênh Phùng Khắc, kênh KC1 là một dòng sông nhỏ (một nhánh của sông Kinh Thầy), sau này được cải tạo trở thành CTTL kênh dẫn nước từ sông Kinh Thầy, kênh dài hơn chục km qua xã Quang Thành, Thượng Quận, An Phụ… Kênh có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khi có mưa lũ cho nhiều địa phương.
Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số hộ dân ở thôn Thái Mông, xã Quang Thành đã lấn chiếm để xây dựng công trình trên mặt kênh. Dần dần, nhiều hộ dân khác ở đây cũng lấn chiếm để tạo mặt bằng, xây dựng các công trình hàng quán để sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của UBND thị xã Kinh Môn có 53 hộ vi phạm lấn chiếm CTTL kênh Phùng Khắc, kênh KC1 đoạn chạy qua xã Quang Thành.
Việc nhiều hộ dân vi phạm lấn chiếm, xây dựng các công trình lấn chiếm CTTL kênh Phùng Khắc, kênh KC1 cũng đã được các cấp chính quyền thị xã Kinh Môn nhiều lần tuyên truyền, trong đó đã chỉ rõ vi phạm, đồng thời cũng yêu cầu người dân tháo dỡ. Tuy nhiên, các hộ dân lấn chiếm không chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm dẫn đến việc vi phạm tồn tại nhiều năm qua.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Lê Văn Điền cũng nhận định, việc vi phạm của 53 hộ dân lấn chiếm CTTL kênh Phùng Khắc và kênh KC1 đã tồn tại nhiều năm và vi phạm này cần phải giải quyết dứt điểm.
Sau khi thị xã và xã Quang Thành tổ chức đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các hộ vi phạm cần phải thực hiện tháo dỡ di dời đã có 4 hộ đã tự tháo dỡ, di dời công trình vi phạm trong năm 2023, còn 49 hộ thuộc phải di dời, dỡ bỏ nhưng không thực hiện.
Tiếp đó, thị xã đã chỉ đạo các tổ công tác do UBND thị xã thành lập phối hợp với UBND xã Quang Thành tiếp tục tuyên truyền, vận động, phân tích cho người dân nhận thấy việc lấn chiếm CTTL là vi phạm buộc phải dỡ bỏ, di dời đã có thêm 15 trường hợp vi phạm nhận thức được sự việc vi phạm của mình nên đã đồng ý tự tháo dỡ, di dời.
UBND xã Quang Thành đã lập cam kết với các hộ gia đình, đồng thời UBND xã Quang Thành đã cam kết với UBND thị xã về việc tự thực hiện tháo dỡ, giải tỏa với 15 hộ này. Sau đó, các hộ đã tháo dỡ hết, chỉ còn các hạng mục tấm đan bê tông cầu qua kênh chưa thực hiện tháo dỡ.
Đối với 34 trường hợp vi phạm phải tiến hành lập hồ sơ xử lý đã được các phòng, ban, ngành chức năng thị xã và địa phương hoàn thiện biên bản xác minh công trình vi phạm, biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính và các văn bản liên quan.
UBND thị xã đã ban hành quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 34 trường hợp. Tổ công tác (theo quyết định số 388 QĐ – UBND) đã tham mưu quyết định cưỡng chế buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và kế hoạch tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo hồ sơ xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 19/8/2024, UBND thị xã Kinh Môn ban hành công văn số 1077/UBND - KT gửi Sở Tư pháp, Công an tỉnh và công văn số 1066/UBND - KT gửi Công an thị xã, Viện KSND thị xã, TAND thị xã, Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế, Quản lý Đô thị, Tư pháp, Thanh tra thị xã và Xí nghiệp Khai thác CTTL để xin ý kiến tham gia quyết định cưỡng chế và kế hoạch tổ chức cưỡng chế bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm CTTL tại xã Quang thành.
Để việc tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định của 34 hộ dân, UBND thị xã đã xây dựng kế hoạch về tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực vi phạm CTTL tại xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn. Thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế, buộc thực hiện khắc phục hậu quả vi phạm trong phạm vi bảo vệ CTTL tại xã Quang thành.
Xây dựng và phân công nhiệm vụ, phương án cưỡng chế, thông báo tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đối với 34 hộ dân tại khu vực kênh Phùng Khắc và kênh KC1 đoạn thôn Thái Mông, xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn thời gian từ 8 giờ, ngày 1/10/2024 đến 7/10/2024.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND thị xã, các phòng, ban, ngành, cơ quan đơn vị liên quan, UBND xã Quang Thành tổ chức tuyên truyền, các hộ vi phạm đã tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Lê Văn Điền thông tin, từ ngày 5/10/2024, 34 hộ dân đã ký cam kết tự tháo dỡ và các phòng, ban, ngành, cơ quan đơn vị liên quan của thị xã cùng UBND xã Quang Thành đã cùng nhau hỗ trợ tháo dỡ công trình vi phạm của 34 hộ dân. Đến nay các công trình vi phạm của 34 hộ dân cơ bản đã khắc phục được tháo dỡ UBND thị xã không phải tổ chức cưỡng chế hộ dân nào tại xã Quang Thành.
Bài học, kinh nghiệm rút ra
Với việc giải quyết, xử lý các công trình vi phạm trên CTTL kênh Phùng Khắc, kênh KC1 ở xã Quang Thành đã tồn tại nhiều năm một cách thấu tình, đạt lý mà không phải thực hiện cưỡng chế, qua đó giữ được ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương là một thành công của thị xã Kinh Môn. Vậy kinh nghiệm bài học nào được rút ra sau việc này?
Phó Chủ tịch UBND thị xã Lê Văn Điền cũng cho rằng việc thành công trong giải quyết vi phạm, giải toả công trình vi phạm CTTL ở Quang Thành thành công là do công tác tuyên truyền vận động thuyết phục. Thậm chí phải kiên trì thực hiện việc này trong suốt quá trình giải quyết vụ việc để những hộ dân vi phạm nhận thức việc vi phạm của mình tự chấp hành tháo dỡ, di dời.
Còn theo Trung tá Nguyễn Minh Khoa, Phó Trưởng Công an thị xã Kinh Môn khi triển khai công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, lực lượng công an đã đi sâu tìm hiểu từng thành viên trong từng gia đình người dân vi phạm. "Chúng tôi lựa chọn những người tuổi cao có uy tín, đảng viên, những người đang công tác, những người có hiểu biết để tuyên truyền, phân tích, động viên, thuyết phục, đồng thời cũng chỉ ra đó là những vi phạm, gây ảnh hưởng đến các CTTL, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thoát nước.
Khi những người này đã thông tỏ, họ chính là những tuyên truyền viên sẽ về tuyên truyền vận động cho người thân trong gia đình chấp hành. Còn những hộ nào, cố tình không chấp hành, chúng tôi cũng giải thích rõ, việc không chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm trên phần vi phạm CTTL sẽ bị tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, nếu chống đối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật", Trung tá Nguyễn Minh Khoa cho hay.
Còn ông Chu Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thành cho biết, ngoài thực hiện nhiệm vụ theo các đoàn công tác của thị xã, lãnh đạo xã Quang Thành cũng chỉ đạo, các hội, đoàn thể trong xã như: Hội người cao tuổi, cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên rà soát trong các thành viên của 34 hộ dân, ai là hội viên thuộc hội, đoàn thể nào thì triển khai tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho hội viên đó hiểu và chấp hành.
Trong số, 34 hộ dân, có khoảng 1 nửa số hộ có thành viên gia đình hội viên Hội Nông dân xã Quang Thành. Vì vậy, chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền cho hội viên đó hiểu về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều, các CTTL; chủ trương thực hiện giải toả các công trình vi phạm của thị xã. Từ đó, các hội viên thuyết phục các thành viên trong gia đình chấp hành tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Còn theo phóng viên Dân Việt nhận thấy, việc thị xã Kinh Môn giải quyết thành công việc này, trước hết đó là sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ thị xã, các phòng, ban, ngành chức năng của thị xã cũng như chính quyền địa phương.
Việc ban hành văn bản, công văn, quyết định, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cũng như xây dựng phương án thực hiện cưỡng chế chặt chẽ, đúng quy định, trình tự, thủ tục hành chính và pháp luật.
Các tổ công tác, các phòng, ban, ngành chức năng thị xã và chính quyền địa phương triển khai thực hiện theo đúng các kế hoạch đã đề ra, trong đó đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân tự chấp hành tháo dỡ các công trình vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.