Hiến đất trị giá tiền tỷ xây nghĩa trang liệt sĩ, một nông dân Hải Dương được tôn vinh
Hiến đất trị giá tiền tỷ xây nghĩa trang liệt sĩ, một nông dân Hải Dương được tôn vinh điển hình làm theo lời Bác
Nguyễn Việt
Thứ năm, ngày 10/10/2024 13:50 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Tuyệt, 70 tuổi, thôn Thanh Tảo, xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương là 1 trong 33 điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc vừa được tôn vinh tại Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024".
Nghĩa cử cao đẹp của lão nông hiến hơn 1000 m2 đất để xây Nghĩa trang Liệt sĩ
Phóng viên Dân Việt đã tìm về thôn Thanh Tảo, xã Lê Lợi, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương tìm gặp ông Nguyễn Văn Tuyệt.
Ông Nguyễn Văn Tuyệt là một trong số ít lão nông vừa đi dự buổi giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc.
Ông Nguyễn Văn Tuyệt là 1 trong 33 điển hình được tôn vinh tại Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024". Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 3/10 vừa qua.
Clip: Ông Nguyễn Văn Tuyệt chia sẻ về việc hiến đất để địa phương nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ. T/h: Nguyễn Việt.
Chương trình đã tôn vinh 33 điển hình là các tập thể, cá nhân tiêu biểu đại diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn...
Ông Tuyệt được tôn vinh bởi ông là một công dân gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như ở địa phương, đặc biệt ông có nghĩa cử cao đẹp, khi đã hiến hơn 1000 m2 đất để thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ của xã Lê Lợi.
Bí thư Đảng uỷ xã Lê Lợi Nguyễn Văn Luận cho biết, Nghĩa trang Liệt sĩ của xã Lê Lợi nhiều năm trước đã cũ, xuống cấp, nhiều phần mộ liệt sĩ bị lún. Năm 2022, địa phương có chủ trường mở rộng, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ của xã. Do cổng nghĩa trang cũ nằm sát cạnh được quốc lộ 37 nên khi mở rộng đòi hỏi cần phải lùi sâu để có phần diện tích, không gian trước nghĩa trang được rộng rãi để nhân dân đến thăm viếng, thắp hương liệt sĩ có chỗ đỗ xe.
Khi lùi vào sâu thì không đủ diện tích, không gian để quy hoạch các phần mộ, hay các công trình trong Nghĩa trang. Vì phần đằng sau nghĩa trang cũ là diện tích vườn của người dân. Vì vậy, xã đã thành lập đoàn lãnh đạo, cán bộ xuống gặp gỡ gia đình ông Nguyễn Văn Tuyệt để động viên thuyết phục.
Bí thư Nguyễn Văn Luận chia sẻ: "Rất may, khi được cán bộ xã giải thích, tuyên truyền về chủ trương mở rộng Nghĩa trang Liệt sĩ của xã để phần mộ nơi yên nghỉ của các Anh hùng Liệt sĩ được chăm sóc, thờ phụng chu đáo hơn, khang trang hơn, cá nhân ông Tuyệt và vợ, các con đều đồng ý, đồng thuận trong việc hiến đất cho địa phương thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ của xã".
Sau đó, gia đình ông Tuyệt đã cắt hơn 1000 m2 đất vườn đồi của gia đình phía sau Nghĩa trang Liệt sĩ bàn giao cho địa phương để thực hiện dự án. Hiện dự án cải tạo nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ của xã Lê Lợi đã hoàn thành, nghĩa trang đã có cảnh quan đẹp hơn, khang trang hơn, các phần mộ của Anh hùng Liệt sĩ của xã Lê Lợi được chăm sóc chu đáo hơn.
Không có thu nhập gì đáng kể, vẫn cấy lúa, nuôi gà để phục vụ đời sống
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyệt sinh được 4 người con. Hiện nay, các con ông đều đã trưởng thành.
Trước đây, để nuôi được 4 con ăn học, ngoài mấy sào ruộng, gia đình ông có khu vườn đồi rộng hàng nghìn mét vuông để trồng sắn. Khi quả vải có giá trị cao, vợ chồng ông bỏ trồng sắn, chuyển qua trồng vải, nhãn.
Nhờ có vườn cây ăn quả, cộng với chăm chỉ làm ăn, vợ chồng ông Tuyệt đã nuôi được 4 người con ăn học, trưởng thành, đã có gia đình riêng.
Hiện nay, giá trị kinh tế từ vườn đồi đã không còn đáng kể nữa nhưng giá trị đất lại khá cao. Trước đây, một số người đã đến hỏi mua để làm nơi xây dựng nghĩa trang gia đình nhưng ông Tuyệt không bán. Nếu bán, ông Tuyệt đã có hàng trăm triệu đồng. Còn với giá đất cao như hiện nay, chỗ diện tích hơn 1000 m2 đất của ông Tuyệt cũng có giá hàng trăm triệu đồng hoặc tiền tỷ.
Nhưng khi xã có chủ trương cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ của xã, ông Tuyệt và gia đình đã đồng ý, đồng thuận hiến đất để địa phương thực hiện dự án tâm linh này.
Ông Tuyệt nghĩ, hiến đất để địa phương nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ nhằm chăm lo phần mộ cho các Anh hùng Liệt sĩ, trong đó có phần mộ của anh trai, em trai ông có nơi yên nghỉ khang trang, sạch đẹp thì cũng rất ý nghĩa.
Bởi các Anh hùng Liệt sĩ đã chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, họ xứng đáng được tri ân, xứng đáng được yên nghỉ trong sự chăm lo của chính quyền địa phương và nhân dân.
Vì nghĩ như vậy nên ông Tuyệt đã không ngần ngại hiến phần đất của gia đình để chung sức cùng chính quyền địa phương tri ân các Anh hùng Liệt sĩ.
Ông Nguyễn Văn Tuyệt mộc mạc chia sẻ: "Nhiều người bảo tôi sao ông không có tiền mà ông hiến đất nhiều thế. Tôi bảo tiền thì cũng ăn hết, còn tôi hiến đây thì cứ còn mãi mãi, các vị anh hùng cứ "bồi dưỡng" cho tôi sức khoẻ, sống lâu là tôi thích rồi".
Sau khi hiến đất cho xã để nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ, phần diện tích còn lại ông Tuyệt chia cho con. Vì vậy, hiện nay, không còn vườn đồi, thành ra vợ chồng ông Tuyệt cũng không có nguồn thu gì đáng kể.
Hai vợ chồng ông Tuyệt không có lương hưu, không kinh doanh buôn bán gì, chỉ cấy 2 sào ruộng để lấy thóc gạo ăn, nuôi một ít gà đẻ trứng, nuôi vài con chó. Nguồn thu có chăng đến từ việc bán con gà, quả trứng hay đàn chó con.
Thu nhập đó, vợ chồng ông Tuyệt dùng để chi dùng hàng ngày. Các con của ông bà hiếu thảo nên hàng tháng cũng đều gửi tiền biếu bố mẹ để chi tiêu nhưng ông bà giữ lại, chỉ để dùng vào những khi cần thiết hoặc khi gia đình có việc lớn.
Sự gương mẫu trong chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, với nghĩa cử cao đẹp trong việc hiến đất để chính quyền cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ của gia đình ông Tuyệt đã được các cấp chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
Trước đó, năm 2023, ông Nguyễn Văn Tuyệt đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.