Tham gia gian hàng tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024, bà Mai Thị Tú, chủ cơ sở bánh lá răng bừa Tú Chữ (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) chia sẻ: "Nghề làm bánh lá răng bừa của gia đình đã có từ nhiều đời nay".
Clip: Bà Mai Thị Tú (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ bí quyết làm bánh lá răng bừa ngon
Trước đây, bánh lá răng bừa thường được người dân huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) làm vào các dịp lễ, tết hay những sự kiện quan trọng. Nhưng ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường món bánh này đã được người dân nơi đây sản xuất hàng ngày.
Theo bà Tú, chủ cơ sở bánh lá răng bừa Tú Chữ cho biết, hiện nay gia đình đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập của lao động được tính theo sản phẩm, cứ gói 100 cái bánh là được trả 30.000 đồng.
Bánh lá răng bừa, mới nghe cái tên đã thấy tò mò. Qua tìm hiểu, vùng đất Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), được xem là "cái nôi" của bánh lá răng bừa.
Tương truyền, nghề làm bánh lá răng bừa cùng với các phong tục tập quán đã gắn liền với cuộc đời thân thế của nhân vật lịch sử Lê Hoàn và Hoàng đế Lê Đại Hành.
Đối với Hoàng đế Lê Đại Hành là người đích thân khởi xướng tục cày ruộng tịch điền tạo khí thế yêu lao động, sản xuất nông nghiệp của bà con. Từ lễ hội này, bà con nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất, để làm ra thứ bánh gần gũi, gắn với hình tượng và thành quả lao động của người nông dân vùng nông nghiệp lúa nước để tiến vua.
Bánh lá răng bừa hay "bánh răng bừa" cũng ra đời từ đấy, thứ bánh gợi nhớ đến hình ảnh chiếc răng của cái bừa trong lao động sản xuất của người nông dân Việt Nam.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm bánh lá răng bừa, bà Mai Thị Tú, chủ cơ sở bánh lá răng bừa Tú Chữ (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) nói: "Nghề làm thứ bánh ăn 1 lần rồi da diết nhớ này quan trọng là nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng, tươi sạch như: Gạo tẻ, thịt lợn sấn vai, hạt tiêu, mộc nhĩ, hành khô…".
Cách làm bánh lá răng bừa không quá cầu kỳ, tuy nhiên cần sự khéo léo, chịu khó. Đầu tiên chọn gạo làm từ lúa 13/2, một giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng dài, hạt gạo trắng, dẻo, thơm ngon.
Tiếp theo, đem gạo ngâm trong nước lạnh từ 2 đến 3 giờ thì đem xay nhuyễn thành bột. Bột vừa xay xong được đặt lên bếp, giáo đều tay cho đến khi nồi bột gạo dẻo (không quá chín) thì bắc ra ngoài.
Bên cạnh đó, nhân bánh lá răng bừa được làm từ thịt lợn sấn vai, thịt được rửa sạch, băm hoặc xay nhỏ sẽ ướp cùng với một số loại gia vị khác như: Hành khô, mộc nhĩ (băm nhỏ), hạt tiêu, muối vừa đủ... rồi xào cho chín.
Lá gói bánh răng bừa thường được người dân sử dụng lá dong hoặc lá chuối hơ qua lửa. Đồng thời, gói theo kiểu gấp nếp lá, bẻ gập hai đầu, cách gói này tạo nên chiếc bánh gọn gàng, chắc chắn, lại rất đẹp mắt. Sau khi gói xong, bánh được xếp ngay ngắn vào nồi hoặc lò hấp, thời gian từ 15-20 phút bánh sẽ chín.
Bánh lá răng bừa ăn ngon miệng nhất khi đang còn nóng, ăn vào những ngày đông giá rét. Bánh nóng sẽ dậy mùi thơm của hành mỡ, mềm ngon, vừa miệng chấm với nước mắm tạo vị thơm ngon, đậm đà.
Trao đổi với Báo điện tử Dân Việt, bà Mai Thị Tú, chủ cơ sở bánh lá răng bừa Tú Chữ cho biết: "Sản phẩm bánh lá răng bừa Tú Chữ (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã được xếp hạng OCOP 3 sao năm 2023. Bình quân mỗi tháng cơ sở bán khoảng 15.000-20.000 cái bánh lá răng bừa ra thị trường, giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/cái".