Dân Việt

Xuất khẩu thủy sản vượt 7 triệu USD trong 9 tháng: Các doanh nghiệp thủy sản kinh doanh ra sao?

Linh Anh 30/10/2024 08:00 GMT+7
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt 7 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay, với sự tăng trưởng vượt bậc ở hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Tuy nhiên, lợi nhuận các doanh nghiệp thủy sản đã cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024 cho thấy sự phân hóa khá rõ rệt, thậm chí vẫn có doanh nghiệp báo lỗ.

Xuất khẩu thủy sản vượt 7 triệu USD trong 9 tháng

Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, quý III/2024 ghi nhận doanh số cao nhất kể từ đầu năm đến nay, khi mà nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng mạnh trở lại.

Trong đó, phải kể đến sự đóng góp từ 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc với mức tăng trưởng 2 con số đã đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở về mức tăng trưởng "bùng nổ" như trước đây.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng 19,5%, đạt 551 triệu USD, trong khi đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng 35,6%, đạt 571 triệu USD. Tính đến hết quý III, 2 thị trường này đều mang lại nguồn thu ngoại tệ vượt 1,3 tỷ USD cho ngành thủy sản.

Dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cho biết, đối với thị trường Mỹ, tăng trưởng ấn tượng nhất là xuất khẩu cá tra với 24%, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 9%.

Còn thị trường Trung Quốc, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm cũng tăng mạnh tới 29%, trong đó tôm chân trắng và tôm hùm là 2 loài có tăng trưởng ấn tượng.

cổ phiếu  - Ảnh 1.

Cán bộ kỹ thuật của C.P Việt Nam kiểm tra sự phát triển của tôm trong ao nuôi. Ảnh: Quốc Hải.

Nhận định về kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024, đại diện Vasep dự báo sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu quý IV năm nay sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả thanh tra IUU từ EU và quyết định về thuế chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ...

Bên cạnh những thách thức về thuế và quy định từ các thị trường lớn, ngành thủy sản còn phải đối mặt với biến động về khí hậu và môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu.

Chưa hết, vấn đề cạnh tranh từ các đối thủ ngày càng gia tăng thúc đẩy doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ngành thủy sản bứt tốc, các doanh nghiệp kinh doanh ra sao?

Dữ liệu thống kê của PV Dân Việt với 8 doanh nghiệp ngành thủy sản đã cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024 cho thấy, bức tranh lợi nhuận phân hóa khá rõ rệt khi có 5 doanh nghiệp tăng trưởng, 2 doanh nghiệp giảm lãi và 1 doanh nghiệp báo lỗ.

Nếu đối chiếu với các doanh nghiệp thủy sản cùng ngành cá tra như IDI, Nam Việt (HoSE: ANV), tổng diện tích vùng nuôi tự chủ của Vĩnh Hoàn đạt khoảng 750 ha (tính đến cuối năm 2023), đáp ứng 75% nguồn cung cá tra nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cá tra của Vĩnh Hoàn. Phần 25% nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu còn lại sẽ được Vĩnh Hoàn thu mua từ các doanh nghiệp khác và các hộ nuôi thủy sản liên kết.

Theo Chứng khoán Rồng Việt dự phóng, Vĩnh Hoàn được hưởng lợi nhiều hơn Nam Việt nhờ giá bán tại thị trường Mỹ (thị trường chính của Vĩnh Hoàn) kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong khi giá bán tại thị trường Trung Quốc (thị trường chính của Nam Việt) vẫn chưa hồi phục.

Cụ thể, "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn - với khoảng 50% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ vẫn dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 1.016 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là doanh nghiệp dẫn đầu sản lượng xuất khẩu cá tra trong 9 tháng đầu năm.

Trong khi đó, CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) đứng thứ 2 về xuất khẩu cá tra trong thị trường nội địa với thành phẩm cá đông lạnh chiếm 80% cơ cấu doanh thu.

Mặc dù 9 tháng đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần và lãi gộp tăng mạnh so với cùng kỳ, lần lượt đạt 3.550 tỷ đồng và 421,7 tỷ đồng nhờ sản lượng tăng trở lại.

Tuy nhiên, Nam Việt báo lãi 64,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, do chi phí bán hàng tăng 37% lên 185,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ cước vận chuyển.

Nguyên nhân do chiến tranh, xung đột trên thế giới làm cước tàu tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) báo lãi trước thuế tăng 7% so với năm trước lên 231,8 tỷ đồng, tương ứng đạt 72% kế hoạch lãi năm.

Thuyết minh báo cáo tài chính quý III của Sao Ta cho biết, 9 tháng đầu năm, Sao Ta chi hơn 135 tỷ đồng tiền cước vận chuyển, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Sao Ta ghi nhận phát sinh chi phí chống trợ cấp 23,2 tỷ đồng và chi phí thuế chống bán phá giá tăng gần 15 tỷ đồng lên 49,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng đột biến ở cuối kỳ vừa qua làm cho việc trả nợ các đơn hàng không đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, công ty trích trước chi phí thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) trên doanh thu bán hàng sang Mỹ để tránh rủi ro thị trường này đang giai đoạn xem xét hồ sơ.

cổ phiếu  - Ảnh 2.

Cập nhật lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp thủy sản. Biểu đồ: Dân Việt t/h.

Tiếp theo là Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (UPCoM: SEA) với lợi nhuận 150 tỷ đồng, giảm 20% so với năm ngoái do doanh thu từ công ty con, doanh thu tài chính giảm, lãi từ công ty liên kết... đều giảm so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Thủy sản Minh Phú (mẹ; UPCoM: MPC) lãi trước thuế 135,1 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 1.589% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được đóng góp bởi KQKD quý III (195 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nguyên nhân chính giúp công ty mẹ Thủy sản Minh Phú lãi lớn trong quý III và đóng góp cho kết quả 9 tháng là nhờ nhận được khoản cổ tức lớn từ công ty con là CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang và Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng Thủy sản Minh Phú.

9 tháng đầu năm, Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) lãi 71 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ do doanh thu tăng và chi phí (chi phí tài chính, chi phí khác) giảm.

CTCP Đầu tư du lịch và Phát triển Thủy sản (Trisedco; HoSE: DAT) lãi 49,6 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh nghiệp tiết giảm các chi phí nhưng do lợi nhuận gộp giảm 33% so với năm trước (biên lợi nhuận gộp kỳ này giảm 2% còn 3%) dẫn đến lợi nhuận trước thuế thấp hơn cùng kỳ.

Ở thái cực còn lại, CTCP Thủy sản MeKong là doanh nghiệp báo lỗ duy nhất trong danh sách doanh nghiệp thống kê (lỗ 4,8 tỷ đồng). Doanh nghiệp này cho biết, dù quý III/2024, tình hình bán hàng đã khả quan hơn 6 tháng đầu năm nhưng giá bán vẫn ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào đều tăng, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh cả năm.