Sau khi khung giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến, phản hồi trên Dân Việt, nhiều bạn đọc bày tỏ mức giá cao nhất 14 triệu đồng/tháng là không dành cho người thu nhập thấp, bình dân, "giá này dành cho người giàu rồi"...
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhận xét, khung cao nhất 14 triệu đồng/m2 như TP. Hà Nội đưa ra như vậy là không hợp lý, thậm chí cao hơn nhiều căn hộ thương mại đang cho thuê trên thị trường.
Ông Toản đưa ra ví dụ về 1 căn hộ thương mại 60 m2 cho thuê tại quận Thanh Xuân có giá 11 triệu đồng/tháng hay 1 căn chung cư mini 2 phòng ngủ giá thuê cũng chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Theo bảng giá trong đề xuất thì nhà ở xã hội còn đắt hơn nhà thương mại cho thuê, trong khi đó lại có vị trí xa trung tâm hơn. Tôi cho rằng đề xuất này mang tính thương mại và ít mang tính an sinh xã hội, vì vậy cần phải xem xét lại.
ông Toản nêu ý kiến
Nếu 1 hộ gia đình sau khi đã trừ đi toàn bộ chi phí sinh hoạt, học tập, ăn uống vẫn dư ra hơn 14 triệu đồng/tháng để thanh toán phí thuê nhà thì họ hoàn toàn có khả năng xoay vốn để có thể mua được 1 căn nhà riêng chứ không cần đến việc thuê nhà, nhất là thuê nhà ở xã hội
Theo ông Toản, bối cảnh hiện nay, giá thuê nhà ở xã hội chỉ nên khoảng 5 triệu đồng/tháng thì phù hợp với người thu nhập thấp, giới bình dân. Ông Toản dẫn chứng, 1 gia đình có 2 con, thu nhập 2 vợ chồng dưới 30 triệu đồng/tháng, nếu thuê nhà ở xã hội mất 10 triệu đồng/tháng (chiếm 35% thu nhập) thì chắc chắn không thể đủ sống tại Hà Nội khi mà giá cả hiện đắt đỏ, chi phí cho học hành cũng rất tốn kém, chưa kể nhiều chi phí không tên khác.
Tuy nhiên, theo ông Toản, việc TP. Hà Nội đưa ra khung giá nhà ở xã hội lên đến 14 triệu đồng/tháng để giúp phân khúc nhà ở xã hội trở nên hấp dẫn hơn, kích đẩy nhà đầu tư, doanh nghiệp đổ vốn, tham gia phát triển nhà ở xã hội. Nhưng, đặt khung giá thuê cao cũng như vậy giống như con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể kích thích đầu tư nhưng mặt khác, vì giá quá cao nên rất dễ bị "ế" vì người dân sẽ đổ sang phân khúc nhà ở thương mại với giá tương đương, ông Toản nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng, khung giá cho thuê quá cao thì sẽ tồn hàng. Hàng tồn lâu, không thoát hàng được thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ lỗ. Chính vì vậy, theo ông Hiếu, việc để giá thuê cao không phải là mục tiêu muốn thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Tâm lý chung là không có doanh nghiệp nào muốn chịu lỗ, chịu nhiều rủi ro mà "đâm đầu" vào.
Ông Hiếu chia sẻ
Đáng chú ý, ông Hiếu chia sẻ rằng khung giá cho thuê nhà ở xã hội do TP. Hà Nội dự thảo nếu được thông qua sẽ rất dễ cấu thành cơ chế xin - cho. Ông Hiếu dẫn chứng: Khi doanh nghiệp "nhảy" vào đầu tư thì rất ít khả năng họ để mức giá thuê, mua thấp vì lãi ít. Khi lãi ít họ sẽ "xin" duyệt giá thuê cao lên. Chính từ những bước này tiềm ẩn khả năng đút lót, tham nhũng cao.
Ông Hiếu đề nghị cơ quan chức năng, cơ quan quản lý cần nghiêm túc xem xét và tính toán lại khung giá thuê này sao cho đúng với cái tên "nhà ở xã hội", phân khúc này sinh ra là cung cấp nơi ở ổn định cho những người có thu nhập hạn hẹp.
Nhìn về góc độ kinh tế, GDP hiện nay tại Việt Nam đang trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Với mức này sẽ rất chật vật khi sinh hoạt trên Hà Nội. Nếu cái khung giá cho thuê trên được duyệt qua, theo ông Hiếu phải 20 - 30 năm sau thì người dân may ra mới có thể đáp ứng được.
Để tránh giá thuê nhà ở xã hội "ngáo giá", ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành chia sẻ rằng, tâm lý chung của những người có thu nhập thấp là sẵn sàng chọn nơi an cư kém tiện nghi hơn so với nhà ở thương mại để có giá thành phù hợp với chi phí có thể bỏ ra.
Vậy nên ông đề xuất chủ đầu tư xây nhà thấp hơn 24 tầng, diện tích nhỏ hơn nhà ở thương mại để có thể tiết kiệm chi phí đầu vào, từ đó kéo giảm giá thuê, mua nhà ở xã hội xuống.
Ông Hiếu cho biết thêm, nhìn sang nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như tại NewZealand, giá thuê nhà ở xã hội phân khúc trung bình tại đây bằng 1/25 thu nhập trung bình, đồng thời nhà nước hỗ trợ 20% tiền thuê chênh lệch thông qua Bộ Phát triển Xã hội.
Một số chuyên gia khách cho biết, tại Brunei, người dân có thể thuê nhà ở xã hội trong 30 năm. Hình thức thanh toán là trừ thẳng vào lương (khoảng 300 USD/tháng). Giá thuê bằng 1/10 thu nhập trung bình người lao động tại đây. Khi người thuê trả hết tổng tiền thuê thì quyền thuê sẽ được chuyển thành quyền sở hữu.
Hay gần hơn là với Thái Lan, các căn nhà ở xã hội điển hình có diện tích từ 21,5 - 33 m2 trong các tòa chung cư cao 7 tầng, 23 m trở xuống. Khi mua nhà ở xã hội tại đất nước này, những người có thu nhập chỉ 25.000 baht/tháng có thể sở hữu nhà theo chương trình vay thế chấp và hàng tháng chỉ phải trả 3.600 baht. Những người có thu nhập hơn 25.000 baht/tháng cũng được hưởng lợi từ Đề án với mức lãi suất cố định 3% cho khoản vay 1 triệu baht trong 3 năm đầu tiên.
Tham khảo thêm