Chênh vênh lương công chức, văn phòng khó chi trả phí thuê giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội
Chênh vênh lương công chức, văn phòng khó chi trả phí thuê giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội
Phương Thảo
Thứ ba, ngày 29/10/2024 14:06 PM (GMT+7)
Dự thảo giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội đang khiến dư luận bàn tán xôn xao vì mức giá quá cao, phi thực tế nhất là khi so sánh với mức lương cơ bản của Nhà nước quy định. Nhiều người ngao ngán rằng, với đồng lương còm cõi của công chức, dân văn phòng sẽ không đủ trả tiền thuê nhà.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo khung giá cho thuê nhà ở xã hội. Mức giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến thấp nhất 48.000 đồng/m2/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m2/tháng.
Theo nghị định 100 quy định tiêu chuẩn diện tích sàn sử dụng mỗi căn nhà xã hội trong dự án tối đa 70 m2, tối thiểu 25 m2. Như vậy, một căn nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong tòa nhà cao từ 31 tầng trở lên, có diện tích ở mức trung bình 55 m2, sẽ có giá thuê từ 5,4 - 10,9 triệu đồng/tháng.
Còn với những căn 70 m2, giá thuê cao nhất sẽ trong khoảng 14 triệu đồng/tháng (giá thuê chưa bao gồm tiện ích và dịch vụ đi kèm).
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Khắc Tú (30 tuổi, nhân viên marketing, đã lên Hà Nội sinh sống và làm việc 12 năm) chia sẻ: Với mức lương cơ bản hiện tại, tôi thực sự rất khó để tiếp cận được nhà ở xã hội. Mặc dù đã làm việc chăm chỉ và tiết kiệm, nhưng giá thuê nhà ở xã hội ngày càng cao, vượt quá khả năng chi trả.
Anh Tú kể lại, có lần anh tìm hiểu thuê 1 căn hộ nhỏ đã lên tới 8 triệu đồng/tháng. Với mức lương 12 triệu đồng thì trừ đi các chi phí sinh hoạt khác thì không còn nhiều tiền dành cho nhà ở. Chính vì vậy, 12 năm liên tục anh vẫn chỉ thuê 1 căn phòng trọ nhỏ.
Chị Nguyễn Thanh Xuân (27 tuổi, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội) cho biết, với thu nhập từ đồng lương cơ bản, cộng với thu nhập của chồng hiện nay thì tìm một căn nhà ở xã hội là bất khả thi. Để đủ nhu cầu ở của gia đình 3 người thì cần tối thiểu 50 - 60 m2.
"Mua nhà là điều không thể mà giờ với khung giá thuê cao thế này thì đến thuê cũng không thể luôn", chị Xuân ngao ngán chia sẻ.
Điều kiện để mua, thuê nhà ở xã hội là người lao động có mức lương thấp hơn 15 triệu đồng/tháng. Xét về thực tế thì mức thu nhập không quá 15 triệu đồng mỗi tháng là thu nhập ở mức bình thường (ngưỡng từ 10 triệu đến 15 triệu đồng) và thấp (dưới 10 triệu đồng).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động trong năm 2023 là 7,1 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng và ở khu vực nông thôn là 6,2 triệu đồng/tháng. Theo bảng số liệu, nhóm 20% dân số giàu nhất cả nước có thu nhập trung bình là 10,9 triệu đồng/tháng (và ở thành thị là 13,2 triệu đồng/tháng).
Nếu nói kèm cùng điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội thì một người lao động độc thân có lương 15 triệu đồng/tháng sẽ thuộc diện được mua nhà ở xã hội nhưng lại nằm trong nhóm 20% thu nhập cao nhất của cả nước. Điều này mâu thuẫn từ lý thuyết cho đến thực tế.
Chuyên gia "mách nước" giải quyết bài toán về giá thuê, mua nhà ở xã hội
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng mức giá cho thuê nhà ở xã hội đang được TP. Hà Nội để trong một khoảng dao động quá lớn. Ông đề xuất nên thu hẹp khoảng cách giá thuê tòa nhà từ 31 tầng trở lên ở mức từ 99.000 - 150.000 đồng/m2/tháng. Như vậy, giá cao nhất cũng chỉ trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, ông Võ cũng cho rằng, mức giá thuê 1 căn nhà ở xã hội khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng là quá sức với hầu hết gia đình có thu nhập thấp. Vì thế, để hài hòa nếu một hộ gia đình 3 - 4 người, có thu nhập không cao có thể chọn thuê căn hộ trên dưới 40 m2, giá thuê khoảng 5 triệu đồng/tháng là hợp lý.
Giá thuê căn hộ cao hay thấp sẽ căn cứ trực tiếp vào vị trí địa lý, chi phí đầu tư, tiện ích đi kèm. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM khuyến nghị nên đầu tư các tòa nhà ở xã hội cho thuê có chiều cao không quá 24 tầng, tương đương công trình cấp 2 trở xuống thì chi phí xây dựng sẽ rẻ hơn.
Nếu nhà ở xã hội xây dựng cao từ 25 tầng trở lên, tương đương công trình cấp 1 đến cấp đặc biệt thì chi phí đầu tư rất cao, sẽ đẩy giá thuê nhà lên cao.
Theo ông Châu, nếu cho thuê thấp quá, ông e ngại chính điều này sẽ tạo áp lực lên thị trường bất động sản, mất cân bằng cung cầu với những dự án chung cư thương mại và chính điều này sẽ rất dễ tạo ra thị trường "chợ đen", khuyến khích đầu cơ,... Chính vì vậy, ông Châu cho rằng, cần phải tính toán hợp lý về các mức giá cho thuê nhà ở xã hội để đảm bảo vừa hỗ trợ được giới bình dân, lại vẫn thu hút, hấp dẫn các chủ đầu tư tham gia.
Hiện, Chính phủ đang triển khai đề án "Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội". Hà Nội được giao chỉ tiêu 18.700 căn đến năm 2025. Đến nay, thành phố mới có 3 dự án được khởi công, tương ứng với khoảng 1.700 căn, chỉ đạt 9% mục tiêu.
Trong bối cảnh dự án nhà ở xã hội còn khá khiêm tốn so với nhu cầu, người có thu nhập thấp đang gặp khó khi sở hữu riêng nhà ở xã hội…thì việc đi thuê nhà ở xã hội được nhiều ý kiến người dân cho rằng là cần thiết. Điều quan trọng hiện nay là cần phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích của chủ đẩu tư cũng như người đi thuê nhà ở xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.