Tham dự có ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch và ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau hơn 6 tháng thực hiện đề án trên, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân, việc phát triển bền vững cây thanh long được duy trì ổn định, công tác phát triển thị trường có tập trung thực hiện, giá thanh long trong năm nay có cao hơn năm trước.
Đến nay, diện tích cây thanh long toàn tỉnh khoảng 26.900 ha, sản lượng đạt 460.000 tấn. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 90.775 tấn sản phẩm/năm, đạt 16,5 % sản lượng.
Toàn tỉnh Bình Thuận có 12 chuỗi cung ứng thanh long an toàn, trong đó có 9 chuỗi thanh long tươi với sản lượng 90.610 tấn/năm và 3 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến với sản lượng 165 tấn/năm.
Diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP đạt khoảng 8.559 ha và GlobalGAP khoảng 453 ha.
Diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ (Organnic) khoảng 120 ha, đạt 0,46% so với tổng diện tích.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, thanh long được tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc với 85% sản lượng, còn khoảng 15% được tiêu thụ trong nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,4 triệu USD, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2023.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, để phát triển ngành hàng thanh long hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, tỉnh đang rà soát hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó sản xuất áp dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hiện nay tình Bình Thuận cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Tỉnh xem đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý và làm hơn kết quả thực hiện đề án phát triển bền vững cây thanh long. Cụ thể là việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tang. Song song đó là xúc tiến quảng bá sản phẩm thanh long ra thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất cây thanh long…
Một số đại biểu dự họp cũng đề nghị có giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Cần nghiên cứu kêu gọi doanh nghiệp có tiềm năng để sản xuất chế biến sản phẩm thanh long, tăng cường các kênh thông tin về sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt là đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật giống cây thanh long cũng như giống mới và có chính sách hỗ trợ người trồng thanh long tham gia xúc tiến thương mại.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng thời gian qua, giá trị cây thanh long phát huy chưa đúng vai trò, vị thế. Việc phát triển thanh long còn manh mún, nhỏ lẻ và việc thực hiện các chính sách hiện hành của tỉnh Bình Thuận vẫn chưa phát huy hiệu quả…
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng cần quy hoạch vùng trồng tập trung nhằm nâng cao chất lượng cây giống. Bên cạnh đó cần có biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, thực hiện số hóa trong sản xuất tiêu thụ, ngoài ra cần rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, thanh long là cây trồng lợi thế của tỉnh Bình Thuận, giúp cải thiện đời sống người nông dân cũng như hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn….
Ông Nguyễn Hoài Anh ghi nhận từ khi ban hành đề án đến nay, các cấp, ngành trong tỉnh Bình Thuận đã triển khai được một số công việc, việc phát triển cây thanh long được tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, việc phát triển cây thanh long, các sản phẩm từ thanh long vẫn còn nhiều khó khăn; giống thanh long hiện hữu còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng; giá trị cạnh tranh còn thấp, sản phẩm chế biến chưa đa dạng phong phú…
Vì vậy, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục bám sát Kết luận số 977 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận.
Song song đó là triển khai có hiệu quả việc phát triển cây thanh long bền vững, có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu phân tích, dự báo tình hình thị trường, tiềm năng lợi thế, qua đó xác định công việc cụ thể để triển khai thực hiện.
Tăng cường hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoài Anh cũng đề nghị thu hút, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân các doanh nghiệp sản xuất chế biến, đa dạng hóa thanh long ở các lĩnh vực.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh lựa chọn giống mới có năng xuất, khả năng kháng bệnh thay thế giống củ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bảo quản chế biến sau thu hoạch, nghiên cứu triển khai mô hình thanh long giảm phát thải.
Đổi mới phương pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu chính ngạch.
Ông Nguyễn Hoài Anh đề nghị các cơ quan ban ngành, đặc biệt lưu ý nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường, kiểm soát có hiệu quả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Mặt khác, nghiên cứu điều chỉnh cũng như đề xuất các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để phát triển thanh long bền vững trong thời gian tới.
Lần đầu tiên Bình Thuận tổ chức Festival Thanh long
Ngày 30/10, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24-10-2025).
Cụ thể, từ nay đến ngày 26/10/2025, tuần lễ du lịch, văn hóa và ẩm thực sẽ diễn ra tại tỉnh Bình Thuận. Đây là chuỗi hoạt động nhằm tạo không gian văn hóa, lễ hội chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày du lịch Bình Thuận.
Đồng thời, tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm dịch vụ du lịch, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, hấp dẫn để phục vụ du khách và nhân dân trên địa bàn; cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ẩm thực, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, đơn vị kinh doanh lữ hành,… gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các sản phẩm, món ăn đặc sắc và quảng bá thương hiệu của mình đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Đáng chú ý, trong các sự kiện của Tuần lễ du lịch, văn hóa và ẩm thực, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức Festival Thanh long. Đây là lần đầu tiên lễ hội thanh long diễn ra tại địa phương được xem là "thủ phủ" thanh long của cả nước.