Đối với các ngư dân tỉnh Nam Định, vụ cá Nam được coi là vụ đánh bắt chính trong năm nhưng cũng là thời điểm nắng nóng, cộng với thời gian hoạt động trên biển thường kéo dài (từ 10-15 ngày trở lên), trong khi các điều kiện bảo quản sản phẩm chưa đảm bảo sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác.
Do vậy, việc đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, chất lượng vệ sinh thực phẩm thủy sản, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân. Theo thống kê, toàn tỉnh Nam Định hiện có 1.801 tàu thuyền các loại, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 35CV trở lên là 541 chiếc. Việc bảo quản sản phẩm thủy sản của tàu cá xa bờ thường được ngư dân thực hiện với các bước: rửa sạch, để ráo nước, sắp xếp vào từng khay, đưa vào hầm chứa và sử dụng đá lạnh để bảo quản sản phẩm; chỉ một số ít sản phẩm đánh bắt được ngư dân sử dụng phương thức phơi khô hoặc dùng muối để bảo quản.
Tuy nhiên, nhiều ngư dân xem nhẹ việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa và các thiết bị tiếp xúc với thủy sản trước và sau mỗi chuyến biển. Theo quy chuẩn, ngay sau khi dỡ hàng, bề mặt của các tấm ngăn, khoang chứa... phải được khử trùng và vệ sinh bằng các loại hóa chất chuyên dụng, đặc biệt là nước đá không được tái sử dụng.
Cũng liên quan đến an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản, nhưng ở Hà Nội lại đối diện với bất cập khác. Ông Lê Văn Mật ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa - Hà Nội) nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay nhưng chưa mấy quan tâm đến quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn.
Khi được hỏi, ông Mật giãi bày: "Quy trình an toàn đòi hỏi rất nghiêm ngặt từ việc lựa chọn con giống đến quy trình chăm sóc, thức ăn, chi phí lại cao hơn 10-20% so với nuôi truyền thống, trong khi đó, thị trường tiêu thụ giữa sản phẩm an toàn và không an toàn vẫn chưa rõ ràng, vì vậy tôi vẫn lựa chọn phương pháp nuôi truyền thống".
Một yếu tố bất lợi nữa trong nuôi trồng thủy sản an toàn là môi trường nước đang bị ô nhiễm. Theo ông Bùi Văn Tại ở huyện Thanh Oai (Hà Nội), để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ông thường xuyên phải dùng thuốc để xử lý nước, lắp đặt máy sục khí, bồn vi sinh để tăng lượng oxy trong nước… Những việc này làm tăng chi phí sản xuất, giá bán thủy sản bấp bênh nên rất khó có lãi.
Ngày 26/01/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản về việc nghiêm túc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tổ chức thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, khẩn trương tổ chức triển khai thẩm định, chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tổ chức ký cam kết cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, khẩn trương tổ chức ký cam kết theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định phương thức quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT
Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được tổ chức thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, rà soát các hồ sơ đã thẩm định, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để tổ chức thẩm định, đánh giá định kỳ đảm bảo thời gian quy định tại khoản 1, 2 Điều 9 Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT.
Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được ký cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm, khẩn trương tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT.
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ, nhiều địa phương đang cố gắng giúp nông dân thay đổi thói quen cũng như ý thức trong nuôi trồng thủy sản. Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm, xã Phú Đông (huyện Ba Vì) Chu Văn Hồng cho rằng: "Khi chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản truyền thống sang hướng an toàn, Nhà nước nên hỗ trợ người dân về con giống, kỹ thuật; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: Đường điện, giao thông, thủy lợi nội đồng và chợ để thuận lợi trong khâu tiêu thụ".
Còn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh: "Các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng an toàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất, từ đó, thuận lợi cho kiểm soát đầu vào, đặc biệt là hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế tình trạng sử dụng kháng sinh".
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương trong việc hướng dẫn ngư dân tăng cường đầu tư sử dụng các vật liệu đảm bảo chất lượng để bảo quản sản phẩm. Khuyến khích và hỗ trợ ngư dân đóng mới các tàu dịch vụ có đầy đủ điều kiện bảo quản đảm bảo chất lượng ATVSTP thủy sản sau khai thác.
Sở cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản tại các chợ đầu mối, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị sản xuất không an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua của đại lý, thương lái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái phép. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo ATVSTP; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm; đồng thời đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.
CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN