Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại Hội nghị Phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025 do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 3/10, Cục Thú y cho biết, công tác quản lý thuốc thú y thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất thuốc thú y là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại. Vì vậy, sản xuất thuốc thú y cần có vốn lớn, có nguồn nhân lực chuyên sâu về sản xuất thuốc, vaccine thú y.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, vẫn còn tình trạng vi phạm trong buôn bán thuốc thú y. Đặc biệt là vi phạm về chất lượng sản phẩm thuốc ghi nhãn sản phẩm không đúng nội dung đã đăng ký; buôn bán thuốc thú y nhập lậu, thuốc cấm sử dụng, không có trong danh mục được phép lưu hành.
Song song với hình thức buôn bán thuốc thú y tại các cửa hàng, địa điểm cố định, nhiều nhân viên của các công ty kinh doanh trực tiếp liên hệ, tiếp thị với các cơ sở nuôi để cung cấp thuốc thú y thủy sản, kháng sinh, trốn tránh sự quản lý của các cơ quan thú y địa phương.
Một số cơ sở buôn bán thuốc thú y không lập sổ sách theo dõi xuất, nhập, số lô, hạn dùng các loại thuốc, không niêm yết giá bán tại quầy; thậm chí còn cố ý đóng cửa, né tránh, khi có đoàn đến kiểm tra.
Cục Thú y cũng ghi nhận có hiện tượng thương lái thu mua cá thương phẩm liên kết với các ao nuôi để đưa trực tiếp thuốc thú y thuỷ sản cho hộ nuôi cá.
Vì vậy, công tác quản lý thuốc thú y cấm, thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định gặp khó khăn.
Đánh giá tình hình dịch bệnh, thiệt hại trên thủy sản, Cục Thú y cho biết, 9 tháng năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh giảm còn 4.257ha (giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2023 là 5.990ha)
Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hoặc không xác định được nguyên nhân vẫn còn nhiều (chiếm trên 80% trong tổng thiệt hại của nuôi trồng thủy sản).
Đơn cử với tôm, dịch bệnh có chiều hướng giảm nhưng diện tích thiệt hại do biến đổi khi hậu tăng mạnh (tăng 20% so với năm 2023).
Công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên thủy sản chưa được địa phương và cơ sở nuôi quan tâm đúng mức. Số lượng cơ sở ương dưỡng tôm giống có giám sát dịch bệnh rất hạn chế.
Do khó khăn về vaccine, việc phòng bệnh chủ động của người nuôi cũng còn chủ quan. Khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi tôm thường tự xử lý dịch bệnh thay vì phải thông báo theo quy định cho cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ.
Do vậy, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gặp rất nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn xử lý nhằm hạn chế dịch lây lan.
Ông Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay, dịch bệnh thủy sản còn diễn biến phức tạp. Ngày càng nhiều nước sử dụng quyền theo quy định của quốc tế về giám sát dịch bệnh để tạo ra các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
"Nhiều cơ sở không xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở theo đúng yêu cầu chuyên môn, tiềm ẩn nguy cơ bị các nước cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản", ông Long cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho nông nghiệp.
Do đó, ngoài việc tập trung phòng chống dịch bệnh trên các loài thủy sản, Cục Thủy sản, Cục Thú y và các địa phương còn phải phấn đấu về năng suất.
"Nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm, nuôi trồng thủy sản cần tăng cường hơn nữa để phục hồi sau cơn bão; và duy trì được đà tăng trưởng ngành thủy sản hàng năm là từ 3,5-4%, chiếm tỷ trọng 28% trong toàn ngành nông nghiệp", Thứ trưởng đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.