Nông dân Đào Xuân Vĩnh (Quảng Bình) có 2 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đánh bắt, khai thác thủy hải sản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng.
Thứ nhất, ông Vĩnh kiến nghị, trong những năm qua, việc các tàu cá ra vào cửa sông Nhật Lệ hết sức khó khăn vì cửa sông quá cạn, đã có nhiều tai nạn dẫn đến chìm tàu; mặt khác các tàu cá không thể cập cảng để bán mà phải hợp đồng thêm thuyền nhỏ để "tăng bo" hàng vào, đã làm tăng thêm chi phí trong khai thác hải sản.
Ông Vĩnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thực hiện các giải pháp khơi thông luồng lạch, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho ngư dân.
Thứ hai, thời gian qua, một số lượng lớn tàu cá tỉnh Quảng Bình không kịp nộp hồ sơ nhận chi phí nhiên liệu theo Quyết định số 48 ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa vì mất kết nối thiết bị giám sát hành trình do ảnh hưởng của vệ tinh.
Cụ thể, ngày 15/4/2024 các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, dẫn đến phải dùng thiết bị máy thông tin liên lạc để gửi hành trình về đất liền nhưng "lúc được, lúc không" và đến ngày 23/4/2024 các tàu cập cảng đến Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình nộp hồ sơ để nhận hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định số 48 nhưng hồ sơ bị trả về vì lý do mất kết nối giám sát hành trình trên 6 tiếng.
Sau nhiều phản ánh của các địa phương cũng như các chủ tàu cá, đến ngày 1/10/2024, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã tổ chức họp với Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), đại diện nhà mạng Vinaphone - VNPT và đại diện ngư dân để tìm hướng giải quyết.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT - Vinaphone cho hay, việc mất liên lạc ngày 15/4/2024 là do sự cố từ vệ tinh Thuraya 3 (vệ tinh này do nhà mạng ký hợp đồng với Công ty Thuraya - đối tác nước ngoài). Hiện tại, tất cả các quốc gia trên thế giới ảnh hưởng bởi vệ tinh trên đều được cho là lý do bất khả kháng. Những khu vực của châu Á sử dụng vệ tinh này đều bị ảnh hưởng.
Trong thời điểm lỗi xảy ra từ 15-27/4/2024, nhà cung cấp Công ty Thuraya đã gửi thông tin này đến tổ chức của thế giới liên quan đến IUU để công nhận là do "bất khả kháng" và đang chờ trả lời từ tổ chức này.
Theo ông Vĩnh, nếu công nhận là do "bất khả kháng" và có công văn của nhà mạng VNPT gửi về địa phương thì Chi cục Thủy sản sẽ tiếp nhận và xử lý cho bà con. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cho đến nay vẫn chưa thấy phản hồi gì về phía nhà mạng và các chủ tàu đang rất "nóng lòng" chờ giải quyết. Vì vậy, ông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm để có giải pháp hỗ trợ bà con.
Cũng liên quan đến vấn đề đánh bắt, khai thác hải sản, nông dân Nguyễn Thị Hạnh (Bình Thuận) cho biết, tình trạng đánh bắt, sử dụng chất nổ và thuốc nổ trên biển đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản và các tàu thuyền đánh bắt trên biển. Trước thực trạng đó, bà Hạnh kiến nghị Thủ tướng có giải pháp xử lý nghiêm những trường hợp đánh bắt, phá hoại nguồn lợi thủy sản và các tàu thuyền trên biển.