Những kết quả nổi bật của công tác Hội, phong trào nông dân sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022
Những kết quả nổi bật của công tác Hội, phong trào nông dân sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022
P.V
Thứ sáu, ngày 29/12/2023 18:26 PM (GMT+7)
Ngày 29/5/2022 tại Sơn La, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 đã diễn ra với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Sau Hội nghị, công tác Hội và phong trào nông dân ở các địa phương đã đạt được những kết quả nổi bật.
Trong báo cáo số 03-BC/HNDTW ngày 29/12/2023 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 nêu rõ, thông qua Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, niềm tin của người nông dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng cao; cán bộ, hội viên, nông dân vui mừng, phấn khởi được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; tạo nên một khí thế thi đua sôi nổi, sâu rộng.
Nhờ đó, công tác Hội và phong trào nông dân ở các địa phương đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong năm 2022, đã có trên 131.000 hội viên nông dân được các cấp Hội Nông dân trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã thành lập mới được trên 200 “cửa hàng nông sản sản an toàn”; trên 5,3 triệu hộ nông dân tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; trên 5,8 triệu hộ nông dân được đào tạo kỹ năng số trong sản xuất nông nghiệp; gần 100.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện.
Đến 31/11/2023 tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ước đạt 4.877 tỷ đồng; trong đó: nguồn Quỹ HTND Trung ương đạt 745,27 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương đạt 4.131,73 tỷ đồng. sản an toàn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả hơn với Hội Nông dân Việt Nam trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đề xuất bố trí nguồn lực nhiều hơn trong thực hiện các chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá, với hệ thống chính sách, cơ chế đồng bộ, kịp thời của nhà nước đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tạo điều kiện để nông dân đóng góp lớn vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng vào cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy tốt hơn vai trò trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, tham gia hợp tác, liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Thông qua các cấp Hội, người nông dân đã có những ý kiến thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, Nhà nước; phát huy trách nhiệm, trực tiếp phản ánh, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong các đợt tiếp xúc cử tri, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kịp thời phản ánh với cấp uỷ, chính quyền về những vấn đề dân sinh bức xúc và nguyện vọng chính đáng; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nông dân, củng cố, nâng cao niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hội nghị có hơn 500 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La và gần 4.000 đại biểu ở 62 điểm cầu cả nước. Sau khi trực tiếp đối thoại và lắng nghe các câu hỏi, kiến nghị của nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.