Dân Việt

Bình Phước: Tổ chức hội thảo chủ đề “Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép"

Đông Anh 31/10/2024 08:07 GMT+7
Ngày 30/10, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”.

Hội thảo diễn ra tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận và ý kiến thảo luận. Nội dung các thảo luận về việc tăng cường hợp tác liên ngành trong phòng, chống tội phạm mua bán và săn bắt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mọi người cũng nhất trí với kế hoạch hành động "Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép". Hội thảo là sự kiện lớn để tỉnh Bình Phước phát động và trở thành một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước trong việc không sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép. - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: H.H

Đây cũng là chuỗi hoạt động nhằm tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học và ngăn chặn các hoạt động săn bắt, vận chuyển, bán, tàng trữ, sử dụng động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh.

Bình Phước có diện tích rừng tự nhiên hơn 55.977 ha, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao. Trong đó, nhiều loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang được bảo vệ tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tỉnh Bình Phước luôn quan tâm chỉ đạo sát sao đến các vấn đề môi trường, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã.

Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép. - Ảnh 2.

Ông Phạm Thụy Luân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.H

Qua đó,nhằm góp phần tích cực trong cải thiện chất lượng và số lượng tài nguyên thiên nhiên; giảm nhiều nguy cơ suy thoái tài nguyên môi trường và tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật hoang dã quý, hiếm.

Tại hội thảo, thay mặt UBND tỉnh Bình Phước, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân kêu gọi các sở, ban, ngành, địa phương, chủ rừng, cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ đề phát ra từ hội thảo. 

Nói "không" với sử dụng động vật hoang dã trái phép. Từ đó, khuyến khích toàn thể người dân tích cực và tự giác tham gia bảo vệ động vật hoang dã.

Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép. - Ảnh 3.

Quang cảnh tại hội thảo diễn ra tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: H.H

Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã tiếp nhận hơn 50 cá thể động vật hoang dã, thuộc 13 loại khác nhau, tất cả đều thuộc loài quý hiếm. Đây là những động vật hoang dã từ người dân, cơ quan chức năng thu nhận được qua nhiều hoàn cảnh khác nhau… Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã nuôi dưỡng, chăm sóc và sau đó, thả các cá thể động vật hoang dã trở về môi trường sống tự nhiên tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép. - Ảnh 4.

Hội nghị về "Tăng cường phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.H

Ngoài ra, cùng ngày, tại TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã diễn ra hội nghị về đề án "Tăng cường phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và phòng chống bệnh cúm gia cầm năm 2024. Hội nghị do Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước tổ chức.

Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép. - Ảnh 5.

Vọoc chà vá - động vật hoang dã cực kỳ quý hiếm, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ảnh: V.Q.G

Từ hội nghị, Đề án "Tăng cường phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được xây dựng, triển khai, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hiệu quả công tác phòng chống các hành vi tội phạm liên quan đến đa dạng sinh học.

Đây là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc ứng phó với những thách thức lớn của thời đại.

Xác định bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo các mục tiêu lâu dài, được các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả.

Từ đó, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã; giúp người dân bài trừ thói quen, sở thích sử dụng các loài hoang dã làm trang sức, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.