Dân Việt

Từ đề kiểm tra Văn lớp 10 ở TP.HCM về “lối sống phông bạt” gây xôn xao: Có nên “chạy theo trend”, dùng tiếng lóng?

Tào Nga 31/10/2024 06:52 GMT+7
Nhận xét về đề kiểm tra Văn giữa kỳ 1 lớp 10 ở TP.HCM với yêu cầu phân tích “lối sống phông bạt” của giới trẻ hiện nay, giáo viên cho rằng, việc sử dụng tiếng lóng có thể khiến học sinh hiểu sai hoặc thiếu chính xác về bản chất của ngôn ngữ.

Nhận xét đề kiểm tra Văn giữa kỳ 1 lớp 10 ở TP.HCM

Liên quan đến đề thi Văn đề cập đến "lối sống phông bạt", sau khi tạo tranh luận trên mạng xã hội, ngày 30/10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP.HCM, xác nhận: Đây là đề kiểm tra giữa kỳ 1 môn Văn dành cho học sinh lớp 10A25 của trường, không phải dành cho học sinh cả khối 10.

Theo đề bài, trong thời gian 45 phút, học sinh sẽ viết một bài văn nghị luận bàn về "Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Đề kiểm tra này rất đặc biệt bởi chỉ có duy nhất 1 dòng trong 1 trang A4 kèm theo lời ghi chú: "Học sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm".

Từ đề kiểm tra Văn lớp 10 ở TP.HCM về “lối sống phông bạt” gây xôn xao: Có nên “chạy theo trend”, dùng tiếng lóng?- Ảnh 1.

Đề kiểm tra Văn giữa kỳ 1 lớp 10 ở TP.HCM gây tranh luận. Ảnh: CMH

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM đánh giá: "Đề thi mới lạ, ngắn gọn, tập trung. Với hình thức đề chỉ có một câu hỏi, người ra đề muốn định hướng học sinh tập trung vào việc phân tích và trình bày ý kiến của mình. 

Đề có tính thực tế cao. Chủ đề "lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" là một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Cái khó là để nêu được quan điểm, học sinh cần phải để tâm đến thực tế cuộc sống chứ không phải chỉ biết học trong sách vở. Đề dạng mở, câu hỏi không có đáp án cụ thể, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. 

Tuy nhiên, đề cũng có thể sẽ gây tranh cãi. Khái niệm "lối sống phông bạt" có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, dễ gây ra tranh cãi trong quá trình chấm điểm. Và có một điểm đáng nói là đề đang chưa đáp ứng được việc kiểm tra năng lực học sinh một cách toàn diện: Dù rằng cách ta đề như thế này có những yếu tố tích cực đã nêu nhưng sẽ rất khó đánh giá năng lực học sinh. 

Giáo viên nên soạn một đề theo ma trận, từ nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao, để không gây hoang mang cho học sinh. Cũng có thể khi người dạy đã căn cứ vào tình hình học lực của học sinh trong lớp (đa số học sinh giỏi) nên mới có cách ra đề đặc biệt như vậy. Dù sao thì tôi vẫn tôn trọng cách nghĩ, cách sáng tạo của đồng nghiệp".

Nên hay không việc sử dụng tiếng lóng trong đề thi?

Cũng theo Thạc sĩ Tuyền, việc sử dụng tiếng lóng, nhất là những từ ngữ "bắt trend" trong đề thi có thể mang đến sự gần gũi và thu hút đối với học sinh, bởi nó phản ánh phần nào đời sống ngôn ngữ hiện đại. Tuy nhiên, tiếng lóng mang tính tạm thời và thay đổi theo thời gian. Đưa những từ ngữ này vào đề thi, một môi trường đòi hỏi tính chính thống và chuẩn mực, có thể khiến học sinh hiểu sai hoặc thiếu chính xác về bản chất của ngôn ngữ. 

Hơn nữa, đề thi phải mang tính giáo dục, giúp các em tiếp cận được nền tảng ngôn ngữ ổn định và lâu dài hơn, thay vì chạy theo sự nhất thời. Chúng ta cần giữ sự cân bằng, chọn lọc một cách tinh tế hoặc phải có chú thích rõ ràng, làm sao để các em cảm nhận được cái mới mẻ nhưng không làm mất đi giá trị cốt lõi của ngôn ngữ.

Đề thi Văn theo chương trình mới hiện nay có nhiều điểm sáng, thể hiện tinh thần cải cách và mong muốn đưa giáo dục tiến gần hơn với thực tế xã hội. Các đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn hướng đến đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, đôi khi vẫn còn những điểm chưa thực sự mượt mà. Việc áp dụng các yêu cầu mới đôi lúc tạo nên áp lực cho cả học sinh và giáo viên, đặc biệt là ở những phần chưa có sự đồng bộ trong phương pháp giảng dạy và kiểm tra. Việc hoàn thiện và đồng bộ phương thức ra đề đòi hỏi những người làm công tác chuyên môn và hoạch định chiến lược cần có nhiều cuộc đối thoại, thảo luận sâu sắc hơn để hạn chế thấp nhất độ chênh giữa các đề".

TS Lê Thị Thùy Vinh, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nhận xét: "Phông bạt" vốn là một từ lóng được cộng đồng mạng xã hội sử dụng trong thời gian qua. Từ lóng này để chỉ hành động phô trương, tô vẽ trong khi thực tế không có thật hoặc có nhưng không nhiều. Từ những hành động cụ thể, chúng ta có lối sống "phông bạt" (lối sống ưa thích hình thức nhưng không chân thật), con người "phông bạt" (người thích khoe mẽ bằng cách phóng đại tài sản, khả năng che giấu bản chất thật của mình). 

Đề thi giữa kỳ lớp 10 đặt vấn đề về "lối sống phông bạt" và yêu cầu học sinh trình bày ý kiến về lối sống này, xét về vấn đề nghị luận, đề thi đã đặt ra một vấn đề có tính "nổi cộm", cấp thiết của giới trẻ. Xét về tính tương thích của vấn đề nghị luận và đặc điểm của một đề thi cho học sinh thì hoàn toàn không phù hợp. Bởi từ ngữ lóng là từ ngữ có phạm vi sử dụng hạn chế. Vì thế, về nguyên tắc người ta chỉ sử dụng từ ngữ lóng trong những phạm vi nhất định và đối tượng nhất định. Đề thi cho học sinh là một văn bản hướng đến số đông người đọc vì thế việc sử dụng từ ngữ lóng là không hợp lý (nếu có sử dụng cần có những ngữ cảnh cụ thể để học sinh có thể hiểu đúng).

Trên cơ sở ma trận đặc tả của đề thi, có thể thấy các đề thi môn Ngữ văn trong chương trình mới hiện nay đều dành một "địa hạt" cho nghị luận xã hội bên cạnh nghị luận văn học đã quen thuộc bấy lâu. Yêu cầu thí sinh trình bày ý kiến của mình về những vấn đề thuộc nghị luận xã hội sẽ giúp thí sinh rèn luyện cách trình bày, đánh giá đúng/sai đồng thời đưa ra quan điểm đúng đắn của mình. Đồng thời thí sinh cũng cần tích lũy kiến thức xã hội thông qua hoạt động đọc sách, báo, mạng internet… Điều này cũng góp phần tránh tình trạng học tủ, học vẹt, tăng cường khả năng tư duy, lập luận của người học".