Dân Việt

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tổ chức bộ máy cồng kềnh dẫn tới khó khăn, kìm hãm sự phát triển"

Quỳnh Nguyễn 31/10/2024 11:08 GMT+7
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần phát triển hài hoà giữa thành thị và nông thôn. Trong phát triển đô thị cần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, loại bỏ cơ chế "xin - cho".

Sáng 31/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng và việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương

Tránh tâm lý muốn lên TP trực thuộc Trung ương để hưởng cơ chế đặc thù

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 12, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phải đối chiếu vào các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực… chứ không thể làm theo cảm xúc.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tôi nói bộ máy cồng kềnh là khó khăn lắm - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ của Quốc hội, sáng 31/10. Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thành phố từ trước tới nay phải là một cực tăng trưởng của khu vực, không được để tụt hậu, ít nhất cũng phải hoàn thành các mục tiêu.

"Nay mai không thể buộc chính quyền nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vì sẽ "rất phản cảm". Lý do vì đang đô thị rồi mà thực tế vẫn còn nông thôn, thực tế vẫn còn chưa được "kiểu mẫu", chưa được "mới", người ta nói ông lại nông thôn hoá đô thị à?", Tổng Bí thư nêu ví dụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh cần tránh tâm lý muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương để hưởng cơ chế đặc thù.

"Tất nhiên để trở thành cực tăng trưởng phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, trong phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện. Nhưng nếu không có tiềm năng mà chỉ cố gắng lên thành phố trực thuộc Trung ương để hưởng ưu đãi thì không được", ông Tô Lâm lưu ý.

Song song với đó, Tổng Bí thư yêu cầu khi lên thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh phát triển kinh tế, cần phải hài hoà, bền vững, không phải phát triển "vùn vụt".

Qua xét các tiêu chí trên, Tổng Bí thư cho rằng đến nay Huế đã đủ tiêu chí, xứng đáng để lên thành phố trực thuộc Trung ương và cần phải chia sẻ với những khó khăn mà thành phố phải đối mặt.

"Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước", Tổng Bí thư chia sẻ và hy vọng thời gian chuyển tiếp lên thành phố thuộc Trung ương không kéo dài.

"Vô cùng sốt ruột với mức chi thường xuyên hiện nay!"

Góp ý về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng cơ chế chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không hình thức.

Theo Tổng Bí thư, từ Đại hội XII, nghị quyết Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả, cần phải tinh gọn. Đến nay, chúng ta mới tinh gọn từ từ xã, huyện và ở một số bộ ngành như cục, tổng cục nhưng chưa làm được ở cấp tỉnh, cấp Trung ương.

"Năm nào, nhiệm kỳ nào cũng nói về tổ chức bộ máy và đánh giá là cồng kềnh", ông nói và nhấn mạnh nếu không tinh gọn bộ máy sẽ không thể phát triển.

Bởi, theo Tổng Bí thư, hiện nay 70% chi ngân sách đang dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho bộ máy vận hành. Nếu cứ điều hành bộ máy như thế thì không còn tiền để đầu tư phát triển, để thực hiện các dự án lớn, chi cho quốc phòng, an ninh, xoá đói giảm nghèo, an ninh xã hội…

So sánh với các nước lớn thấy họ chỉ chi thường xuyên, trả lương, vận hành chiếm khoảng 40% ngân sách, Tổng Bí thư bày tỏ: "Vô cùng sốt ruột với mức chi thường xuyên của ngân sách nhà nước hiện nay!". Do đó, Tổng Bí thư cho rằng cần tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu, xây dựng bộ máy tinh gọn để dành nguồn lực cho phát triển.

"Với tổ chức bộ máy cồng kềnh dẫn tới khó khăn, nó kìm hãm sự phát triển. Lắm bộ ngành quản lý không rõ chức năng nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, phải làm như "xin - cho". Địa phương người ta làm, hỏi mãi chẳng ai trả lời, mất thời gian. Giờ giao địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Về cơ bản, luật pháp, các quy định có hết rồi", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư dẫn chứng, vừa qua tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến khai thác trái phép cát, sỏi nhưng truy trách nhiệm 5, 6 bộ vẫn không biết đơn vị nào chủ trì để làm. "Một vấn đề thế thôi bao nhiêu cuộc họp bàn lên, bàn xuống, cuối cùng ai chịu trách nhiệm chính về vấn đề cát, sỏi dưới lòng sông, chẳng biết là ai cả. Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được, không thể chịu được vì sự cồng kềnh của tổ chức bộ máy như vậy!", Tổng Bí thư nêu thực tế.

Năng suất lao động thấp thì không thể phát triển

Trong nội dung phát biểu thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập một yếu tố quan trọng khác là năng suất lao động. 

Chỉ ra đây là một trong những chỉ tiêu có nguy cơ không đạt trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Kinh tế hiện nay có thể phát triển nhưng năng suất lao động thực tế lại đang thấp, thậm chí giảm so với thời gian trước".

Theo thống kê, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực. 

Trong giai đoạn năm 2021-2025, ước khoảng 4,8% , giảm so với bình quân giai đoạn trước 2016-2018 là 6,1%. Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động đang giảm. Nhiệm kỳ này, mục tiêu đặt ra là 6.5%, như vậy chỉ còn 1 năm nữa để phấn đấu.

Tổng Bí thư nêu rõ, muốn tăng năng suất lao động, người lao động phải có tay nghề lao động cao, có làm lượng khoa học công nghệ, phải có cách thức quản lý. Nếu muốn phát triển bền vững, chúng ta phải dựa vào thực tại nền sản xuất của chúng ta, phải tự lực, tự cường, do đó không còn con đường nào khác ngoài phải tăng năng suất, huy động mọi người cùng tham gia sản xuất, kinh doanh. Người làm phải nhiều hơn người hưởng thụ.

"Trong kỷ nguyên mới, chúng ta phải bứt tốc để hướng tới mục tiêu đến 2045 là nước phát triển thu nhập cao. Như vậy, quy mô nền kinh tế phải gấp 3 lần, thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần hiện tại và nếu không tăng năng suất thì không đạt được", Tổng Bí thư nói.