Đề xuất 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Đề xuất 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Quỳnh Nguyễn
Thứ tư, ngày 30/10/2024 09:30 AM (GMT+7)
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến đã trình bày đề xuất 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự.
Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (KSND) Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, thực tiễn đòi hỏi cần có quy định đế xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của Tòa án) để bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trong đó, đối với mỗi biện pháp, quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng, thời hạn áp dụng, ông Tiến cho biết.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, các nội dung chính sách Viện KSND Tối cao đề xuất thí điểm cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là các yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, về cơ chế thu hồi tài sản; không trái với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về phạm vi các vụ án, vụ việc được thí điểm, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản. Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như dự thảo là phù hợp.
"Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để làm rõ hơn căn cứ pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, cần cân nhắc bổ sung thêm các tiêu chí khác như: Tính chất tội phạm; phạm vi chương, mục cụ thể của Bộ luật Hình sự. Bởi vì, thực tế các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo thời gian qua đều là các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói thêm.
Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng, dự thảo nghị quyết quy định 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự. Trong đó, có 4 biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; có 1 nhóm biện pháp áp dụng có tính chất "khẩn cấp tạm thời" và có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định về các nhóm biện pháp nêu trên, đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.