Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 30/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân và thảo luận ở hội trường.
Nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là vấn đề nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định chỉ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được cấp phép sản xuất, nhập khẩu... để đảm bảo quản lý, kể cả vùng trời và khu vực an ninh.
Ý kiến khác đề nghị rà soát quy định bảo đảm thống nhất với pháp luật về nhập khẩu, xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất… trong dự thảo Luật phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành.
Theo đó, Bộ Công thương quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, nhưng đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý về đăng ký, cấp phép bay đối với các phương tiện này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời.
Đối với trường hợp xuất khẩu thì không quy định phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung khoản 2 quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái và phương tiện bay khác trong phạm vi quản lý.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công thương cấp phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Phát biểu giải trình về các ý kiến đại biểu nêu ra, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, các đại biểu nói về việc doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn nên tổ chức lực lượng phòng không, còn doanh nghiệp nhỏ thì không nên.
Theo Bộ trưởng, người ta không xác định như thế là mục đích quân sự, ở đó những nhà máy, xí nghiệp, công xưởng, nếu đánh vào đó có ý nghĩa quan trọng hơn thì sẽ tiến công tiêu diệt, chứ không phải cứ to mới đánh.
"Ở đó, nếu bố trí lực lượng phòng không sẽ chặn được đường bay của các loại phương tiện bay dưới 5000m, chỗ to chưa chắc đã chặn được. Bởi vì, cũng như đường ở dưới đất, không phải bay bất kỳ chỗ nào cũng có thể đánh các mục tiêu khác được", Bộ trưởng Phan Văn Giang nói.
Về việc cấp phép bay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đồng tình quan điểm ai có quyền ra lệnh thì người đó có quyền thu lệnh của mình, ai có quyền quyết định thì có quyền xóa quyết định đó. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung đầy đủ nội dung này trong dự thảo.
Về ngân sách hỗ trợ cho địa phương để xây dựng các trận địa, theo Đại tướng Phan Văn Giang, tỉnh biên giới rất khó khăn nhưng muốn hỗ trợ bên kia biên giới một chút lại vướng Luật Ngân sách.
"Có những đơn vị đã áp dụng tỉnh có điều kiện khá hơn giúp tỉnh biên giới và lấy tỉnh biên giới để hỗ trợ. Điều này tôi thấy rất tốt", ông Giang nói và khẳng định Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu nội dung này và vận dụng cho cả những nội dung khác.
Trả lời ý kiến của đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) cho rằng nên dùng từ "hành vi" thay từ "địch" trong dự thảo, Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ: "Đây là một luật chuyên ngành tương đối hẹp và tôi vẫn thích dùng từ chúng tôi chuẩn bị. Chúng tôi phân tích rõ "địch - ta", "hành vi" còn chưa rõ ràng nhưng đây rõ ràng là hành động chứ không thể còn là "hành vi". Tôi rất mong đại biểu chia sẻ với tôi điều này. Một là một, hai là hai".
Nói thêm về cự ly, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, đối với độ cao 5.000 hiện nay quân đội đã trang bị pháo 37mm cho lực lượng dân quân tự vệ, loại này độ cao bắn được 5.000m tính từ vị trí bố trí trận địa. Tuy nhiên, có trận địa cao hơn hàng trăm mét, sắp tới sẽ biên chế thêm các loại 57mm có khả năng bắn tới 7.000m.
Quân đội có rất nhiều phương tiện quan sát, riêng phòng không không quân và radar đã có hàng chục loại radar sóng met, sóng decimet, sóng centimet để xác định. Để đo được cự ly này thì đưa vào radar là nhận ra ngay lập tức, trong vòng quét thứ nhất là 3.000, vòng quét thứ hai 3.500, vòng quét thứ ba 3.600 là có thể tính toán ra ngay lập tức.
Quan sát thì ngoài radar ra còn các phương tiện khác để cũng có thể đo đoán được, để tính được. Các mục tiêu bố trí các trận địa phòng không cũng phải tính toán có thế đánh, có thế thủ, có thế giữ và cũng phải có thế lui.
"Chúng ta cũng phải di chuyển trận địa, không bao giờ bố trí một trận địa mà không có từ 1, 2, 3 trận địa dự bị, có khi bắn một vài loạt phải di chuyển trận địa ngay, kể cả người và vũ khí trang bị với sức sống mới. Có những loại vũ khí yêu cầu chỉ được bắn một phát buộc phải rời ngay vị trí đó nếu không bị bắn trả ngay lập tức. Cho nên, việc quan sát đây cũng rất cần thiết", tướng Giang nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.