Trong đó, trồng sen lấy củ ở phường 7, thành phố Sóc Trăng đang phát triển vì mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Tại phường 7, thành phố Sóc Trăng, những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng sen lấy củ.
Thời điểm này là mùa vụ thu hoạch củ sen. Mỗi buổi sáng sớm, gia đình anh Trần Văn Hiệp, phường 7 lại ra ruộng đào củ sen để bán cho khách hàng.
Trước đây, gia đình anh Hiệp chủ yếu trồng lúa, nhưng do ruộng trũng nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém, nên sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về mô hình trồng sen lấy củ, anh Hiệp quyết định chuyển sang mô hình này với diện tích trên 20 hecta.
Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, cây sen cho thu hoạch củ, giá củ sen bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi hơn 10 triệu đồng/1.000m2, thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Ngoài nguồn thu chính từ bán củ sen, anh Hiệp còn có thêm thu nhập từ bán cây sen giống và gương sen.
Anh Trần Văn Hiệp cho biết: “Kỹ thuật trồng sen lấy củ không khó, nhưng cần chú trọng đến giống sen, để sau thời gian chăm sóc, thu hoạch được những củ sen to, trắng, ăn giòn, bùi…
Sau khi chọn được giống sen tốt, trong quá trình chăm sóc, chú ý khâu chăm bón phân, phòng trừ các loại sâu bệnh ở từng giai đoạn khác nhau để cho cây sinh trưởng và phát triển, bảo đảm chất lượng củ sen”.
Mô hình trồng sen lấy củ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân ở phường 7, thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ
Ông Trần Quang Thái - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 7, thành phố Sóc Trăng cho biết: “Trước tình hình phát triển đô thị của thành phố, đất sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhanh do tốc độ đô thị hóa, diện tích đất sản xuất phân tán, manh mún.
Việc sản xuất theo tập quán, thói quen nay đã không mang lại hiệu quả cao mà còn gây ô nhiễm. Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo ra sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng...".
Theo ông Thái, để thích ứng điều kiện thực tế hiện nay, cũng như thực hiện theo Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 17/3/2021 của UBND thành phố Sóc Trăng về phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ, công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, qua khảo sát thì nhận thấy tại khóm 2, phường 7, các hộ nông dân trồng sen lấy củ cần phải hình thành vùng sản xuất màu chuyên canh để nâng chất lượng cũng như giá thành.
Hội đã mạnh dạn làm cầu nối vận động các hộ thành lập “Tổ hợp tác trồng sen lấy củ” để các thành viên trong tổ được cung cấp thông tin về kỹ thuật canh tác, thị trường, chính sách và học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên với nhau, cũng như có tiếng nói chung trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Thời gian qua, mô hình chuyển đổi từ ruộng lúa trũng sang trồng sen lấy củ của “Tổ hợp tác trồng sen lấy củ” phường 7 cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng sản xuất mới phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, nhất là đối với diện tích ruộng trũng cấy lúa cho năng suất thấp.
Hiện nay, “Tổ hợp tác trồng sen lấy củ” có tổng diện tích canh tác trên 33 hecta. Cây sen có thể tận dụng các bộ phận như: lá thì dùng gói thực phẩm, củ sen và hạt sen được sử dụng tươi chế biến các món ăn, một số công ty chế biến thực phẩm còn chế biến thành các món như bánh củ sen, củ sen sấy, bột củ sen, mứt sen… phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Vì vậy, củ sen của tổ hợp tác được tiêu thụ thuận lợi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Có thể nói, mô hình trồng sen lấy củ là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất trũng canh tác lúa kém hiệu quả, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Từ kinh nghiệm trồng sen của các hộ nông dân, địa phương cần nghiên cứu quy hoạch vùng trồng sen thích hợp, có phương án hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tăng lợi nhuận cho người trồng, đưa mô hình trồng sen lấy củ trở thành mô hình sản xuất bền vững.