Cuộc sống của nhân dân các vùng bão đi qua thật vô cùng khó khăn. Cả nước đang dồn sức để hỗ trợ cho nhân dân những nơi đầy khó khăn này....
Bây giờ bà con phải làm gì để mau chóng ổn định lại sản xuất và cuộc sống?! Có rất nhiều phương cách được nêu ra và đang được thực hiện. Mỗi nơi tìm ra một hướng đi, mỗi nhà gắng sức thực hiện một giải pháp. Hy vọng, bà con vùng ven biển sẽ mau chóng vực dậy được cuộc sống của gia đình mình.
Tôi lọc tìm trong bộ sách "1001 Cách làm ăn" của chúng tôi do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành và thấy có nhiều cuốn có nội dung có thể giúp cho bà con vùng biển.
Nổi bật có các cuốn do các chuyên gia ở Viện nghiên cứu thủy sản viết. Đó là các cuốn dạy cách nuôi bào ngư 9 lỗ, cách nuôi rạm trong ao đầm, cách nuôi rong nho trong bể, cách nuôi rong sụn trong ô lồng lưới, cách nuôi ốc hương và cả cách nuôi sá sùng nữa...
Thế còn Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc lại tham gia viết cuốn "Cách nuôi tôm hùm trong bể có hệ thống tuần hoàn". Như vậy, ngoài việc nuôi cá trong lồng, bè, chúng ta còn rất nhiều cách nuôi các loài trong các phương tiện khác nhau.
Xin ví dụ việc nuôi sá sùng không khó, đầu tư ban đầu cũng không nhiều, thế nhưng lại mau chóng cho thu nhập mà nguồn thu lại rất cao. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã công phu xây dựng thành quy trình nuôi rất rõ ràng. Bà con hoàn toàn có thể học và làm được. Đặc biệt vào lúc này, khi tàu, thuyền, bè,... đã bị tàn phá thì việc tổ chức nuôi sá sùng là kịp thời và hợp lý.
Sá sùng thường sống ở nơi có nền đáy là cát hay cát bùn tại vùng trung triều đến hạ triều hoặc các bãi cát nằm phía ngoài rừng ngập mặn, có thời gian ngập nước dài. Chúng đào hang để ẩn mình trong nền đáy, phân bố rải rác tới độ sâu khoảng 40cm.
Sá sùng tập trung ở các vùng triều ven biển, ven các đảo từ Hải Phòng, Quảng Ninh tới Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều nhất ở các vùng Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Ở Khánh Hòa, sá sùng có mặt ở Vạn Ninh, Cửa Bé và Cam Ranh. Chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức nuôi sá sùng.
Tiến sĩ Võ Thế Dũng ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III sẵn sàng giải đáp các thắc mắc cho bà con để tiến hành nuôi sá sùng.
Ở các vùng biển phía Bắc như Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và một số nơi khác còn có thể tổ chức nuôi con rạm. Rạm là loài có thể sống ở những nơi có độ mặn từ 1 đến 30%. Chúng sống ở tầng đáy, chất đáy phù hợp nhất là bùn cát, ở các vùng bãi bồi. Rạm rất dễ nuôi mà giá trị kinh tế lại cao. Vậy, sao bà con vùng ven biển lại không nuôi?!
Chúng có năng suất có thể đạt tới 2,5 tấn/ha/năm. Trong lúc này, giá của con rạm có rẻ đâu! Vậy, xin bà con xem xét. Nếu ai muốn nuôi, hãy tìm đọc cuốn "Cách nuôi rạm trong ao đầm" của Nhà xuất bản Nông nghiệp.
Ở các vùng biển miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và các quần đảo như Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo,... hoàn toàn có thể đẩy mạnh việc trồng rong nho biển. Đây là loại thực phẩm được rất nhiều nước ưa chuộng, trong rong nho biển có rất nhiều vitamin A, B, C và các nguyên tố vi lượng. Người ta ví rong nho biển như trứng cá hồi xanh. Vì vậy, rong nho biển là đối tượng có thể xuất khẩu đi nhiều nước, luôn có giá rất cao.
Thế nhưng, nuôi rong nho biển chỉ khoảng một tháng đến một tháng rưỡi là đã có thể thu hoạch. Vậy, sao bà con ta ở vùng biển lại không làm?!
Rong nho biển có thể được nuôi trực tiếp trên nền đáy cát bùn hoặc treo trong các túi lưới, vỉ lưới ở các thủy vực như ao, đìa, đầm ven biển hoặc ngay trong bể xi măng hay composite. Tùy từng điều kiện ở địa phương mà bà con có thể chọn cách nuôi phù hợp nhất.
Hiện nay, ở Philippines, Nhật Bản và Thái Lan, rong nho biển được nuôi rất phổ biến. Bà con mình ở vùng biển cũng nên quan tâm đến đối tượng này.
Ngoài rong nho ra, ta còn có thể nuôi rong sụn. Đây là loài cũng đã được nuôi ở 20 nước. Ở ta, rong sụn cũng được coi là đối tượng nuôi đạt hiệu quả cao. Nó đòi hỏi vốn đầu tư thấp mà kỹ thuật lại đơn giản. Ta có thể trồng rong sụn ở các khu thủy vực như đầm, vịnh, bãi ngang cạn, vùng nước sâu biển hở và các đảo. Việc trồng rong sụn không khó. Chúng tôi đã cho in cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật trồng rong sụn, chỉ cần đọc sách là bà con hoàn toàn có thể làm được.
Ngoài ra, còn rất nhiều đối tượng mà chúng ta có thể tổ chức nuôi ngay được như ốc hương, bào ngư 9 lỗ, sò huyết và cả artemia...
Trong lúc chúng ta đang khẩn trương sửa chữa tàu bè và các cơ sở nuôi đã bị bão tàn phá, bà con nên tiếp cận với các đối tượng nuôi có thể thực hiện ngay được.
Trên những bãi cát mênh mông quanh làng mạc, bà con có thể tổ chức nuôi một loài rất đơn giản, đó là nhông cát. Có lẽ, trên cát bỏng chỉ duy nhất có loài này là sống được! Nuôi chúng rất dễ. Bà con ở vùng biển Bắc Bình (Bình Thuận), người dân đã nuôi nhông cát nhiều lắm.
Chúng tôi cũng đã viết sách hướng dẫn cách nuôi chúng. Còn rất nhiều đối tượng mà bà con có thể tổ chức nuôi ngay trong lúc này.
Mỗi gia đình hãy tìm thêm một việc để tự cải thiện cuộc sống cho chính mình. Chúng tôi đã viết bộ sách kỹ thuật cho bà con, có sách, có kỹ thuật là chúng ta có thể vươn lên được...